Đất nghèo gieo... con chữ
(Dân trí) - Chỉ có 146 hộ dân nhưng có tới 44 người có trình độ đại học, cao đẳng ở một vùng quê nghèo không phải là chuyện giản đơn. Người dân nơi đây phải vượt qua biết bao nhọc nhằn, vất vả...
Lọt thỏm giữa một bên là Đông Sấu, một bên là mênh mông đồng lúa đang thì con gái, làng Đống Thượng, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam quả là một vùng quê “giàu có”. Sự giàu có không phải ở những mái nhà cao tầng và cuộc sống sung túc, đầy đủ mà ở một "cánh đồng" được “gieo” bằng "con chữ", trên mảnh đất đồng chiêm nước trũng.
Tiền vay ngân hàng tỉ lệ thuận với số sinh viên đại học
Nghe người dân quanh vùng kể về một làng hiếu học với một sự ngưỡng mộ. Thế nhưng, về Đống Thượng rất nhiều lần, tôi mới gặp được những gia đình nuôi con thành đạt, bởi có những người đã phải đi làm ăn nơi xa, có những người phải “đầu tắt mặt tối” trên cánh đồng... tất cả đều vì nuôi con ăn học.
Đến nhà chị Nguyễn Thị Thêu, gia đình có 2 con gái đang là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và 2 cậu con trai đang ôn thi tốt nghiệp THPT. Người phụ nữ trạc 40 tuổi nhưng trông già và gầy, nước da xạm đi vì nắng. Một chiếc tivi đen trắng, một chiếc tủ đã tróc sơn... trong ngôi nhà ba gian trống trải, không thiếu ánh sáng mặt trời xuyên qua kẽ ngói.
Chị kể nhiều về những đứa con, về những tháng ngày khó khăn của gia đình khi hai con gái lần lượt bước vào đại học.
Ánh mắt người mẹ ánh lên một nỗi trăn trở, lo lắng. Làm sao lo cho các con đầy đủ để chúng yên tâm học tập. Cả gia đình chỉ trông mong vào một mẫu ruộng và mấy đồng tiền đi xây bấp bênh, ít ỏi của anh Luân chồng chị. Chị ngậm ngùi kể về đàn lợn con vừa mới xuất chuồng: “Cũng định cố nuôi một vài tuần nữa mới xuất nhưng đến tháng gửi tiền cho các cháu nên đành phải bán non, chứ biết làm sao được”.
Giọng chị nghèn nghẹt, nhưng vẫn cố nén dòng cảm xúc và tâm sự: “Nói thật, có thời kỳ túng quá, còn phải mượn sổ đỏ của anh em họ hàng để vay lãi ngân hàng. Bây giờ gia đình tôi còn vay ngân hàng 40 triệu”. Gương mặt chị nhiều nếp nhăn toát lên vẻ nhọc nhằn của một người mẹ tần tảo.
Tôi đến nhà bác Lại Quốc Phòng – một cán bộ văn hoá của xã, có ba con trai học đại học. Bác Nguyễn Thị Bải (vợ bác Phòng) rót ấm trà nóng rồi thủ thỉ: “Thằng út nhà tôi bảo chiều tối sẽ về lấy tiền. Nhớ con, mong con về lắm nhưng cũng lo không biết “giật nóng” ở đâu ra tiền cho nó bây giờ”. Hai vợ chồng nhìn nhau rồi nói đùa: “Tính ra có một mẫu ruộng thì mỗi đứa con được ba sào, hai vợ chồng già chỉ còn một sào thôi cháu ạ”. Câu chuyện xung quanh tiền học cho các con, có gì đó cứ trầm lắng, buồn buồn vì nỗi cái nghèo cứ dai dẳng, cứ làm những gương mặt ấy trăn trở và đau đáu một nỗi lo.
Vốn đã nghèo lại nuôi con cái học hành nên những gia đình trong làng phần lớn đều phải đi vay lãi ngân hàng. Hiện nay, số tiền vay ấy đã lên tới hơn 100 triệu, con số cao nhất trong xã. Hình như, số con em đỗ đại học, cao đẳng tỉ lệ thuận với số tiền vay lãi, với những giọt nước mắt, mồ hôi của các bậc làm cha làm mẹ...
Buổi chiều tà, khi ánh nắng của một ngày vụt tắt người dân Đống Thượng trở về nhà sau một ngày vất vả trên cánh đồng. Bên mâm cơm đạm bạc, họ nói về con cái, về tiền học phí kỳ tới, về một ngày mai...
Hạnh phúc nào hơn con cái đỗ đạt, nên người
Nghèo và thiếu thốn là thế nhưng người làng Đống Thượng vẫn rất “chung tình” với con chữ. Những bậc cha mẹ thường kể cho con cái nghe về một vị thánh của làng. Họ kể về một người mẹ “thắt lưng buộc bụng” nuôi con đỗ đạt tiến sĩ, làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư vào thời nhà Lê, thế kỷ XV. Ông ấy được mệnh danh là Quan Nghè và hiện vẫn được thờ cúng tại làng, như một tấm gương về tinh thần vượt khó và hiếu học.
Chính những người dân nơi đây đã biết khơi cho thế hệ sau khát khao thoát nghèo, vươn cao, vươn xa bằng con đường học vấn. Chẳng thế mà, ngôi làng nhỏ bé, nghèo nàn này lại sản sinh ra nhiều tài năng trẻ đến vậy.
Bác Nguyễn Văn Giỏ - Hội trưởng Hội Khuyến học cho biết: “Làng tôi chỉ có hơn 100 hộ dân nhưng tính đến nay đã có 44 người có trình độ đại học, cao đẳng. Năm nào tỉ lệ đỗ đạt cũng cao nhất xã. Chỉ tính năm 2006, có 20 cháu đi thi thì có 9 cháu bước vào cổng trường đại học, cao đẳng. Đó là niềm tự hào của làng Đống Thượng chúng tôi”.
|
Hội Khuyến học trở thành nơi ghi nhận và gìn giữ những trang sử vẻ vang của làng. Hoạt động được 3 năm nay, với nguồn kinh phí hạn hẹp mà những người con thành đạt đóng góp, năm nào Hội cũng tổ chức một buổi lễ nhỏ để trao bằng khen cho những con em đỗ đạt, như một món quà tinh thần động viên, khích lệ các con cháu. Thế nên, vào thăm nhiều nhà đều thấy có bằng khen “Gia Đình hiếu học” được treo rất trang trọng như một tài sản vô giá.
Quanh năm bám chặt với đồng ruộng, nhưng người làng Đống Thượng vẫn đặt tương lai con cháu lên hàng đầu. Trong làng không có người mù chữ, không có tình trạng trẻ em bỏ học đi làm sớm. Ngày sắp thi, tuyệt nhiên không có cô cậu học sinh nào phải ra đồng...
Bác Lại Quốc Phòng chỉ cho tôi xem các tấm bằng khen, giấy chứng nhận “Gia đình hiếu học”, học sinh nghèo vượt khó của ba cậu “công tử” nhà bác rồi nói: “Cháu nói xem, còn hạnh phúc nào hơn là con cái đỗ đạt thành người. Dù có phải bán nhà tôi cũng sẽ cho chúng ăn học đến nơi đến chốn”. Ánh mắt người cha ánh lên niềm tự hào về 3 cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Thế mới biết, người nông dân Đống Thượng tuy chân lấm tay bùn nhưng lại có tầm nhìn rất sâu xa. Họ sẵn sàng đánh đổi, hy sinh bản thân cho sự thành công của thế hệ trẻ. Nhiều gia đình khó khăn vẫn nuôi các con thành đạt như gia đình anh Lê Văn Hới, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Hoa, chị Lại Thị Hiện...
Có chữ là có tất cả
Thương cha, thương mẹ và ham học, những đứa con làng Đống Thượng lần lượt trưởng thành và bước vào các trường đại học, cao đẳng. Ai cũng hiểu hoàn cảnh gia đình mình nên dù nhiều thiệt thòi và khó khăn nhưng đều tự nhủ phải cố gắng.
Lại Thị Loan - sinh viên năm cuối ĐH KHXH&NV tâm sự: “Mỗi lần nhận tiền gia đình gửi là mình lại rơi nước mắt vì biết bố mẹ ở nhà phải ki cóp, vay người nọ người kia... Nghĩ đến công bố mẹ mình lại có thêm sức mạnh để phấn đấu”. Trước mắt những cô cậu sinh viên còn cả một chặng đường rất dài, nhưng họ vẫn tràn đầy niềm tin bởi đằng sau những bước chân họ, luôn có những người cha, người mẹ đầy quyết tâm nuôi con cái thành tài.
Đống Thượng nghèo nhưng thật giàu có về tình, về chữ. Bác Nguyễn Văn Giỏ – Hội trưởng Hội Khuyến học có 4 đứa con trình độ đại học, hiện đều đã ra trường và có công việc ổn định quả quyết: “Làng tôi, nhà nọ đua với nhà kia cho con ăn học. Có chữ là có tất cả. Chúng tôi sẽ cho con cái học bao giờ hết chữ thì thôi”.
Sắp đến kỳ tuyển sinh 2007, những ông bố bà mẹ của làng Đống Thượng vẫn còng lưng ngoài đồng, những cô cậu sinh viên vẫn miệt mài bên trang sách và có những ước mơ đang từng ngày “ươm mầm” cho một tương lai sáng lạn. Làng Đống Thượng sống trong nỗi lo “cơm áo gạo tiền” nhưng chẳng quản khó khăn, nhọc nhằn vẫn ngày ngày gieo con chữ!
Nguyễn Thị Vân