Đào tạo y khoa: Đặc thù không có nghĩa là nằm ngoài hệ thống

(Dân trí) - Phân tích về việc công nhận tương đương trình độ trong đào tạo y khoa, PGS. TS Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng ĐH Luật HN cho rằng: "Cho dù đào tạo đại học ngành gì, thì trước hết cũng phải tuân thủ quy định của Luật giáo dục Đại học. Về nguyên tắc, ngành đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ nào thường Bộ đó có quy định chi tiết hoặc có nghị định của chính phủ".

Gần đây, Bộ Y tế và một số đại biểu QH đang có nhiều ý kiến về việc phải công nhận tương đương về trình độ giữa chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, Bác sĩ nội trú với trình độ đào tạo sau ĐH (Thạc sĩ, Tiến sĩ) trong Luật GD ĐH.

Phóng viên đã có trao đổi với PGS. TS Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng ĐH Luật HN, đồng thời là thành viên với tư cách là chuyên gia góp ý cho Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH.

Đặc thù cũng phải theo quy định của pháp luật

Thưa bà, cùng với một số ngành khác như quân đội, công an, nghệ thuật, đào tạo y khoa được coi là đào tạo đặc thù. Xin bà cho biết, tại sao những ngành này lại được coi là đào tạo đặc thù?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Những ngành này được coi là đặc thù bởi đó là những lĩnh vực gắn với những yêu cầu đặc biệt trong đào tạo. Để sản phẩm đào tạo có khả năng thực hiện những công việc đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng đặc thù.

Những lĩnh vực đặc thù có thể kể đến như là y khoa, nghệ thuật, thể thao, an ninh, quốc phòng, hàng không. Thông thường những lĩnh vực này có khác biệt về thời gian đào tạo, kiến thức, kỹ năng hành nghề chuyên sâu.

Bà có thể chia sẻ, những nền GD tiến bộ trên thế giới họ có quan điểm và ứng xử như thế nào trong quản lý những ngành đào tạo đặc thù này và họ có quy định trong luật giáo dục đại học hay không?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Các nước đều có sự quan tâm đến những lĩnh vực đặc thù, vấn đề là họ quy định ở đâu trong văn bản pháp luật nào. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có rất ít nước quy định ngành đào tạo đặc thù trong luật giáo dục hay luật giáo dục ĐH. Cho dù đào tạo đại học ngành gì, thì trước hết cũng phải tuân thủ quy định của Luật giáo dục Đại học. Về nguyên tắc, ngành đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ nào thường Bộ đó có quy định chi tiết hoặc có nghị định của chính phủ.

Tôi lấy ví dụ, ở Trung Quốc, trong luật GDĐH không có quy định về ngành đặc thù những Quốc vụ viện (Chính phủ) ban hành nghị định về phát triển giáo dục y tế hay nghị định về kiện toàn chế độ bác sĩ đa khoa và Bộ y tế thì ban hành tiêu chuẩn đào tạo bác sĩ chuyên khoa.


PGS. TS Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng ĐH Luật HN

PGS. TS Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng ĐH Luật HN

Bộ Y tế cho rằng, Dự thảo Luật giáo dục đại học hiện chưa đề cập đến tính đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, trong đó có nội dung rất quan trọng là trình độ và văn bằng giáo dục đại học. Ý kiến của Bà về vấn đề này?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Trên thực tế, trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật giáo dục đại học lần này, đã có một số quy định cho lĩnh vực đặc thù như là y tế, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, tính đặc thù của ngành y tế đã được quy định trong điều 33 về mở ngành, điều 37 về liên kết đào tạo trong nước, điều 45 về liên kết đào tạo với nước ngoài. Về trình độ và văn bằng thì cần theo những quy định chung về hệ thống văn bằng trình độ.

Trên thế giới, trình độ giáo dục đại học khá thống nhất, theo bảng phân loại trình độ của UNESCO năm 2011, giáo dục đại học cấp độ 5 được gọi là đại học ngắn hạn, tức là cao đẳng, cấp 6 là cử nhân, cấp 7 là thạc sĩ và cấp 8 cao nhất là tiến sĩ, và pháp luật các nước cũng đều quy định về trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Nếu ngành y có trình độ, văn bằng quy định riêng thì những ngành đặc thù khác như nghệ thuật sẽ quy định như thế nào, và là trình độ gì bên cạnh trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý và công nhận ngành y là ngành học rất vất vả và mất nhiều thời gian, công sức mới có thể hành nghề. Ngành khác mất 4 năm là có thể hành nghề được, riêng ngành y học 6 năm đại học, sau đó thêm 2-3 năm học chuyên khoa nội trú.

Tôi đồng tình là phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho nghề y từ lương cho đến phụ cấp và các chính sách khác phụ thuộc vào vị trí việc làm và khả năng đáp ứng điều kiện của các vị trí đó. Khi tính chế độ cho cán bộ ngành y tế cần quy định chế độ tương đương. Ví dụ bác sĩ chuyên khoa tương đương với thạc sĩ, nhưng đào tạo chuyên khoa nội trú là đào tạo nghề chuyên sâu, tức là đào tạo hành nghề cũng tương đương như đào tạo luật sư, kiểm toán viên, không nên đồng nhất với trình độ của giáo dục đại học.

Quy định về những vấn đề đặc thù thì nên để văn bản dưới luật

Để trở thành bác sĩ chuyên môn thì ngoài 6 năm được đào tạo ở trong trường ĐH thì phải cần ít nhất 2 đến 3 năm đào tạo chuyên sâu theo 2 hướng: đào tạo hàn lâm nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) và đào tạo hành nghề chuyên môn (chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú…). Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này lại bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu ngành y khoa?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Ở trình độ sau tốt nghiệp đại học, nhiều nước chia thành 2 hướng rất rõ ràng là nghiên cứu và thực hành nghề. Nếu theo hướng nghiên cứu thì có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ, còn theo hướng hành nghề có thể học lấy những chứng chỉ hành nghề như luật sư, kiểm toán viên. Và đây là 2 vấn đề khác nhau về yêu cầu điều kiện. Ví dụ, ở Trung Quốc hiện nay, đối với ngành y, sau khi học xong 5 năm đại học, người học có thể lựa chọn học 3 năm chuẩn hóa bác sĩ lâm sàng hoặc 3 năm đào tạo thạc sĩ lâm sàng, họ hoàn toàn có quyền lựa chọn theo các hướng khác nhau.

Còn ở Hoa Kỳ, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, muốn thành bác sĩ phải theo học các chương trình nội trú, thi đỗ thì đạt trình độ Doctor of medicine có thể gọi là tiến sĩ y khoa. Nhưng nếu các tiến sĩ y khoa này muốn làm về nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học thì sẽ phải làm các đề tài nghiên cứu trong các viện, đại học để lấy học vị là Ph.D tức là tương đương với tiến sĩ của chúng ta hiện nay.

Tôi cho rằng ở Việt Nam, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, nội trú là đào tạo nghề cho bác sĩ, cũng giống như đào tạo luật sư nên nên quy định ở các luật chuyên ngành là Luật khám chữa bệnh, cũng tương tự Luật luật sư quy định về đào tạo nghề luật sư hoặc để cho nghị định, thông tư quy định giống như kinh nghiệm của Trung Quốc.

Còn ở Hoa Kỳ, tiêu chuẩn bác sĩ và tổ chức thi để thành bác sĩ lại do Hội đồng y khoa Hoa Kỳ, là một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho 70 hiệp hội y khoa của các bang Hoa Kỳ thực hiện chứ không phải cơ quan nhà nước. Họ không quy định về trình độ văn bằng chuyên sâu ngành y trong luật giáo dục đại học.

Đào tạo y tế là loại hình đào tạo đặc biệt về thời gian cũng như về văn bằng, chứng chỉ. Trong đào tạo y khoa là đào tạo song song theo cả 2 hướng hàn lâm và chuyên nghiệp, bộ Y tế cho rằng nếu không quy định về trình độ cụ thể cho đối tượng đào tạo nhân lực này trong Luật, mà giao Chính phủ quy định về xác định chỉ tiêu, thời gian đào tạo… như ở Điều 73, còn mang tính chung chung, mơ hồ và chưa đi được vào thực tế cuộc sống. Quan điểm của Bà như thế nào về ý kiến này?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Theo tôi quy định về những vấn đề đặc thù thì nên để văn bản dưới luật, cũng giống như kinh nghiệm của các nước. Để có cơ sở pháp lý xây dựng văn bản dưới luật thì có thể giao cho chính phủ quy định chi tiết. đây là cách thức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn trình độ cụ thể cho ngành y tôi thấy ở nước ngoài có thạc sĩ nghiên cứu và thạc sĩ thực hành. Ví dụ như ở Úc, đối với ngành y hoàn toàn có thể phân tách theo 2 hướng như vậy.

Nếu theo con đường hàn lâm thì học thạc sĩ nghiên cứu, cao hơn là tiến sĩ, còn đi theo con đường nghề nghiệp thì học thạc sĩ thực hành. Như vậy phù hợp với trình độ của giáo dục đại học.


Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH

Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đang quy định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi đó, các bác sĩ công tác tại các bệnh viện chủ yếu là những người có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay nội trú có trình độ chuyên môn tay nghề rất giỏi và đang tham gia giảng dạy, theo bà cần công nhận họ thế nào?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Hiện này dự thảo quy định trình độ chuẩn của giảng viên là thạc sĩ, đối với những người làm công tác giảng dạy trình độ rất quan trọng, tuy nhiên kinh nghiệm thực tiễn cũng có ý nghĩa trong công tác đào tạo, đặc biệt là cho đào tạo định hướng ứng dụng thực hành. Có những người không có bằng cấp cao những kiến thức, kinh nghiệm thực tế khiến người khác khâm phục và mong muốn học hỏi.

Theo tôi các bác sĩ ở các bệnh viện là nguồn giảng viên thỉnh giảng quý giá cho đào tạo ngành y. Hiện nay, mặc dù được quy định ở Nghị định 111 năm 2017 của Chính phủ về tổ chức thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, nhưng tôi cho rằng bên cạnh các quy định về trình độ tối thiểu của giảng viên nên bổ sung trường hợp ngoại lệ, đó là trừ trường hợp giảng viên thỉnh giảng là người hành nghề thực tiễn có kinh nghiệm nghề nghiệp thì lúc đó sẽ là cơ sở pháp lý có thể quy định cụ thể hơn về việc những người có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, nội trú có thể tham gia đào tạo giảng dạy.

Hội nhập trong GD ĐH là điều bắt buộc, đào tạo Y khoa cũng không là ngoại lệ. Để hội nhập với thế giới, đào tạo y khoa của Việt Nam nên như thế nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời nguồn nhân lực y tế Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập với thế giới, thay vì 1 mình một kiểu hoặc nằm trong nhóm thiểu số như Indonesia, Nga mà phía Bộ Y tế đưa ra?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như chất lượng nhân lực ngành y tế, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó Bộ Y tế đã có rất nhiều nỗ lực cần ghi nhận.

Tư tưởng chung của việc sửa đổi, bổ sung luật giáo dục đại học lần này, là đảm bảo hội nhập quốc tế. Trong quá trình xây dựng dự thảo, ban soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài để học hỏi, cố gắng tiệm cận với các thông lệ, tiêu chuẩn trong từng nội dung. Vì thế, chúng tôi cho rằng nên học hỏi các nước tiên tiến, pháp luật ổn định để lựa chọn học theo có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam, nhưng nên hạn chế học những trường hợp đơn lẻ, không phổ biến.

Có ý kiến cho rằng, đào tạo đặc thù không chỉ ngành Y tế, mà còn nhiều ngành khác, GD ĐH là một bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để đảm bảo tính hệ thống, cần đưa ra những quy định quy chuẩn chung cho từng ngành nhằm thống nhất trong quản lý đào tạo cũng như kiểm soát chất lượng đầu ra. Nếu nhóm ngành nào cũng lấy lý đo đặc thù ra để có những đòi hỏi không giống ai thì tính hệ thống sẽ vị phá vỡ. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Tôi đồng ý là để tăng cường tính tự chủ của giáo dục đại học, nhà nước cần đổi mới quản lý, không can thiệp sâu vào việc vận hành nhà trường mà chỉ nên xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật, xây dựng các chuẩn, tiêu chuẩn, tổ chức thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động và chất lượng cũng như xử lý vi phạm.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo tính hệ thống và bình đẳng trong giáo dục đại học thông qua các chuẩn chung.

Vậy, với câu chuyện đào tạo Y khoa như hiện nay, thì nên có giải pháp nào tốt nhất cho đào tạo y khoa nhằm đảm bảo chất lượng, công bằng, tạo sự thống nhất trong quản lý giữa hai Bộ Y tế - Giáo dục đồng thời không phá vỡ tính ổn định và thống nhất của hệ thống?

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh: Các nước cũng có những quy định về sự phối hợp giữa bộ giáo dục và bộ y tế. Ví dụ ở Pháp có quy định phối hợp trong việc xây dựng chuẩn, tiêu chuẩn của người làm ngành y, số lượng giảng viên y khoa nội trú trong 5 năm được đào tạo theo các chuyên ngành, việc phân chia các đơn vị hành chính, xác định số lượng, vị trí bác sĩ nội trú.

Theo tôi đối với đào tạo nhân lực ngành y cần tiếp cận theo hướng nghiên cứu và thực hành, học vị tiến sĩ y khoa là người nghiên cứu tốt nhưng không được khám chữa bệnh nếu không phải là bác sĩ đào tạo.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thái Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm