Đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng - ưu thế của công nghệ giáo dục

Cam kết 100% đầu ra, nếu không sẽ hoàn lại 100% học phí - đó là cách mà các tổ chức công nghệ giáo dục đang thực hiện để đưa học viên của mình trực tiếp đến với các tuyển dụng tiềm năng.

Một số tổ chức công nghệ giáo dục uy tín trên thế giới như Udacity và Pluralsight đã gây ấn tượng mạnh khi đưa ra cam kết hoàn trả lại 100% học phí nếu học viên không được những công ty giống như Facebook, Google hay Oracle nhận vào làm sau khi tốt nghiệp. Họ dám cam kết như vậy vì họ đào tạo đúng những kĩ năng mà các doanh nghiệp đó đòi hỏi.

Trong khi các doanh nghiệp đã đặt hàng lên đến 4.000 khoá học trực tuyến cần thiết cho những nhân viên tương lai của mình, bản thân người lao động cũng thể hiện nhu cầu tự trang bị những kiến thức và kĩ năng mới. Đơn cử một khoá học xây dựng trang web kinh doanh trực tuyến chỉ trong 2 ngày đã thu được học phí lên tới 42 nghìn USD.

Điều này cũng không phải là chưa xảy ra ở châu Á, và cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Một số tổ chức công nghệ giáo dục như GotIt!, Topica… đã khởi động các chương trình học hướng tới phục vụ nhu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời cam kết đầu ra cho học viên.

Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, người sáng lập và điều hành Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica (Topica Edtech Group).
Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, người sáng lập và điều hành Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica (Topica Edtech Group).

Không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của các nhà tuyển dụng, các tổ chức công nghệ giáo dục này thậm chí đã nghĩ cả đến việc chuẩn bị cho những ngành nghề mới trong tương lai. Bởi vì, theo Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, người sáng lập và điều hành Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica, trong 25 năm tới, một nửa số nghề nghiệp hiện nay sẽ biến mất, nhường chỗ cho những nghề nghiệp với những yêu cầu, đòi hỏi hoàn toàn mới.

Tại Hội nghị Công nghệ Giáo dục châu Á (Edtech Asia Summit) 2017 tổ chức tại TP.HCM ngày 29/07, ông Tuấn nhận định: “Với quá nhiều kiến thức và kỹ năng mới phải học và phải học nhanh, giá rẻ, đồng thời học một cách toàn diện, cặn kẽ, chỉ có sử dụng công nghệ thì giáo dục mới đáp ứng được những điều đó. Công nghệ giáo dục đã bắt đầu từ học trực tuyến và tới đây sẽ là thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo”.

Ông Jim Garrison, Chủ tịch Đại học Ubiquity.
Ông Jim Garrison, Chủ tịch Đại học Ubiquity.

Cũng chính từ tư duy đào tạo phục vụ nhà tuyển dụng, những trường đại học hiện đại như Đại học Ubiquity đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất để đào tạo học viên theo hướng phát triển các cá nhân một cách toàn diện về cả lý trí và cảm xúc.

“Ở trường đại học này không có thi cử, không có bằng cấp mà quan trọng là cá nhân mỗi người học muốn học gì và học như thế nào để hoàn thiện bản thân mình”, nôg Jim Garrison, Chủ tịch Đại học Ubiquity, phát biểu cũng tại Hội nghị Công nghệ Giáo dục Châu Á 2017.

Ông Garrison và ông Phạm Minh Tuấn cùng chia sẻ quan điểm rằng đây chính là thời điểm chín muồi cho một sự đột phá từ giáo dục truyền thống sang giáo dục thời đại internet, từ cách đào tạo theo giáo trình sang đào tạo theo nhu cầu của những ngành nghề tương lai.

Edtech Asia Summit 2017 sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 30/7/2017, với 350 nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ giáo dục ở Châu Á tập hợp tại TP.HCM để thảo luận, kết nối và hợp tác, nhắm đến mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái công nghệ giáo dục sôi động và bền vững cho khu vực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm