Đào tạo nhân lực xuất bản điện tử đáp ứng nhu cầu thực tiễn thời đại mới

(Dân trí) - Xuất bản điện tử và sách điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày gắn với thời đại công nghệ số và xu hướng hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực xuất bản thông qua internet. Tuy nhiên, năng lực trình độ của nhân lực xuất bản điện tử lại chưa được cập nhật kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Vấn đề trên được nêu ra thảo luận tại Hội thảo khoa học “Xuất bản điện tử: Nhu cầu thực tiễn và chương trình đào tạo” do Khoa Xuất bản – Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 15/3.

Hội thảo tập trung vào 2 nội dung lớn gồm: Xuất bản điện tử - nhu cầu thực tiễn từ các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm, cơ quan truyền thông; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực xuất bản điện tử hiện nay và Chương trình đào tạo xuất bản điện tử - tham luận, ý kiến của các chuyên gia đào tạo, giảng viên ngành Xuất bản.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực truyền thông – xuất bản tại các cơ sở đào tạo, nhà xuất bản (NXB), doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm, đơn vị truyền thông tham luận về lĩnh vực xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.

Đào tạo nhân lực xuất bản điện tử đáp ứng nhu cầu thực tiễn thời đại mới - 1
Toàn cảnh hội thảo.

Thách thức về nguồn nhân lực xuất bản điện tử

Xu thế xuất bản điện tử, sách điện tử đã thay đổi về mô hình và quy trình xuất bản, từ sáng tạo đến tiêu dùng, từ tác giả đến bạn đọc. Các chuyên gia đầu ngành nhận định tại hội thảo, sớm hay muộn các NXB sẽ phải bước vào giai đoạn chuyển đổi mô hình mạnh mẽ, sâu sắc từ mô hình xuất bản truyền thống sang mô hình xuất bản mới – xuất bản diện tử.

Thạc sĩ Trần Chí Đạt – Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Bản chất của xuất bản điện tử là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất gắn với công nghệ đột phá như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại - ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, công nghệ di động, phân tích dữ liệu lớn…

Vì thế, những thói quen mới của bạn đọc như mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng sách điện tử, sách thực tế tăng cường ảo buộc các nhà xuất bản phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu”.

Đào tạo nhân lực xuất bản điện tử đáp ứng nhu cầu thực tiễn thời đại mới - 2

 

Tất cả những thay đổi trên buộc quy trình xuất bản cũng như chính bản thân mỗi người làm công tác xuất bản phải thay đổi. Một biên tập viên không chỉ biết biên tập nội dung bản thảo mà còn phải trở thành những người đa nhiệm – biết đủ mọi kỹ năng như có kiến thức về công nghệ thông tin, biết tổ chức xuất bản điện tử, có kỹ thuật làm sách điện tử đa phương tiện, biết thiết kế multimedia... vốn là những kỹ năng mà hiện nay rất ít biên tập viên có được.

Theo Tổng Biên tập NXB Thông tin và Truyền thông, mỗi NXB phải có kế hoạch cụ thể về đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện xuất bản điện tử thời đại mới.

Thạc sĩ Kim Quang Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc – TBT NXB Tài Nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam cũng cho rằng, mỗi NXB phải “có cuộc cách mạng với chính mình”.

Theo ông Minh, Việt Nam hoàn toàn đủ các nền tảng cơ bản để thực hiện phương thức xuất bản mới. Việc cần làm trong bối cảnh hiện nay là phải hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, chuyển đổi về mô hình và quy trình xuất bản điện tử.

“Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chúng tôi nhận thấy cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ chuyên ngành. Hiện nay, hàng năm NXB đều rất cần tuyển dụng biên tập viên thuộc chuyên ngành Xuất bản điện tử”.

“Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đảm bảo về chất lượng, đầy đủ về số lượng để đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng trong thời ký hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay là việc làm cấp bách trong công tác giáo dục đào tạo xuất bản điện tử”, Thạc sĩ Kim Quang Minh nêu quan điểm.

Tuyển sinh đào tạo bậc đại học chuyên ngành Xuất bản điện tử

Bàn về nguồn nhân lực ngành xuất bản, TS. Vũ Thùy Dương, Phó Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của các đơn vị làm xuất bản điện tử ở Việt Nam hiện nay là thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ am hiểu về xuất bản điện tử.

“Ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, chưa có chương trình đào tạo Xuất bản điện tử. Xét trên góc độ đào tạo xuất bản, hiện nay chương trình đào tạo chuyên ngành xuất bản ở nước ta mới đáp ứng được một phần yêu cầu, nghĩa là mới làm tốt việc đào tạo nghề xuất bản theo hướng truyền thống.

Việc đào tạo nhân lực theo hướng tiếp cận các phương pháp, hình thức xuất bản hiện đại như xuất bản điện tử đa phương tiện còn phần nào hạn chế”, nữ tiến sĩ phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Xuất bản là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, đồng thời là ngành công nghiệp truyền thông kết nối trí tuệ của nhân loại.

Các sản phẩm của ngành Xuất bản đã, đang và tiếp tục có giá trị to lớn, đóng góp cho xã hội trên mặt trận tư tưởng - văn hóa - giáo dục - giải trí - kinh tế.

Ngành Xuất bản không thể đứng ngoài cuộc trong sự bùng nổ truyền thông, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời đại cách mạng 4.0 để tạo ra các xuất bản phẩm đáp ứng thị hiếu của lớp công chúng mới.

Đào tạo nhân lực xuất bản điện tử đáp ứng nhu cầu thực tiễn thời đại mới - 3
PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (giữa) chủ trì hội thảo khoa học.

Xuất bản điện tử đã và đang là vấn đề “nóng” đối với ngành Xuất bản nói chung, thị trường sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm nói riêng. Nắm bắt được xu hướng phát triển của ngành Xuất bản, Khoa Xuất bản chính thức được tuyển sinh đào tạo bậc đại học hệ chính quy tập trung 4 năm Chuyên ngành Xuất bản điện tử từ năm 2019.

TS. Vũ Thùy Dương cho biết, mục tiêu đào tạo chung trong tương lai gồm: Đào tạo cán bộ xuất bản, cụ thể ở đây là đào tạo chức danh biên tập viên xuất bản điện tử có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; nắm vững kiến thức về lý luận chính trị, lý thuyết và kỹ năng nghiệp vụ xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng; có khả năng tổ chức sản xuất các xuất bản phẩm điện tử trong các nhà xuất bản, doanh nghiệp xuất bản phẩm; các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực xuất bản.

Như vậy, năm học 2019-2020, Khoa Xuất bản – Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức tuyển sinh Chuyên ngành Xuất bản điện tử theo hình thức tuyển thẳng thí sinh đoạt giải quốc gia môn Văn và xét tuyển hồ sơ dự tuyển của thí sinh tốt nghiệp THPT trong cả nước theo các tổ hợp môn theo các khối C, D, D1.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm