Trường Cao đẳng nghề Hà Nam:
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp: Học viên "đắt sô" khi tốt nghiệp
(Dân trí) - Với 1.000 học viên được đào tạo, ra trường mỗi năm, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay.
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề tại Hà Nam rất chú việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hình thức đào tạo liên kết này có lợi cho cả 3 bên: Cơ sở đào tạo thu hút được học viên vào học; doanh nghiệp yên tâm có nguồn lao động bảo đảm chất lượng; người học nghề sau khi ra trường có việc làm ổn định.
Trường Cao đẳng nghề Hà Nam hiện đào tạo 20 ngành, nghề ở 3 cấp độ: Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp. Có một ngành trọng điểm quốc tế là Điện công nghiệp; 2 ngành trọng điểm quốc gia là Công nghệ ô tô và Cơ khí.
Năm học 2021-2022, nhà trường sẽ triển khai Đề án 530 ngày 31/3/2021 của UBND tỉnh Hà Nam về đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mỗi năm, nhà trường sẽ đào tạo tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản và quy trình 5S (một phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc) cho từ 200-300 học viên. Để thực hiện, nhà trường được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, phòng học lý thuyết và xưởng thực hành kết hợp làm một. Phòng học này giúp giáo viên dễ dàng truyền đạt lý thuyết kết hợp với thực hành.
Đặc biệt, khi được UBND tỉnh Hà Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ủy thác thực hiện Dự án "Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất tại tỉnh Hà Nam", nhà trường đã đẩy mạnh phương pháp dạy học theo quy trình Monozukuri - lấy người học làm trung tâm.
Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời 10 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản vào Hội đồng tư vấn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản đóng trên địa bàn tỉnh, thành lập Trung tâm dịch vụ đào tạo và hợp tác doanh nghiệp.
Đây cũng là cơ hội để nhà trường xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các bên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Sau đó, Trung tâm dịch vụ đào tạo và hợp tác doanh nghiệp sẽ mời các chuyên gia sang kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên, kết quả học tập học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp.
Thầy Vũ Hiệu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam cho biết, việc gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp tạo ra lợi ích kép. Một mặt, chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao do doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường thực hành, đồng thời giám sát quá trình đào tạo, chất lượng sinh viên sau khi ra trường.
Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 23 cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm đào tạo hàng ngàn lao động có trình độ, tay nghề, đáp ứng thị trường lao động nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Trên thực tế, các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu đào tạo theo khả năng "cung", chứ chưa đào tạo theo "cầu" của doanh nghiệp. Quy luật cung - cầu trong đào tạo nghề chưa thực sự tương xứng, đào tạo nghề và nhu cầu lao động có tay nghề trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nam, năm 2021, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 12 nghìn lao động. Cùng với tuyển lao động phổ thông, nhiều doanh nghiệp đang hướng đến tuyển lao động đã được đào tạo nghề.
Với 1.000 học viên được đào tạo, ra trường mỗi năm, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay. Giai đoạn 2021-2025, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư; mở rộng các khu công nghiệp sẵn có, thành lập mới một số khu công nghiệp theo quy hoạch. Do vậy, thời gian tới sẽ có nhiều dự án trong và ngoài nước vào đầu tư, nhu cầu về tuyển dụng lao động rất lớn.