"Đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có"
(Dân trí) - Phương châm của trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội là “đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có”, nên chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng làm việc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động.
Ông Dương Xuân Quyết, Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Phát triển kỹ năng nghề quốc tế HIC đã có biết như vậy tại lễ công bố kế hoạch đào tạo và các hoạt động chuyên môn năm học 2020-2021 của trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội (HIC) ngày 17/10.
Tại buổi lễ công bố kế hoạch đào tạo và các hoạt động chuyên môn, trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội chính thức ra mắt trung tâm Đào tạo & Phát triển kỹ năng nghề quốc tế HIC, với vai trò và sứ mệnh đáp ứng nhu cầu cần thiết và cấp thiết cho sự phát triển các ngành nghề đào tạo của nhà trường, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sinh viên - nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Dương Xuân Quyết (Giám đốc trung tâm) chia sẻ: “Bất kỳ chương trình đào tạo nào, trong cấu tạo của nó đều có sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành, thực tập. Tùy theo cấp độ, trình độ đào tạo và lĩnh vực ngành nghề đào tạo mà thiết lập sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Việc tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập tại các cơ sở nhất là ở các doanh nghiệp là yêu cầu không thể thiếu trong chương trình đào tạo.
Phương châm của nhà trường là “đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có”, nên chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng làm việc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao của doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, cộng sinh với thị trường lao động, phát triển bền vững”.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thu (Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần và Hợp tác Quốc tế VietSun) khẳng định: “Chúng tôi rất mong tiếp nhận các bạn sinh viên muốn theo nghề công nghệ ô tô. VietSun cũng mong muốn đồng hành cùng sinh viên, cùng nhà trường, đưa ra thị trường những nhân lực có chất lượng cao để theo nghề”.
ThS. Nguyễn Công Cát (Hiệu trưởng trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội) cho biết, những năm tới đây Việt Nam sẽ bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ ô tô. Vì vậy, việc đào tạo công nghệ ô tô là vấn dề rất quan trọng để phát triển nguồn nhân lực hiện nay.
Đối với nhà trường, chuẩn đầu ra là tiêu chí số một, nhấn mạnh kỹ năng thực hành, thái độ làm việc thông qua việc kết hợp với các doanh nghiệp”.
Trong khuôn khổ chương trình, trường cũng tổ chức buổi thảo luận với chuyên đề đào tạo Công nghệ ô tô với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là dịp để các chuyên gia đưa ra những ý kiến xoay quanh một số nội dung: kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học về nguồn nhân lực công nghiệp ô tô; nhu cầu xã hội về sử dụng lao động ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua.
Từ đó, đề xuất các nội dung đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nguồn nhân lực công nghiệp ô tô nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường cùng cơ quan quản lý nhà nước; dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong thời gian tới…
Tổng kết những thế mạnh của nhà trường, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: “Nắm bắt được xu thế và nhu cầu của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ô tô, nhà trường ý thức được sự cần thiết của các doanh nghiệp với nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ.
Chúng tôi tập trung vào xây dựng, mở ngành Công nghệ ô tô nhằm mục đích cung cấp nguôn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị có nhu cầu. Những tham luận đầy đủ của các chuyên gia ngày hôm nay chính là cơ sở để nhà trường vững tin, tin tưởng vào cơ hội cho sinh viên trong xu thế hiện nay”.