Đại học tư thục mong chờ sự bình đẳng trong chính sách

Các trường đại học tư thục đề xuất, cần những cơ chế, chính sách thoáng hơn để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện trong điều kiện cạnh tranh.

Cả nước có gần 60 trường đại học tư thục đang hoạt động ổn định. Tuy nhiên, theo đề xuất của nhiều trường, họ cần những cơ chế, chính sách thoáng hơn để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Điều quan trọng nhất là các trường đại học tư thục mong chờ một môi trường phát triển bình đẳng thực sự với trường công, điều mà Luật Giáo dục Đại học hiện hành chưa đáp ứng tốt.

Đại học tư thục mong chờ sự bình đẳng trong chính sách - 1

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành.

Hiện trên cả nước đã có 23 trường đại học công lập được công nhận tự chủ theo Nghị định 77 của Chính phủ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, điều này thực sự chưa công bằng vì trên thực tế các cơ sở giáo dục đại học tư thục đã hoàn toàn tự chủ về tài chính nhưng chưa trường nào được công nhận. Chính những ràng buộc về cơ cấu tổ chức, quy định mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh hay hợp tác quốc tế đang khiến nhiều trường đại học tư thục dù chất lượng đạt chuẩn quốc gia, quốc tế vẫn khó đầu tư phát triển như mong muốn.

Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này, Ban soạn thảo cần quan tâm nhiều hơn đến việc tháo gỡ các vướng mắc hiện có cho trường đại học tư thục: “Cần phải có những nội dung sửa đổi kịp thời và phải giải quyết ngay vấn đề không phân biệt công – tư trong giáo dục – đào tạo. Tất cả sinh viên trường đại học công lập hiện đều được nhà nước tài trợ cho một phần học phí nhưng sinh viên trường đại học tư thục thì lại không. Thứ hai, hiện nay cả nước có tới 21 trường đại học công lập là trường trọng điểm trong khi nhiều trường đại học ngoài công lập dù đã đạt chuẩn quốc gia và quốc tế vẫn chưa được công nhận là trường đại học trọng điểm”.

Trong khi nhiều trường đề xuất sự bình đẳng trên nhiều mặt, từ đầu tư cơ sở vật chất đến chính sách đào tạo đội ngũ giảng viên, chính sách tuyển sinh, chất lượng đầu ra, đầu vào của sinh viên thì Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Áng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho rằng điều các trường đại học tư thục cần nhất bây giờ là sự rõ ràng trong chính sách và sự thống nhất trong các điều khoản của luật: “Theo tôi, các trường đại học tư thục không nên đặt vấn đề về việc bình đẳng trong đầu tư bởi vì khi góp vốn xây dựng trường đại học tư thục thì chúng ta phải biết đây là tiền của chúng ta rồi. Cái này không thể yêu cầu nhà nước lo được. Nhưng tôi yêu cầu sự bình đẳng đối với người học. Như hiện nay là không bình đẳng”.

Sự bình đẳng mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Áng yêu cầu cho các sinh viên chính là bình đẳng về mức hỗ trợ học phí từ phía nhà nước. Trong thực tế, sinh viên trường đại học tư thục đang “gánh” một mức học phí quá cao so với sinh viên trường công lập. Không ít trường còn đề xuất những chính sách hỗ trợ về hướng đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng sinh viên, nâng cao hợp tác quốc tế, từng bước khẳng định niềm tin với dư luận xã hội. Hiện tại, dư luận trong nước vẫn chưa đánh giá cao chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học tư thục. Trong khi đó, mô hình giáo dục đại học của các quốc gia tiên tiến cho thấy, đại học tư thục luôn chiếm ưu thế về số lượng cũng như chất lượng.

Khẳng định giáo dục tư thục đang phát triển theo khuynh hướng tốt nhưng theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hệ thống này vẫn còn nhiều việc phải bàn kỹ. Nhà nước không bỏ rơi trường tư nhưng cần có thời gian để sửa đổi, bổ sung và đưa Luật Giáo dục Đại học đi vào thực tiễn. Trong đó, việc làm sao để trường tư giữ đúng mô hình hoạt động hướng đến đảm bảo tốt nhất chất lượng đào tạo thay vì quan tâm đến lợi nhuận như một doanh nghiệp là điều phải làm trước tiên.

Ông Phan Thanh Bình nói: “Trách nhiệm đối với hệ thống giáo dục quốc dân là trách nhiệm của nhà nước, trong đó bao gồm cả hệ thống giáo dục công lập và tư thục. Chúng ta cần xác định rõ điều đó chứ không phải nói giáo dục của nhà nước là chúng ta để trường tư thục sang một bên. Cũng cần nhìn thấy, giáo dục là một loại dịch vụ nhưng là dịch vụ đặc biệt. Do đó, chúng ta cần hết sức cân nhắc. Dịch vụ này không thể hoạt động theo kiểu của một doanh nghiệp”.

Đại học tư thục mong chờ sự bình đẳng trong chính sách - 2

Sinh viên thực hành trong thực tế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo khẳng định, ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này đã và đang lắng nghe, ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của các trường. Trên cơ sở đóng góp thực tế đó, ban soạn thảo sẽ đề xuất nhiều nội dung thay đổi nhằm tạo ra môi trường hoạt động tốt hơn cho hệ thống giáo dục đại học tư thục trong thời gian tới: “Làm sao để việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học lần này tạo ra được khuôn khổ pháp lý giúp các trường đại học tư thục có điều kiện phát triển tốt hơn, chất lượng ngày càng cao hơn, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của chúng ta.”.

Sự bình đẳng trong cách nhìn nhận và trong chính sách hỗ trợ phát triển là điều mà các trường đại học tư thục luôn mong muốn có được. Bởi theo họ, khi được đánh giá đúng vị trí, vai trò, trường đại học tư thục sẽ được tiếp thêm động lực để phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nguồn lợi cho sinh viên, cho xã hội.

Theo Mỹ Dung

VOV