Đại học trực tuyến miễn phí đầu tiên trên thế giới

(Dân trí) - Đó là trường University of the People (UoPeople, tạm dịch là “Trường ĐH của mọi người”). Điều kiện để trở thành sinh viên trường UoPeople là có bằng tốt nghiệp trung học, thông thạo tiếng Anh đọc và viết. Kể từ tháng 5, trường ĐH phi lợi nhuận này bắt đầu tuyển sinh.

Đại học trực tuyến miễn phí đầu tiên trên thế giới  - 1

Trường UoPeople được sự ủng hộ của Liên minh toàn cầu về Thông tin, Công nghệ thông tin và Phát triển (GAID) của Liên hợp quốc. UoPeople hoạt động dựa trên mô hình giáo dục có sự kết hợp của biện pháp học tập điện tử, mạng lưới xã hội và công nghệ nguồn mở. 

 

Shai Reshef, hiệu trưởng trường UoPeople, cho biết bất cứ ai có máy tính nối mạng Internet là có thể theo học tại trường. Reshef nhận định rằng, với trường UoPeople, hàng trăm triệu người trên trái đất có thể thực hiện giấc mơ học ĐH. 

 

Tất nhiên, trường UoPeople không thể phục vụ những người ở các vùng nông thôn không có tiếp cận với mạng Internet. Còn những nơi nào có nối mạng Internet thì dù tốc độ kết nối chậm, sinh viên vẫn có thể theo được các bài giảng mà không cần hỗ trợ của đĩa âm thanh hay hình ảnh.  

 

Đại học trực tuyến miễn phí đầu tiên trên thế giới  - 2
Shai Reshef, hiệu trưởng trường UoPeople. (Ảnh: wikimedia)
 
Ông Reshef đã nghĩ ra ý tưởng thành lập trường ĐH trực tuyến miễn phí khi ông làm chủ tịch của trang Cramster.com, cộng đồng học tập miễn phí trên mạng nơi các sinh viên giúp nhau làm bài tập. 

 

Hiệu trưởng Reshef cho biết ông hy vọng sẽ quyên góp được 6 triệu USD cho cơ sở của trường UoPeople tại Pasadena (bang California, Mỹ). Hiện ông đang tìm kiếm các nhà tài trợ, còn bản thân ông đầu tư 1 triệu USD. 

 

Dù UoPeople là trường không thu học phí, nhưng các sinh viên theo học vẫn phải đóng khoản phí đăng ký học trên danh nghĩa (khoảng 15-50 USD) và phí thi cử (khoảng 10-100 USD/lần). Trong một chương trình học để lấy bằng cử nhân, sinh viên sẽ phải thi 40 lần. Khoản thu này sẽ giúp trường UoPeople có thể tồn tại bởi vì trường sử dụng công nghệ nguồn mở, bài giảng nguồn mở và dựa chủ yếu vào các tình nguyện viên. 

 

Nhiều giáo sư uy tín đã tình nguyện làm giảng viên của trường UoPeople như Jack Balkin (dạy môn Luật hiến pháp tại trường Luật Yale) và Russell S. Winer (trưởng khoa Marketing tại trường Stern School of Business thuộc trường New York University).  

 

Hiện nay, khoảng 200 sinh viên từ 51 nước đã đăng ký học hai chương trình bậc ĐH của trường UoPeople là ngành Khoa học Máy tính và Quản trị Kinh doanh. Hiệu trưởng Reshef hy vọng rằng trong tương lai trường UoPeople sẽ mở rộng chương trình để thu hút 15.000 sinh viên trong bốn năm.  

 

Xuân Vũ

TheoTân Hoa Xã