“Đại học Tân Tạo không hoàn hảo”

ĐH Tân Tạo (TTU) có thực sự là môi trường giáo dục theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ với những đột phá về chất lượng đào tạo? Sinh viên Tân Tạo có thực sự được học tập trong môi trường giáo dục Khai phóng tiến bộ, ưu việt mà ở đó, mỗi cá nhân sau khi ra trường đều hội đủ các yếu tố để phát triển và thành công ở bất kỳ nơi đâu?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Võ Thị Hoài Thương - sinh viên năm cuối khoa Kinh tế, TTU - người vừa giành được học bổng MBA tại Anh và mới bay sang Mỹ thực tập Quản trị bệnh viện tại St. Mary (bang Indiana). Từ đây, Hoài Thương đã có nhiều chia sẻ về môi trường giáo dục của TTU.

Võ Thị Hoài Thương và TS. Rolando Dy - Giám đốc điều hành Trung tâm Kinh doanh Lương thực Thực phẩm, Đại học Châu Á Thái Bình Dương (Philippines) trong Hội thảo về Tăng cường hợp tác ASEAN để đảm bảo An ninh lương thực lần thứ 30. TTU vinh dự được chọn tổ chức sự kiện này.
Võ Thị Hoài Thương và TS. Rolando Dy - Giám đốc điều hành Trung tâm Kinh doanh Lương thực Thực phẩm, Đại học Châu Á Thái Bình Dương (Philippines) trong "Hội thảo về Tăng cường hợp tác ASEAN để đảm bảo An ninh lương thực" lần thứ 30. TTU vinh dự được chọn tổ chức sự kiện này.

Trường tham quan cuối cùng lại là lựa chọn đầu tiên và duy nhất

Xin chào Hoài Thương. Chúc mừng em vừa giành được học bổng MBA tại Anh quốc và chuẩn bị sang Mỹ thực tập. Em đã kết thúc 4 năm đại học một cách thành công, đáng tự hào. Tôi muốn hỏi em: lý do nào khiến cho 4 năm trước, em chọn 1 trường đại học tư thục, trong khi xu hướng của học sinh trường Chuyên là chọn đại học công lập?

Võ Thị Hoài Thương: Khi còn học THPT, em chưa từng nghĩ mình sẽ được học tập tại một trường ĐH quốc tế. Điều kiện gia đình không cho phép. Thầy cô, nhà trường, cha mẹ bao năm nay đều định hướng em thi vào các trường ĐH công lập. Trong tuần lễ hướng nghiệp, chúng em được tham quan nhiều trường ĐH để có những trải nghiệm trước khi quyết định nộp hồ sơ trường nào. Trong số đó, TTU nằm ở vị trí cách xa nhất và cũng là trường cuối cùng em tìm hiểu. Nhưng thật đặc biệt, đó lại là trường mà ngay lập tức em muốn lựa chọn.

Vì sao ư? Điều đầu tiên khiến em không sao quên được chính là cơ sở vật chất của TTU. Tòa nhà Gillis Hall nguy nga, tráng lệ, toát lên sự sang trọng, hàn lâm. Các phòng học đều hiện đại, rộng rãi. Một không gian hoàn hảo khiến người ta hứng thú và mong muốn được học tập, nghiên cứu. Tiếp theo là giảng viên và nhân viên. Mọi người đều hòa nhã, vui vẻ, nhiệt tình và đầy tâm huyết. Giáo trình giảng dạy được biên soạn bởi các ĐH nổi tiếng của Mỹ khiến em bị thu hút vô cùng. Mọi thứ mở ra cho em một quan điểm mới về giáo dục và một chân trời mới để khám phá.

Em cảm nhận được rằng đây thực sự là ngôi trường ước mơ của mình. Em đã thuyết phục gia đình cho phép em được trở thành sinh viên khoa Kinh tế của TTU. Trường mới thành lập được 3 năm nên còn mới mẻ, cha mẹ em có phần lo lắng nhưng do em bướng bỉnh và quyết tâm quá nên cha mẹ đành chịu.

TTU không hoàn hảo...

Võ Thị Hoài Thương (ngoài cùng bên phải) và các bạn sinh viên quốc tế tham dự Hội thảo về Tăng cường hợp tác ASEAN để đảm bảo An ninh lương thực lần thứ 30, tổ chức tại TTU.
Võ Thị Hoài Thương (ngoài cùng bên phải) và các bạn sinh viên quốc tế tham dự "Hội thảo về Tăng cường hợp tác ASEAN để đảm bảo An ninh lương thực" lần thứ 30, tổ chức tại TTU.

Điều em chọn và thực tế khi học tập tại TTU?

Em không biết các trường đại học khác ra sao, nhưng em chắc chắn một điều, TTU không phải môi trường hoàn hảo cho những ai lười nhác, ỷ lại. Ở TTU, sinh viên học và thi thực sự bằng chính năng lực mà mình có. Tụi em học được sự thật thà, trung thực trong học tập. Em còn nhớ khi mới bước vào chuyên ngành, tất cả các sinh viên đều phải kí “TTU Honor” để đảm bảo rằng nếu vi phạm gian dối trong học tập sẽ bị kiểm điểm nặng nề. Chính nhờ những năm tháng được rèn giũa như thế, sinh viên TTU rèn luyện bản thân trở nên tự lập, kỉ luật, tự trọng về việc phải đi trên đôi chân của chính mình.

Với những ai ngại thay đổi, TTU cũng không phải môi trường hoàn hảo. Giảng dạy theo mô hình “Liberal art”( Khai phóng), TTU đặc biệt chú trọng đào tạo và hoàn thiện các phẩm chất “công dân toàn cầu” - được hiểu như một con người có đủ khả năng, trình độ, sự tự tin, bản lĩnh dám đón nhận và đương đầu thử thách. Em từng đọc được trên một tờ báo của Mỹ rằng sinh viên Khai phóng có đủ kỹ năng và khả năng làm mọi nghề, kể cả những nghề hiện chưa ra đời. Lúc ấy em nghĩ là hoang đường. Nhưng khi thực sự là một sinh viên trường Khai phóng, điều này hoàn toàn có thể. Em mừng vì mình đã chọn TTU. Sự trưởng thành, tự tin, cởi mở, không ngại cái mới và luôn dám thử thách mình chính là kết quả rõ rệt của giáo dục Khai phóng đối với cá nhân em.

Học Kinh tế theo giáo trình Mỹ rất đặc biệt

Võ Thị Hoài Thương (áo vàng) cùng các bạn sinh viên quốc tế tham dự Hội nghị trao đổi sinh viên Asian Pacific Youth Exchange diễn ra tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2016.
Võ Thị Hoài Thương (áo vàng) cùng các bạn sinh viên quốc tế tham dự Hội nghị trao đổi sinh viên Asian Pacific Youth Exchange diễn ra tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2016.

Được biết, em học Kinh tế theo giáo trình Mỹ. Vậy theo em, học Kinh tế theo tư duy Mỹ có gì hay? có gì khác biệt?

Rất nhiều bạn bè và thầy cô giáo cũ đã hỏi em như vậy. Em đã trả lời bằng một câu hỏi: Nền kinh tế Mỹ khác gì với nền kinh tế của các quốc gia còn lại? Khác biệt rất rõ rệt. Theo em “năng lượng” đặc biệt để tạo nên điều đó chính là “năng lượng” của giáo dục. Em nghĩ, mỗi một quốc gia đều có một cách phát triển tư duy mang bản sắc riêng. Và em may mắn khi quãng đời sinh viên của em đã sớm tiếp cận với tư duy của một cường quốc như Mỹ. Điều hay nhất mà em học được chính là đạo đức kinh doanh và tư duy phản biện. Tại TTU, tất cả sách giáo khoa được giảng viên chọn lọc từ giáo trình của Mỹ. Lạ kỳ thay, mọi cuốn sách ấy từ Kế toán đến Bán hàng hay Quản lí chuỗi cung ứng đều dành riêng một chương để dạy về đạo đức doanh nhân. Chúng em còn được học dựa trên sự thảo luận thuyết trình để phát triển tư duy phản biện. Thiếu 2 yếu tố này, khó có thể là một doanh nhân theo đúng nghĩa.

Môi trường hoàn hảo để trưởng thành

Em đã trưởng thành như thế nào tại TTU?

Môi trường nơi đây thật sự rất tuyệt vời. Bạn bè tốt bụng và chân thành. Thầy cô thì cực kì tâm huyết và đều là những tấm gương thành đạt, có danh tiếng nhất định trong và ngoài nước. Chính họ, mỗi ngày, truyền cảm hứng cho chúng em xây dựng hình ảnh của mình trong tương lai. Ở đây, mọi thứ rất kỉ luật nên em thấy mình chững chạc và nghiêm túc trong mọi việc. Ví dụ: Điểm sẽ không bao giờ mua được khi các bạn sinh viên bước chân vào Tân Tạo. Nên phải học thật, thi thật.

Phương châm sống của đời em?

“NO PAIN- NO GAIN” - “Không có vấp ngã thì sẽ chẳng có thành công”. Một chị khóa trên đã dạy em điều này. Bốn năm học đại học, không phải không từng thất bại. Nhưng với lòng đam mê, ý chí kiên định và tinh thần không chịu khuất phục, em luôn nỗ lực ngày qua ngày, Và cuối cùng, em đã được tưởng thưởng xứng đáng. Em không biết chương trình thực tập quản trị bệnh viện tại Mỹ sẽ mang cho em những gì, con đường học MBA của em sẽ tiếp nối ra sao khi em đang đối mặt với những khó khăn riêng nhưng em chắc chắn rằng, mình đã sống với tinh thần không lùi bước!

Ghi chép của Minh Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm