Đại học "lộ" hàng loạt yếu kém nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục?

(Dân trí) - Trong giai đoạn từ tháng 1-2016 đến ngày 31/5/2018, 4 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã đánh giá ngoài 122 trường đại học thì có 117 trường đại học/học viện đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, chỉ có 5 trường đại học/học viện là chưa được công nhận.


Chất lượng nhiều trường đại học có vấn đề

Chất lượng nhiều trường đại học có vấn đề

Con số đáng lo ngại

Theo thống kê của GS. Bành Tiến Long (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT), trong 117 trường đại học/học viện có 100 trường đại học công lập, 17 trường đại học ngoài công lập. Trong đó, 6,8% là trường trực thuộc UBND các tỉnh quản lý và 77,8 là trường/học viện trực thuộc các Bộ chủ quản và các ĐH Quốc gia, Đại học vùng.

Kết quả Kiểm định chất lượng giáo dục công khai trên cổng thông tin điện tử của 4 Trung tâm cho thấy, trong 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí đánh giá chất lượng thì rất ít trường đạt. Cụ thể:

Tổng số 61 tiêu chí, có 9 tiêu chí 100% các cơ sở GD ĐH đều đạt là: Xác định sứ mạng của trường đại học; các hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể; đảm bảo các quyền dân chủ trong trường đại học cho cán bộ, giảng viên; một số tiêu chí về chăm sóc sinh viên; các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Với 52 tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất một cơ sở GD ĐH “chưa đạt”.

Đặc biệt, chỉ có 1 trường đại học có số lượng tiêu chí “Đạt” cao nhất là 56/61 tiêu chí “Đạt yêu cầu” và số lượng tiêu chí “Chưa đạt” ít nhất (5/61 tiêu chí “Chưa đạt yêu cầu”); không có trường nào không đạt từ 4 tiêu chí trở xuống.

GS Bành Tiến Long cho rằng, điều này càng dễ hiểu vì sao Việt Nam chưa có trường nào được xếp hạng trong 500 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng THES – World University Rankings, hay CWUR World University Rankings.

Cũng theo GS Long 25 trường/học viện (chiếm tỷ lệ 21,36%) có 49 tiêu chí “Đạt” và 12 tiêu chí “Chưa đạt” (12 tiêu chí “Chưa đạt” trong tổng số 61 tiêu chí là con số tối đa để một trường/học viện được công nhận đạt Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục).

Đây là những trường cần phải thực hiện ngay và quyết liệt hơn trong công tác đảm bảo và cải tiến nâng cao CLGD. Còn lại mỗi tiêu chí có ít nhất một cơ sở GD ĐH “chưa đạt”.

Còn lại có tới 98 trường có số lượng 9 tiêu chí chưa đạt trở lên, chiếm 83,76% tổng số trường. Đây là con số đáng lo ngại, phản ánh đúng nội dung yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam.

Đáng lưu ý rằng, phần lớn các trường được kiểm định là những trường được coi là xếp hạng khá trở lên trong hệ thống GD VN.


55% trường đại học được đánh giá chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên để thực hiện CTĐT và nghiên cứu khoa học.

55% trường đại học được đánh giá chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên để thực hiện CTĐT và nghiên cứu khoa học.

Báo động về chất lượng

GS Bành Tiến Long cho rằng, việc kiểm định chất lượng giáo dục đã tạo bước chuyển biến tích cực và thay đổi mạnh mẽ đối với các trường đại học. Nhiều đại học đã có những cam kết mạnh và thực hiện cải thiện cải thiện sau đánh giá. Tuy nhiên, kết quả 117 cơ sở giáo dục đã được kiểm định chất lượng và công khai kết quả thẩm định cho thấy các trường đại học còn tồn tại nhiều vấn đề đáng “báo động” về chất lượng.

Về quản trị ĐH và tổ chức quản lý trường ĐH thì có 36% trường đại học được đánh giá chưa có cơ cấp tổ chức đáp ứng các quy định của Điều lệ trường ĐH và các quy định khác của pháp luật có liên quan như chưa thành lập Hội đồng trường, Hội đồng khoa và một số tiêu chuẩn khác đúng quy định, một số trường chưa cập nhật và xây dựng QC về TC&HĐ theo đúng quy định hiện hành….

Có tới 34% chưa đáp ứng được các yêu cầu về CL – KHPT và biện pháp giám sát, đánh giá và thực hiện các kế hoạch, chất lượng.

Về chương trình đào tạo, có 15,4% trường đại học được đánh giá chưa thiết kế theo quy định đối với các CTĐT thường xuyên, chưa đảm bảo chất lượng đào tạo đối với CTĐT này.

Có 65% trường chưa thực hiện việc định kỳ đánh giá CTĐT và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá; Có 24% cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu về việc định kỳ bổ sung, điều chỉnh trên cơ sở tham khải các CTTT-QT, các ý kiến phản hồi từ nhà tuyển dụng, lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức GD….đặc biệt, có tới 43% CS GD được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu CTĐT có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách có hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Về hoạt động đào tạo, khi triển khai hoạt động đào tạo, phương pháp và quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học chưa thực sự được các trường đại học chú trọng, có 44% trường đại học chưa đáp ứng các yêu cầu của tiêu chí này. Việc lấy ý kiến của người học, nhà sử dụng lao động và các bên liên quan để làm căn cứ điều chỉnh CTĐT cũng chưa thực sự được các nhà trường chú trọng, có đến 33% trường đại học chưa đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chí này.

Về đội ngũ giảng viên, một con số đáng báo động mà khảo sát của GS Bành Tiến Long đưa ra, cụ thể: 55% trường đại học được đánh giá chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên để thực hiện CTĐT và nghiên cứu khoa học; tỷ lệ trung bình SV/GV của một ngành đào tạo quá cao (có chương trình đào tạo khoảng 60 SV/GV).

Có 26% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chưa đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm công tác chuyên môn và trẻ hóa theo quy định. Đặc biệt, có 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định, một số giảng viên chưa giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo… Đồng thời, có đến 35% CSGD chưa đáp ứng yêu cầu về đội ngũ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong khảo sát của GS Long thì vấn đề nghiên cứu khoa học là điểm tồn tại lớn nhất của các trường ĐH. Các trường có nhiều đề tài, dự án chưa được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch (có 49% trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí này), thậm chí có tới 78% cơ sở giáo dục chưa đáp ứng tiêu chí yêu cầu về chuyển giao KHCN.

Một số vấn đề tồn tại liên quan nữa là Thư viện và diện tích sử dụng đất của trường đại học. Có 66% trường đại học được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí thư viện của trường ĐH (chưa có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo…); có 55% trường đại học chưa có đủ diện tích đất sử dụng theo quy định…

Bên cạnh hàng loạt vấn đề tồn tại nêu trên, từ kết quả Kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy có 9/61 tiêu chí mà 100% các trường đã đạt được KĐCLGD đều đạt yêu cầu. Nội hàm các tiêu chí này liên quan đến các vấn đề sức mạnh của cơ sở giáo dục đại học như hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể, dân chủ trong CSGD, các hoạt động về đạo đức lối sống cho người học, việc cung cấp các thiết bị tin học về cơ bản các CSGD đều đáp ứng đủ.

***

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và đổi mới quản trị đã được khẳng định trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” và Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020…

Sau gần 13 năm thực hiện Nghị quyết và 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục đại học VN tuy có chuyển biến tích cực về nâng cao chất lượng và tính tự chủ . Tuy nhiên, những con số trên qua khảo sát, đánh giá của GS Bành Tiến Long cho thấy, hoạt động giáo dục đại học còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề đổi mới Quản trị đại học.

Hồng Hạnh