Đại học Huế tiến hành đánh giá ngoài theo chuẩn ASEAN

(Dân trí) - Sáng 1/3 tại TP Huế, Đại học Huế đã bắt đầu đợt đánh giá ngoài chất lượng cơ sở giáo dục trong khu vực ASEAN - là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam được tuyển chọn.

Trong lần đánh giá này, ĐH Huế là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam được tuyển chọn, cùng với 10 thành viên khác đến từ 8 nước trong khối Đông Nam Á.

Lễ khai mạc khảo sát chính thức đánh giá ngoài cơ sở giáo dục Đại học Huế trong khu vực ASEAN
Lễ khai mạc khảo sát chính thức đánh giá ngoài cơ sở giáo dục Đại học Huế trong khu vực ASEAN

Bộ tiêu chí Đoàn chuyên gia sử dụng là một sản phẩm hoàn toàn mới do dự án SHARE xây dựng, gồm 10 tiêu chuẩn: Cơ sở giáo dục có trách nhiệm về chất lượng; Đảm bảo chất lượng (ĐBCL) thúc đẩy sự cân đối giữa tự chủ đại học và việc chịu trách nhiệm trước xã hội; ĐBCL là một quy trình tham gia, hợp tác xuyên suốt tất cả các cấp, kết hợp chặt chẽ giữa giảng viên, sinh viên và các bên liên quan; Văn hóa chất lượng đặt nền móng cho tất cả các hoạt động của cơ sở giáo dục; Hệ thống ĐBCL bên trong về mặt cấu trúc và chức năng được thiết lập với trách nhiệm được xác định rõ ràng;

Hệ thống chất lượng được phổ biến và hỗ trợ bởi cấp quản lý cao nhất để đảm bảo việc thực thi hiệu quả và tính bền vững cao; Cơ sở giáo dục phải có đủ nguồn tài nguyên để thiết lập và duy trì một hệ thống chất lượng hiệu quả; Cơ sở giáo dục cần có một cơ chế chính thống để quyết định, đánh giá theo kỳ, quý và chỉ đạo các chương trình, khen thưởng; Chất lượng được theo dõi và đánh giá đều đặn nhằm đạt được mục tiêu cải tiến liên tục ở mọi cấp độ; Thông tin cập nhật, chính xác về cơ sở giáo dục, tất cả chương trình đào tạo, thành tựu, quy trình ĐBCL phải được công khai trước công chúng.

Đoàn chuyên gia gồm 4 thành viên quốc tế (hàng ghế đầu) sẽ phỏng vấn kỹ càng 9 nhóm phỏng vấn
Đoàn chuyên gia gồm 4 thành viên quốc tế (hàng ghế đầu) sẽ phỏng vấn kỹ càng 9 nhóm phỏng vấn

ĐH Huế đã viết báo cáo tự đánh giá và nộp cho Văn phòng dự án tại Jarkata vào tháng 9/2017. Trong quá trình thẩm định báo cáo, đoàn chuyên gia đã liên tục làm việc qua thư điện tử ĐH Huế để cung cấp thêm thông tin về ĐH Huế, làm rõ vấn đề đã nêu trong báo cáo tự đánh giá.

Bên cạnh đó, ĐH Huế đã chuẩn bị 10 hộp minh chứng tương ứng với 10 tiêu chuẩn với gần 500 đầu mục minh chứng. Trong 3 ngày làm việc từ 1-3/3, đoàn chuyên gia sẽ phỏng vấn 9 nhóm phỏng vấn bao gồm: Ban giám đốc, Hội đồng ĐH Huế, Ban giám hiệu trường thành viên, nhóm viết báo cáo, trưởng phó khoa, trưởng phó phòng ban, nhà tuyển dụng và cựu người học, giảng viên, sinh viên học viên.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, hiện tại ở ĐH Huế đã có 8/8 trường đại học thành viên đã hoàn thành kiểm định đồng cấp giai đoạn 2015 – 2021; có 6/8 trường đại học thành viên đã được kiểm định cơ sở đào tạo cấp quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017 – 2022; đã có 2 chương trình đào tạo tự đánh giá theo chuẩn AUN – QA.

“Với việc tham gia đánh giá ngoài cơ sở giáo dục lần này, ĐH Huế mong muốn đưa thương hiệu ĐH Huế xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á nhằm tiếp cận hơn với các chuẩn khu vực, chuẩn quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng. Chính động thái này sẽ giúp ĐH Huế nhìn lại mình và có những cải tiến quyết liệt hơn để ngày càng phát triển và hoàn thiện” – PGS.TS. Nguyễn Quang Linh bày tỏ.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết để tiếp cận với các chuẩn khu vực, chuẩn quốc tế thì việc tham gia đánh giá ngoài lần này là điều hết sức cần thiết
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết để tiếp cận với các chuẩn khu vực, chuẩn quốc tế thì việc tham gia đánh giá ngoài lần này là điều hết sức cần thiết

SHARE được khởi động từ tháng 5/2015, kéo dài đến năm 2018. Các đối tác bao gồm: British Council, Campus France, DAAD, EP-Nuffic, EUA (Hiệp hội các đại học Châu Âu) và ENQA (Hiệp hội Đảm bảo chất lượng Châu Âu). Các hợp phần của chương trình bao gồm: đối thoại chính sách, khung tham chiếu về chất lượng và đảm bảo chất lượng khu vực ASEAN, hệ thống chuyển đổi tín chỉ khu vực ASEAN, hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa ASEAN – EU, các chương trình học bổng trao đổi dành cho sinh viên.

Có 30 đại học khối ASEAN và 10 đại học khối EU tham gia chương trình. Trong đó Việt Nam có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Đại học Huế.

Với Chương trình SHARE, Đại học Huế tham gia vào việc trao đổi sinh viên, đón nhận sinh viên và gửi sinh viên đi học trong khu vực ASEAN và EU trong thời gian 1 học kỳ theo hệ thống trao đổi tín chỉ. Việc trao đổi sinh viên giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN – EU đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh hòa nhập, quốc tế hóa giáo dục đại học.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm