Đại học Công nghiệp Hà Nội đổi mới quản trị đại học theo mô hình đại học điện tử
Quản trị đại học 4.0 để “chuyển mình” cùng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nội dung được quan tâm tại Hội nghị khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong cuộc CMCN 4.0 do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 26/2/2018.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Trung ương, Chính phủ đều quan tâm, đề cập từ rất sớm và có những chỉ đạo rất cụ thể để cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là xu thế chung mà thật sự trở thành nền tảng của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.
Mô hình Đại học điện tử - Bước đi ban đầu hướng tới quản trị đại học 4.0
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều nỗ lực đổi mới mô hình đào tạo, có giải pháp thiết thực gỡ nút thắt trong phát triển công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Nhà trường đã nghiên cứu và thực hiện một số bước để đưa cuộc CMCN 4.0 vào công tác đào tạo. Tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường đều thiết kế theo tiếp cận CDIO với định hướng ứng dụng và hội nhập quốc tế, cập nhật công nghệ mới theo xu thế của cuộc CMCN 4.0.
Đặc biệt, nhà trường thay đổi phương pháp dạy - học theo hướng kết hợp phương pháp truyền thống và dạy học trực tuyến; ứng dụng mạnh mẽ ICT vào giảng dạy và các quá trình quản lý đào tạo theo mô hình đại học điện tử; giảng viên lên lớp ngoài giảng dạy lý thuyết và thực hành tại xưởng, phòng thí nghiệm, còn phải đưa ra các bài tập tình huống để sinh viên làm việc theo nhóm nhằm giải quyết tận gốc của vấn đề.
Hội nghị quan tâm đặc biệt đến nội dung tham luận của ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng - Đại học Công nghiệp Hà Nội về mô hình Đại học điện tử - một bước đi ban đầu hướng tới quản trị đại học 4.0. Ông chia sẻ: Xác định được vai trò quan trọng của quản trị đối với đào tạo, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến: ISO 9000, 5S… ứng dụng CNTT trong nhà trường được triển khai khá sớm, những bước đi ấy đã đặt nền móng để Đại học Công nghiệp Hà Nội thiết lập đại học điện tử. Hệ thống đại học điện tử Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang dần hình thành, đã xác định được trên 500 quy trình quản lý toàn diện các mảng hoạt động của nhà trường; 34 phân hệ quản lý toàn diện nhà trường; 8 hệ hỗ trợ ra quyết định (DSS); 7 ứng dụng hỗ trợ trên nền di động.
Được áp dụng chính thức từ năm 2017, hệ thống đại học điện tử đã giúp nâng cao năng lực quản lý của Đại học Công nghiệp Hà Nội, chất lượng phục vụ khách hàng (sinh viên, nhân viên) được thay đổi đáng kể, tăng cường được tính khách quan, minh bạch, chính xác.
Định hướng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phát triển các mô hình thực tại ảo phòng học, thiết bị; đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây; thiết kế, phát triển các thiết bị thông minh hỗ trợ dạy học, nghiên cứu; nhân rộng mô hình đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp; hoàn thiện và phát triển các DSS ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Hoàng Anh cũng đề xuất: “Đề nghị Bộ Công thương và các Bộ, Ngành tạo cơ chế nhằm tập trung nguồn lực nghiên cứu và phát triển các hệ thống quản lý cũng như mô hình Đại học 4.0; tạo môi trường triển khai nhận rộng các sản phẩm đã hoàn thiện; tạo cơ hội cho đội ngũ kỹ thuật nhà trường tiếp cận công nghệ mới, phương pháp quản lý tiên tiến”.
Được biết, mô hình Đại học điện tử của Trung tâm Quản lý Chất lượng đã được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012, Danh hiệu Sao Khuê 2016.