Đã đến lúc cha mẹ nên thay đổi cách quản lý con dùng thiết bị điện tử

Võ Bình Minh

(Dân trí) - Các bậc phụ huynh thường "đau đầu" với việc đặt ra thời lượng dùng thiết bị điện tử hợp lý cho con, trong khi vấn đề thực ra không nằm ở thời gian.

Bài viết sau của Kate Highfield - một nhà nghiên cứu về thời thơ ấu của trẻ tại Đại học Công giáo Australia và đồng thời là phụ huynh của một bé 4 tuổi - sẽ bàn luận về vấn đề này.

Phụ huynh lúng túng khi thực hiện các nguyên tắc

Có nhiều hướng dẫn về thời gian dùng màn hình điện tử phù hợp cho các độ tuổi khác nhau của trẻ đã được đưa ra cho phụ huynh ở các nước và có những nguyên tắc được cho là mọi nơi đều áp dụng được.

Ở Australia, trẻ từ 2 đến 5 tuổi được khuyến nghị không nên nhìn màn hình quá 1 giờ/ngày. Đối với thanh thiếu niên từ 5 đến 17 tuổi, thời gian nhìn màn hình điện tử khi ít vận động không nên quá 2 giờ/ngày (không bao gồm thời gian dùng để làm bài tập).

Nhưng nghiên cứu của các chuyên gia từ Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Queensland ở Australia chỉ ra rằng nhiều phụ huynh ở nước này thấy các quy định về thời lượng dùng khó tuân theo.

Việc tập trung vào khía cạnh "thời gian" chỉ đo được thời lượng chứ không phải chất lượng của những gì mà trẻ đang xem. Thay vào đó, chúng ta cần để ý việc con mình đang xem gì và xem như thế nào.

Bỏ khái niệm "thời gian nhìn màn hình điện tử"

Đã đến lúc cha mẹ nên thay đổi cách quản lý con dùng thiết bị điện tử - 1

Vui chơi và hoạt động thể chất rất quan trọng trong quá trình học tập và phát triển của trẻ em (Ảnh: Shutterstock).

Sử dụng thiết bị điện tử chỉ nên là một phần trong cuộc sống của trẻ. Nhưng hãy xem xét các tình huống sau:

Jenny (4 tuổi) xem phim Spiderman (Người Nhện) cùng anh trai. Bé chỉ xem trong vài phút nhưng là một cảnh đánh nhau kịch tính.

Bạn của Bryce (5 tuổi), Lucas đã chuyển đi bang khác. Bryce thường dành 20 phút để gọi video trò chuyện với Lucas. Hai bé nói về đồ chơi, chơi trốn tìm, và thỉnh thoảng gửi cho nhau các emoji (biểu tượng cảm xúc).

Leo (6 tuổi) và dì của bé đang xem phim Sing (Đấu trường âm nhạc). Cả hai xem phim trong hơn 60 phút và hát theo các bài hát trong phim. Leo chủ động nói về các nhân vật trong nhiều ngày sau khi xem, bình luận rằng Meena (một nhân vật mắc chứng sợ sân khấu) phải tiếp tục cố gắng trở nên dũng cảm để đối diện với vấn đề của mình.

Mỗi ví dụ trên cho thấy một cách dùng thiết bị điện tử khác nhau. Tuy nhiên, chúng thường được so sánh bằng một tiêu chuẩn chung là "thời gian nhìn màn hình" dù có hiệu quả khác biệt.

Chất lượng dùng thiết bị điện tử

Cần tập trung vào hai chiến lược chính.

Thứ nhất là tương tác với những gì con bạn đang xem hoặc chơi như một cơ hội để nói chuyện, thúc đẩy khả năng ngôn ngữ, lĩnh hội và nhận thức. Nghiên cứu gọi đây là "co-viewing"(cùng xem) hoặc "co-engaging" (cùng tham gia).

Sau hoặc trong khi xem, các bậc phụ huynh có thể yêu cầu trẻ nói về những gì mình đã xem.

Điều này cũng cho các bậc phụ huynh cơ hội để lên tiếng nếu có điều gì đó không phù hợp với những gì bạn đang muốn dạy con, ví dụ như khi thấy con mình xem những phim có nhiều cảnh đánh nhau và cãi vã giữa các nhân vật, hãy nhắc nhở con rằng nói ra và thảo luận về các vấn đề tốt hơn là tranh đấu và cãi nhau. Điều này cũng cho bạn cơ hội dạy con mình về việc cần luôn suy nghĩ về những thứ mình xem.

Lựa chọn nội dung cho con xem

Chiến lược thứ hai là chủ động đưa ra lựa chọn về những gì con mình xem. Các bậc phụ huynh có thể chọn nội dung hỗ trợ việc học và phù hợp với những điều bạn muốn dạy con. Điều này không có nghĩa là con chỉ được xem các chương trình giáo dục thuần túy, vì có nhiều chương trình giải trí có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng của mình.

Một số ví dụ là trò chơi đua xe Mario Kart, vì nó thúc đẩy kỹ năng vận động tốt và tinh thần đồng đội, hay video chương trình Học đếm qua các trò chơi thể thao.

Đôi lúc, trẻ xem một chút nội dung chỉ để giải trí cũng không sao, giống như cách mà người lớn có thể xả hơi với các bộ phim truyền hình tình cảm như Bridgerton hay loạt phim hành động James Bond.

Thông điệp ở đây là các bậc phụ huynh và người chăm sóc có thể chủ động đưa ra những lựa chọn về chất lượng của những thứ trẻ xem. Thay vì chỉ bật TV hoặc iPad và để con một mình, chúng ta cần tương tác với những gì con mình đang xem và chơi.

Theo theconversation.com