Cựu sinh viên ĐH Bách khoa trở thành cô giáo xuất sắc dạy trẻ em câm điếc
(Dân trí) - Để tập cho một đứa trẻ mất khả năng nói vì điếc bẩm sinh, chị Hạnh phải mất từ 1 – 5 năm, có ca phải mất đến 10 năm. Nhưng dù ca khó hay dễ, chị vẫn kiên trì dạy từng đứa trẻ mỗi ngày với hy vọng chúng có thể nói, có thể giao tiếp với thế giới xung quanh.
Không nghe vẫn kiên trì học nói
Chị Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED), không phải là nhà giáo, chị tốt nghiệp kỹ sư hóa học, Đại học Bách khoa TPHCM và có thêm bằng cử nhân ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện công tác của chị không khác gì một nhà giáo, một nhà giáo đặc biệt vì chị là người khiếm thính và học sinh của chị cũng là những đứa trẻ khiếm thính.
Năm 6 tuổi, chị Hạnh bị sốt nặng. Do điều kiện y tế khó khăn, dùng kháng sinh quá liều, chị bị mất thính lực và tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Dù đã biết nói trước khi mất thính lực nhưng khả năng nhận thức ngôn ngữ chưa cao nên việc đi học là một cực hình đối với chị. Không thể nghe, chị chỉ có thể đoán lời thầy cô giảng bài bằng việc nhìn môi để học từng chữ một.
Những năm tháng đi học là quá trình nỗ lực tự học của chị với sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, bạn bè và người thân. Để phát âm đúng, cha mẹ chị phải chỉnh sửa từng từ một. Mỗi khi chị phát âm sai, cha mẹ đều bắt chị nói đi nói lại cho đến lúc tròn vành rõ chữ…
Gần 20 năm kiên trì, chị Hạnh cũng đã tốt nghiệp phổ thông, lấy được bằng kỹ sư hóa học tại Đại học Bách khoa TPHCM. Tuy nhiên, trong quá trình đi làm, chị nhận thấy công việc kỹ sư hóa học quá nguy hiểm vì chị không thể nghe đồng nghiệp nói gì, nhận biết mọi việc diễn ra xung quanh quá chậm. Từ đó, chị quyết định chuyển nghề và chọn học thêm đại học ngoại ngữ. Đến nay, chị Hạnh là hiện tượng trong cộng đồng khiếm thính Việt Nam vì không chỉ có 2 bằng đại học chính quy mà còn biết nói, viết, dịch tiếng Anh thông thạo, tham gia phát biểu tại nhiều diễn đàn quốc tế.
Hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực khiếm thính, chị nhận ra chỉ có học tập là cách tốt nhất để hỗ trợ người khiếm thính hòa nhập xã hội. Từng trải qua quá trình học tập gian khó, chị hiểu người khiếm thính học khó khăn như thế nào, nhất là học hòa nhập trong trường học bình thường. Do đó, chị quyết tâm mở Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính để dạy trẻ điếc tập nói, dạy người khiếm thính học tiếng Anh...
Chỉ có tập nói trẻ khiếm thính mới hòa nhập được
Trẻ khiếm thính nếu điếc sâu và điếc bẩm sinh thì sẽ mất khả năng tiếp thu ngôn ngữ vì trẻ không nghe được âm thanh bên ngoài. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, trẻ sẽ không có khả năng nói dù cấu tạo dây thanh, lưỡi vẫn bình thường. Lâu dần, đứa trẻ sẽ trở thành người vừa câm, vừa điếc. Dù được mang máy trợ thính, có thể nghe ở mức độ nhất định nhưng vì mất khả năng tiếp thu ngôn ngữ nên trẻ chỉ có thể phát ra những âm thanh ú ớ vô nghĩa.
Theo chị Dương Phương Hạnh, trường hợp này có rất nhiều ở Việt Nam do tình trạng y tế kém phát triển và do quan niệm giáo dục khác nhau. Chị cho biết: “Hiện có 2 quan điểm giáo dục trẻ khiếm thính. Thứ nhất là hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ nghe, tập cho trẻ nói bằng cách nhìn môi đoán tiếng và nhờ máy trợ thính hỗ trợ. Thứ 2 là tập cho trẻ giao tiếp bằng ký hiệu tay, không phát âm”.
Chị cho rằng: “Dạy cho trẻ khiếm thính tập dấu hiệu tay thì trẻ chỉ có thể giao tiếp với những người cùng cảnh, trong cộng đồng khiếm thính. Nếu muốn giao tiếp với người nghe bình thường, trẻ phải dùng bút đàm, tức là viết chữ ra giấy để trao đổi cho nhau đọc. Điều này hạn chế rất nhiều đến việc hòa nhập xã hội của người khiếm thính. Do đó, tôi chủ trương là phải tập nói cho trẻ khiếm thính. Khi nói được, trẻ có thể giao tiếp với bất cứ ai chứ không riêng gì người trong cộng đồng khiếm thính, nhờ đó trẻ mới dễ dàng hòa nhập xã hội”.
Chị khẳng định: “Nếu trẻ được tập nói sớm (trước 6 tuổi) thì chắc chắn trẻ sẽ nói được. Còn nếu sau 6 tuổi mới tập nói thì cũng có thể nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Quan trọng nhất là giáo viên và gia đình phải kiên trì. Có khi tập 1 – 2 năm là nói được, có khi phải mất 5 – 7 năm không chừng”.
Chị kể: “Trường hợp của bé Long Quân đến 11 tuổi gia đình mới đưa đi tập nói. Các bác sĩ cũng chê là không thể can thiệp được nhưng sau mấy năm kiên trì tập nói, bé đã có thể nói được nhiều từ đơn giản. Quan trọng là sau giờ học tập tại lớp, khi về nhà gia đình phải quan tâm hỗ trợ bé, kiên quyết bắt bé phải nói đi nói lại những từ mà bé phát âm sai cho đến lúc thành công. Điều này sẽ tạo nên phản xạ cho bé trong phát âm và nhìn môi đoán tiếng”.
Hiện tại CED có cả 2 chương trình: tập nói cho trẻ điếc và dạy ngoại ngữ cho người khiếm thính. Theo chị Hạnh, nhu cầu học ngoại ngữ hiện cũng không nhiều, chủ yếu là những người khiếm thính có nhu cầu xuất ngoại. Còn trẻ điếc tập nói thì nhu cầu rất nhiều, nhất là trẻ ở các tỉnh xa nhưng còn nhiều hạn chế vì trẻ ở tỉnh phải thuê nhà trọ học, chi phí tốn kém.
Tất cả giáo trình mà CED áp dụng hiện nay đều do chị Hạnh nghiên cứu các tài liệu của các tổ chức khiếm thính quốc tế tặng và dựa vào kinh nghiệm học nói, học ngoại ngữ của bản thân để biên soạn lại. Sau gần 5 năm áp dụng, chị nhận thấy giáo trình này khá thành công với nhiều lứa học sinh tập nói được, học xong khóa tiếng anh giao tiếp để đi định cư nước ngoài. Chị hy vọng mô hình giảng dạy này có thể mở rộng, từng tỉnh đều có nơi dạy để trẻ điếc ở các tỉnh có thể theo học mà không tốn kém nhiều như hiện nay.
Tùng Nguyên – Phạm Nguyễn