DMagazine

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án "ám khói đạn bom"

(Dân trí) - Cuốn luận án có giá trị đặc biệt với nền toán học thế giới của GS. TSKH Hoàng Xuân Sính vừa được đưa trở về Việt Nam sau 50 năm "lưu lạc".

Cuốn luận án có giá trị đặc biệt với nền toán học thế giới của GS. TSKH Hoàng Xuân Sính vừa được đưa trở về Việt Nam sau 50 năm "lưu lạc". Tất cả nhờ tâm huyết của nhiều nhà khoa học lớn trong nước và thế giới.

Một ngày cuối thu Hà Nội, ngồi trong phòng làm việc tại Đại học Thăng Long, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hoàng Xuân Sính (90 tuổi) trầm ngâm nhớ lại quá trình "thai nghén" và hành trình "phiêu lưu" của "đứa con tinh thần" mang tên Gr-Catégories (tạm dịch: Các phạm trù).

Đây là bản luận án Tiến sĩ viết tay duy nhất được bảo vệ tại Pháp (và có thể là trên thế giới), tác giả là nữ Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam.

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 1

GS.TS.Hoàng Xuân Sính xác định theo đuổi toán học khi vừa tốt nghiệp bằng tú tài tại trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội). Năm 1951, được cậu ruột đón sang Pháp theo học Đại học Toulouse, bà chọn lấy bằng tú tài 2 về chuyên ngành toán học. 

Tốt nghiệp Đại học Toulouse, bà học lên Thạc sĩ toán học ở tuổi 26, theo chương trình của kỳ thi tuyển dụng công chức cho Bộ Giáo dục Cộng hòa Pháp. 

Bà Sính đánh giá "đây là một kỳ thi rất khó", nên khi về nước bà được mọi người chú ý và ưu ái cho lựa chọn đơn vị công tác. Sau 10 ngày suy nghĩ, bà quyết định chọn Đại học Sư Phạm Hà Nội và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy từ năm 1960. 

"Thân đã là một giảng viên Đại học, đứng lớp dạy sinh viên kiến thức để dựng xây Tổ quốc thì phải bắt buộc làm nghiên cứu khoa học, cập nhật thông tin và kiến thức mới. Luận án Tiến sĩ chính là khởi đầu của hành trình nghiên cứu khoa học", bà nhớ lại.

Thời điểm này, số lượng Tiến sĩ toán học tại Việt Nam chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Khoa Toán của Đại học Sư Phạm Hà Nội chỉ có một Tiến sĩ duy nhất là GS Nguyễn Cảnh Toàn. 

Với tư cách là trưởng bộ môn toán học, bà Hoàng Xuân Sính vừa thúc đẩy từng giảng viên, từng sinh viên học tập, vừa mày mò làm luận án Tiến sĩ.

"Thời điểm đất nước bộn bề gian khó, đạn bom hy sinh là điều diễn ra hàng ngày trước mắt, chúng tôi chỉ muốn cố gắng mỗi ngày nỗ lực, lấy sức mình mà giúp đất nước - chỉ có đơn giản như vậy", bà Sính nhớ lại.

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 3

Không người hướng dẫn, không sách tiếng Anh, không cộng đồng khoa học, con đường chinh phục bậc hàm Tiến sĩ trải đầy khó khăn khiến bà "cứ loay hoay mãi". 

Năm 1967, nhân cơ hội "thiên tài Toán học thế kỷ XX" Alexander Grothendieck (người Pháp) sang Việt Nam dạy học 3 tuần, bà Sính hẹn gặp và xin được ông hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ.

GS Grothendieck nhận lời.

Khi về nước, thiên tài kỳ lạ bậc nhất thế kỷ XX này đã viết cho bà Sính bức thư đầu tiên, đưa cho cô học trò người Việt đề tài và dàn bài quan trọng mà sau này bà đã xây dựng thành Gr-Catégories.

Trong 5 năm bà Sính viết luận án Tiến sĩ, vì sự khó khăn do chiến tranh, hai thầy trò chỉ gửi cho nhau vỏn vẹn 5 bức thư. Những lá thư phải rất ngắn và phải mất 8 tháng để một lá thư di chuyển giữa Pháp và Việt Nam. 

Lần thứ 2 gửi thư cho học trò, ông Grothendieck dặn "nếu không làm được bài toán khả nghịch các vật trong một phạm trù, thì hãy bỏ đi, không cần làm nữa".

Đáp lại, bà Sính thừa nhận không giải được bài toán đó, nhưng quyết không bỏ cuộc. Trong bức thư tiếp theo, bà cho hay "đã thành công đảo ngược các vật thể". Đến bức thư cuối cùng, bà thông báo đã hoàn thành dàn bài luận án Tiến sĩ. 

"Sự thành bại của một luận án, phần rất quan trọng nhờ vào công dìu dắt của người thầy hướng dẫn. Đó là cái ơn về thầy Grothendieck, tôi sẽ không bao giờ quên", bà Sính nói.

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 5

Những năm đó, Đại học Sư Phạm Hà Nội chưa có chế độ cán bộ giảng viên được nghỉ hay bớt giờ dạy để làm nghiên cứu khoa học. Một tuần, GS Sính dạy 30 giờ, gần như ngày nào cũng phải đến trường.

Ngày đi dạy, tối đến bà bắt đầu viết luận án Tiến sĩ dưới ánh đèn dầu trong căn nhà tranh vách đất, ẩm ướt, cỏ mọc lên tận đầu gối. Ngọn đèn le lói được che kín, sợ bị máy bay địch phát hiện.

"Nỗi lo duy nhất của tôi là… muỗi. Lúc ấy tôi chỉ ước có chiếc đèn pin để ngồi đọc sách trên giường mà không lo nguy cơ cháy như đèn dầu", GS Sính nhớ lại.

Dù viết luận án liên tục từ 21h đến nửa đêm, mỗi sáng bà vẫn dậy sớm, đi bộ đến trường cách nhà 4km. Những ngày trời mưa, nữ giáo viên đi chân đất, quần xắn đến đầu gối men theo con đường nước ngập cao đã xóa đi ranh giới giữa bờ ao và đường.

"Nếu buổi tối tôi ước không có muỗi, thì ban ngày tôi ước không có máy bay đi qua. Đó là những mong ước thời chiến", bà kể. 

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 7

Mỗi khi kẻ địch quần thảo trên bầu trời, giảng viên phải kịp thời đưa sinh viên chạy xuống hào giao thông ngay cạnh lớp, không được chậm trễ dù chỉ một giây, tránh thương vong. 

Tháng 12/1972, khi máy bay B52 san phẳng phố Khâm Thiên, bà Sính và sinh viên đang thực tập tại trường phổ thông Phú Xuyên B. Trên trời tiếng máy bay gầm rú khủng khiếp, dưới hầm sơ tán, bà vẫn làm việc. 

"B52 bay qua đầu, tôi vẫn cặm cụi ngồi viết luận án" - Khi đợt bom Mỹ cuối cùng dội xuống, cũng là lúc bà hoàn thành luận án Tiến sĩ. Bà gửi cho thầy Alexander Grothendieck vào năm 1973.

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 9

Khi bà Hoàng Xuân Sính nói muốn sang Pháp bảo vệ luận án Tiến sĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn đồng ý. Nhưng một số người lo ngại, cho rằng "bà đi sẽ không trở về". Sự bất đồng quan điểm đã khiến bản luận án bị "treo" suốt 3 năm. 

Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ đã đưa ra những ý kiến đầy thuyết phục, bà Hoàng Xuân Sính được chấp thuận sang Pháp bảo vệ luận án Tiến sĩ.

Thông thường, luận án Tiến sĩ viết tay không được chấp nhận, nhưng nhờ vị thế của GS Grothendieck, hội đồng đã cho đánh máy hơn 200 trang luận án của bà Sính để đưa ra bảo vệ. 

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 11

Tháng 5/1975, nữ giảng viên người Việt bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Các Gr-phạm trù tại Đại học Paris 7, trước đông đảo Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều.

Luận án này đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về sau của lý thuyết "n-Catégories", được ứng dụng phổ biến vào máy tính lượng tử và ứng dụng trong Vật lý tôpô.

"Đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi", bà nhớ lại. 

GS Hoàng Xuân Sính sau đó về nước tiếp tục góp sức vào sự phát triển nền giáo dục nước nhà. Về phần Gr-Catégories, bản luận án viết tay của bà mang trong mình một số phận đặc biệt.

Luận án này chưa từng được xuất bản nhưng lại có nhiều bản sao được lưu tại thư viện của nhiều trường đại học ở Pháp và châu Âu. 

Thật tình cờ, GS John C. Baez, nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực toán học và Khoa học tính toán đã đọc được bản luận án viết tay bằng tiếng Pháp của Tiến sĩ toán học người Việt Nam trong một thư viện tại Đức. Ông đã quyết định dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh để nhiều người được tiếp cận với công trình quý giá này.

Năm 2022, GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, quan tâm đến các công trình của bà Sính, đã truy cập vào kho lưu trữ tài liệu của GS Grothendieck tại một trường đại học ở Đức.

Tại đây, ông nhìn thấy một bản luận án viết tay của bà Sính, được đóng dấu bởi Đại học Montpellier (Pháp). 

Ông Khoái liên hệ Đại học Montpellier nhờ tìm lại bản luận án này, nhưng họ thông báo tất cả tài liệu của GS Grothendieck đều đã được chuyển lên Paris. 

"Tôi đã nhờ GS Nguyễn Tiến Dũng - người từng làm việc tại Đại học Montpellier trước khi chuyển sang Đại học Toulouse - tìm hiểu thêm về bản luận án này", ông Khoái nhớ lại. 

Ông Dũng sau đó tìm được TS Jean Malgoire - nghiên cứu sinh cuối cùng của GS Grothendieck cùng bản luận án viết tay giá trị của GS Hoàng Xuân Sính.

Cũng chính ông Dũng đích thân mang công trình này trở về Đại học Thăng Long, nơi GS Hoàng Xuân Sính giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, sau nửa thế kỷ "lưu lạc".

Sự trở về kỳ diệu này đến từ những nhà khoa học ở cả trong nước và thế giới trân trọng những tinh hoa, khối óc của nhân loại.

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 13

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, 90 năm ngày sinh của GS Hoàng Xuân Sính (5/9/2023), Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm đã xuất bản sách Gr-Catégories gồm toàn văn bản luận án Tiến sĩ của bà. 

Ngay phần đầu của cuốn sách, độc giả có thể thấy một phần bản viết tay của luận án mà bà Sính đã gửi đi Paris, năm 1973.

Trong lời giới thiệu về Gr-Catégories, GS Hà Huy Khoái chia sẻ công trình này thu hút cộng đồng toán học quốc tế không chỉ bởi nội dung phong phú và những kết quả khoa học quan trọng, mà còn ở sự ra đời đặc biệt của nó. 

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 15
Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 16

Trên thế giới có lẽ không nhiều luận án Tiến sĩ được hoàn thành trong hoàn cảnh chiến tranh, khi mà người hướng dẫn và nghiên cứu sinh ở cách nhau hàng chục nghìn km, chỉ liên hệ bằng thư từ trong điều kiện bưu điện thời chiến. 

GS Sính đã viết tay hơn 200 trang luận án giữa chiến tranh, bị cô lập với cộng đồng quốc tế, thiếu thông tin, tài liệu, thiếu cả những phương tiện tối thiểu nhất như bút giấy, ánh sáng, và thậm chí nhiều khi còn thiếu cả những bữa cơm no.

Ông Khoái nói đây là một bản luận án có "số phận đặc biệt", từng bị lãng quên, nhưng giờ là  niềm tự hào của người Việt Nam về một người phụ nữ, một nhà toán học vĩ đại như GS Hoàng Xuân Sính. 

"Một điều hiếm thấy nữa là phần tài liệu tham khảo của luận án chỉ có 16 cái tên mà trong đó hầu hết là sách, không phải các bài báo. Điều này chứng tỏ những kết quả nhận được trong luận án không phải là sự mở rộng những kết quả đã có mà là sự khởi đầu", ông Khoái viết.

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 17

Cuốn sách còn đính kèm bài viết về nội dung khoa học và ý nghĩa luận án với nhan đề Hoàng Xuân Sính's thesis: Categorifying Group Theory của GS John C. Baez.

"Kết quả của bà Hoàng Xuân Sính rọi ánh sáng lên vấn đề nghiên cứu các kiểu đồng luân của các không gian tương đối "đẹp", chẳng hạn các CW-complex", GS John Baez viết.

Theo đại diện Nhà xuất bản Sư phạm, luận án này chưa từng được xuất bản mặc dù đã có nhiều bản sao được lưu tại thư viện của nhiều trường đại học ở Pháp và một số nước châu Âu. 

Với 1.000 cuốn cho lần xuất bản đầu tiên, Gr-Catégories sẽ được trang bị cho các khoa đào tạo, viện nghiên cứu toán học trong nước, các thư viện ở Pháp và nhiều nước khác.

Những năm sau này, GS Hoàng Xuân Sính dồn hết sức lực và tâm huyết để xây dựng Đại học Thăng Long - đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam. Bà mong muốn sinh viên Việt Nam được lĩnh hội những kiến thức đón đầu xu hướng và được học trong môi trường nghiêm túc, hạnh phúc.

"Cuộc đời bà là hành trình nhất quán của một trí thức yêu nước và nhà khoa học đầy tài năng: từ quyết định rời bỏ cuộc sống tiện nghi ở Pháp để trở về đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam trong những năm chiến tranh ác liệt, quyết tâm vươn lên đỉnh cao khoa học trong những điều kiện đặc biệt khó khăn, cho đến những cố gắng và nghị lực phi thường để vượt qua biết bao thử thách, xây dựng trường đại học ngoài công lập đầu tiên trong hệ thống giáo dục của Việt Nam", GS Hà Huy Khoái viết. 

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 19

Bước sang tuổi 90, GS Hoàng Xuân Sính vẫn giữ thói quen dậy sớm, tập thể dục, đọc báo tiếng Việt, tiếng Pháp để nắm bắt xu hướng đào tạo trong nước và thế giới.

Bà tự hào khi sinh viên Việt Nam giỏi toán đến mức bà từng ngộ nhận "trong các nghề, nghề dạy học là dễ nhất" và "trong các môn học, toán là môn dễ nhất". 

Trong bối cảnh hiện nay nhiều người không còn "mặn mà" theo đuổi toán học và những ngành khoa học cơ bản, GS Sính mong mỏi: "Kinh tế phải mạnh và có sự bồi dưỡng xứng đáng cho những người làm Toán, thì lúc đó, các nhà khoa học sẽ toàn tâm toàn trí cho nghiên cứu.

Người Việt Nam giỏi lắm, và tôi tin vào tầng lớp trí thức của chúng ta".

Cuộc trở về kỳ diệu sau 50 năm lưu lạc của cuốn luận án ám khói đạn bom - 21

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Sơn Tùng

Thiết kế: Tuấn Huy