DMagazine

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo

(Dân trí) - Đến với Toán học một cách tự nhiên, từ đó gắn chặt cuộc đời mình với nền giáo dục nước nhà, khi đã ở tuổi 90, GS.TSKH.NGND Hoàng Xuân Sính chưa thôi khát khao về giấc mơ giáo dục trọn vẹn.

Đều đặn 6 giờ mỗi ngày, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hoàng Xuân Sính thức dậy, ăn sáng với chế độ ít thịt, chủ yếu rau xanh và trái cây. Sau đó, bà tập thể dục. Ngay cả trong phòng làm việc ở cơ quan, cũng có một chiếc máy tập thể dục dành riêng cho bà.

Ở tuổi 90, bà Sính nói phải sống điều độ để giữ gìn sức khỏe và trí tuệ minh mẫn. 

Hai tiếng sau, nữ giáo sư ngồi vào bàn làm việc, giải quyết một số công việc trên máy tính hoặc qua điện thoại. Hàng chục năm qua, bà vẫn giữ thói quen đọc báo tiếng Pháp, nghiên cứu sách về giáo dục trong nước, trăn trở nền giáo dục Việt Nam "chưa được như mong muốn". 

"Chỉ có lúc ngủ, tôi mới thôi suy nghĩ về giáo dục", bà nói.  

Bà Hoàng Xuân Sính là nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam, cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris (Pháp) bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về Toán học, dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck.  

Bà được phong tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo nhân dân"; được Chính phủ Pháp tặng "Huân chương Cành cọ Hàn lâm" vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học Pháp - Việt. 

Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy Toán học, Giáo sư Hoàng Xuân Sính còn là người góp phần chủ yếu vào việc hình thành Giải thưởng Kovalevskaya trao tặng các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam. 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 1

Người ta vẫn cho rằng Toán học là ngành khoa học vừa khó, vừa khổ, không phù hợp với phụ nữ. Tại sao bà quyết định chọn học và gắn bó cả cuộc đời với Toán học?

- Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), ban Sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi được cậu ruột đón sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi lên Đại học, chuyên ngành Toán học. 

Lúc đó, tôi chọn khoa Toán, chứ không phải ngành sở trường của mình, theo quyết định của gia đình. Cha mẹ nói rằng nếu sau này muốn quay về xây dựng đất nước, thì phải học Toán và tôi đã nghe theo. 

Mọi người vẫn cho rằng Toán học là ngành khoa học vừa khó, vừa khổ, không phù hợp với phụ nữ, nhưng tôi học Toán một cách dễ dàng và tự nhiên, dường như Toán học đã chọn tôi. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Toulouse (Pháp), tôi đăng ký học lên Thạc sĩ Toán học, một cấp học khó thời đó, vì nhiều người "học đến bạc đầu" nhưng không đậu. Ở Pháp, chỉ có con cháu hai dòng họ danh giá Marie Curie và Langevin mới dám thi và có cơ may đỗ.

Nhưng với sự quyết tâm và bền bỉ, tôi đã làm được điều hiếm hoi đó, ở tuổi 26.

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 3

Khi tương lai khoa học tại Pháp đang rộng mở, điều gì đã thôi thúc một cô gái "học theo quyết định của gia đình" quyết tâm trở về Việt Nam?

- Điều đó xuất phát từ 2 tiếng gọi: Tổ quốc.

Tôi đã chọn con đường của nhiều trí thức yêu nước cùng thời, nhớ tới lời dạy của Bác Hồ đối với anh chị em Việt kiều: "Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ Nhân dân". Những lúc Tổ quốc gian khó nhất, là những khi Nhân dân cần chúng ta nhất. Tôi biết, trở về chính là yêu nước. 

Không đắn đo, không suy nghĩ, bỏ lại "nước Pháp phồn hoa với nhiều hoài bão", ba tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ, tôi về nước, với một vali quần áo và một hòm sắt sách vở. 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 5

GS Hoàng Xuân Sính, hiệu trưởng Đại học Thăng Long phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa đầu tiên (94-99).

Về nước, bà đã làm công việc gì? Mang danh là Việt kiều, bà có được hưởng đặc quyền gì không?

- Mong muốn của tôi là đi dạy, nên đã đến Bộ Giáo dục "xin việc", ưu ái được chọn một trong 3 trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng hợp hoặc Bách Khoa. 

Ở Pháp, Đại học Sư phạm được kính trọng vì thuộc hệ thống trường lớn (Grandes Écoles), tôi nghĩ ở Việt Nam cũng thế, nên đã chọn ĐH Sư phạm Hà Nội.

"Trường cách nhà 10km, chị có đi nổi không? Tôi cho chị 10 ngày suy nghĩ chín chắn", Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Giáo dục) khi đó nói với tôi. 

Đúng 10 ngày sau, tôi quay lại, chắc chắn với quyết định của mình. Những ngày sau, tôi mới thấm thía câu hỏi của ông Vụ trưởng. 

Hàng ngày, tôi dậy từ sáng sớm, đạp xe đi/về 20km, có ngày gấp đôi, họp đến 10 giờ đêm mới xong. Lớp học chỉ là nhà tranh vách đất, bắt đầu từ 6h30 trong ánh đèn le lói. Sinh viên đến lớp mùa đông với đôi chân trần, không áo ấm. Không micro, thầy cô giáo gân cổ nói từ bục giảng đến cuối phòng để toàn lớp đều nghe thấy. Không sách vở, thư viện hầu như không có sách, tất cả bài giảng đều do các thầy cô tự ghi chép. 

Cuộc đời nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 6

Nghĩ lại những năm tháng đời sống sư phạm khó khăn, tôi thấy lúc đó mình còn trẻ, nhiệt huyết và máu lửa, nên không sốc khi viễn cảnh khác xa với thực tế. Giáo viên chúng tôi không kêu ca, vì cùng chung suy nghĩ xây dựng để ngày mai Tổ quốc tốt đẹp hơn, Nhân dân hạnh phúc hơn.

Đó cũng là lý tưởng chung của thanh niên chúng tôi ngày đó, không phải của riêng tôi. 

Chiến tranh chống Mỹ, phải sơ tán, tôi vừa dạy học vừa làm luận án Tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của thiên tài toán học thế kỷ XX, nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck. Trong suốt 8 năm làm luận án, tôi chỉ nhận được 2 - 3 bức thư từ người thầy. 

Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, tôi đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức tại Vancouver (Canada).

Tháng 5/1975, tôi sang Paris, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Paris 7, trước đông đảo Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều. Đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 8

GS Hoàng Xuân Sính, GS toán học đầu tiên của Việt Nam trên trang bìa báo Phụ nữ Việt Nam.

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 9

GS Hoàng Xuân Sính năm nay 90 tuổi, chụp ảnh cùng gia đình.

Ngày về Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sư phạm, tôi đã đến gặp PGS.TS Lại Đức Thịnh, Chủ nhiệm Bộ môn Đại số (Đại học Sư phạm Hà Nội).

"Đã đến lúc, tôi phải nhường chỗ cho chị!", ông Thịnh nói. Quả thực, thời gian sau, ông xin từ chức, tôi lên thay trưởng bộ môn Toán. 

Với cương vị mới, tôi dốc sức đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ cho ĐH Sư phạm Hà Nội. Tôi lên danh sách, đánh giá trình độ của từng giảng viên, dìu dắt từng người làm luận văn. Tôi cũng tham gia viết chương trình cho bộ môn, phân công giảng dạy.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy công việc trưởng bộ môn thời đó thật nặng nề. Tôi chỉ hì hục làm về chuyên môn, không suy nghĩ gì khác. Bởi tôi cho đó là lẽ sống của mình.

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 10

Từ khi nào, bà bắt đầu nảy ra ý tưởng mở trường Đại học tư thục, nơi bà có thể thoải mái viết các chương trình giảng dạy?

- Năm 1988, trong lúc giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi nhận được thư của Giáo sư Bùi Trọng Liễu gửi về từ Pháp. Cùng lúc đó, 4 nhà khoa học danh tiếng khác trên cả nước cũng nhận được thư, gồm: GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Đình Chí và GS Bùi Trọng Lựu.

Trong thư, ông Liễu ngỏ ý mời 5 nhà khoa học cùng lập nên một trường Đại học tư nhân để khắc phục các nhược điểm của trường ĐH công lập trong hoàn cảnh bấy giờ.

Tôi đã cùng 4 nhà khoa học họp bàn về việc này. Ai cũng than khó. Nếu đưa chữ "tư thục" lên xin phép, chúng tôi lo ngại vừa bị từ chối, có khi lại ảnh hưởng đến sự nghiệp, đời sống cá nhân. 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 12

Bức thư của ông Hoàng Trọng Liễu gửi từ tháng 5, nhưng cả nhóm họp lên họp xuống, đến tận tháng 8 vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết. 

Tôi cảm thấy xấu hổ: "Ông Liễu ở nước ngoài còn đau đáu với sự nghiệp giáo dục trong nước, chẳng lẽ mình không làm được gì?". Thế là tôi đánh liều, viết thư gửi lên Bộ Đại học, xin mở trường Đại học tư thục. 

Bộ Đại học không trả lời. 

Không từ bỏ, tôi liều lĩnh một thân một mình đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xin mở trường Đại học nhưng không xin tiền Nhà nước. 

Tổng Bí thư đồng ý ngay. 

Thông qua Ban Khoa giáo Trung ương (hiện là Ban Tuyên giáo) và Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) sau đó mời tôi đến nói chuyện, nói rằng đồng ý cho mở trường.

Gặp phải khó khăn, lý do gì khiến bà kiên định với "trường học mơ ước" của mình đến thế?

- Tôi xin mở trường tư thục với hai lý do: giúp giảng viên bớt khổ, có thể sống bằng nghề của mình và thay đổi giáo trình giảng dạy, mang kiến thức du học nước ngoài truyền đạt tới các thế hệ sinh viên.

Ngày đó, nhiều giáo viên sư phạm phải đi làm thêm, tranh thủ buổi sáng làm bánh rán rồi rao bán suốt từ Cầu Giấy đến Bệnh viện Bạch Mai, rồi lên Văn Điển. Dầu nóng từ nồi bánh rán đổ vào ngực, gây bỏng nhưng cũng mặc kệ. Tối, họ lại bán chè đỗ đen. Gánh chè dưới ánh đèn dầu nhập nhèm, cố để sinh viên không thấy rõ mặt thầy cô. 

Chúng tôi khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Đi dạy mà còn phải lo toan bán hàng kiếm sống thì sao có thể dành tâm sức cho việc giảng dạy? Thực tế càng khiến tôi hun đúc về một "ngôi trường mơ ước", với kế hoạch 100 năm. Đây là kế hoạch phải thực hiện đủ mới có thể trở thành trường ĐH mang tầm quốc tế, cũng như trở thành ĐH đúng nghĩa mà tôi định hình. 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 14

GS Hoàng Xuân Sính tiếp đón Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười năm 2009.

Sau nhiều nỗ lực, ngày 15/12/1988, tôi nhận được giấy phép đồng ý thành lập Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (nay là Đại học Thăng Long). Lễ khai giảng đầu tiên của trường được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với sự góp mặt của nhiều nhân vật quan trọng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo quy định khắt khe ngày đó, mỗi người chỉ được thi ĐH duy nhất một lần, nếu trượt không được thi lại. Thời điểm đó, ngôi trường của tôi được xem như cánh cửa thứ hai cho những ai lỡ không may thi trượt ĐH công lập. 

Khóa đầu tiên của trường đón nhận nhiều sinh viên giỏi, thiếu 1, 2 điểm vào những trường ĐH danh tiếng lúc bấy giờ như Bách Khoa, Sư phạm… Họ được dạy cách "đứng lên ngay chính nơi mà mình gục ngã, để từ đó vươn tới thành công".

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 15

Đến bây giờ, sau 35 năm, khi có mặt tại Đại học Thăng Long, chúng tôi vẫn được nghe nhiều giai thoại về bà, như chuyện vừa là hiệu trưởng kiêm luôn lao công. Có bao nhiêu phần trăm xác tín trong những giai thoại này, thưa bà?

- Chuyện đó là đúng. Và kể cả câu chuyện trường tôi lấy học phí 10 cân gạo.

Thời gian đầu, trường hoạt động dựa vào nguồn tài chính của tôi và khoản tiền quyên góp từ Pháp. Tôi phải cân đo đong đếm rất nhiều, nếu lấy học phí thấp quá thì không thể chi trả các khoản, mà cao quá thì không ai theo học. 

Tôi tính rằng, thời đó, sinh viên đỗ hệ A các trường công lập thì được miễn học phí, hệ B thì phải trả học phí tương đương 9 cân gạo. Vậy, trường của tôi lấy học phí 10 cân gạo, để không quá chênh lệch.

Câu hỏi đặt ra là học phí tương đương 10 cân gạo có cao quá với người dân hay không? 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 17

Tôi lại làm một phép tính khác. Nhà tôi được cấp 13 cân gạo thì chỉ ăn hết 8 cân, còn thừa phiếu 5 cân gạo, có thể đem đi đổi ở chợ đen phục vụ nhu cầu sinh hoạt khác. Vậy trong một gia đình, cứ hai người thì mỗi tháng thừa 10 cân gạo, bán đi là đủ đóng học phí cho con em mình. 

Từ khoản học phí, tôi đã quy tụ những giáo sư đầu ngành để cùng thực hiện ước mơ của mình, trả cho họ 5 USD/giờ, so với các trường khác lúc bấy giờ là ở mức cao. 

Tuy nhiên, sau 3 năm, những người bạn tại Pháp không còn đủ sức gồng gánh để viện trợ cho trường, tôi rơi vào đường cùng, là "một bài toán khó" mà chưa thể tìm ra cách giải ngay lập tức. Giai đoạn đó quá khó khăn.

Bà đã làm cách nào để ước mơ lớn nhất đời mình có thể tồn tại trong thời cuộc khó khăn khi đó? 

- Tôi tự huy động mọi nguồn tài chính của mình, đồng thời sang Pháp kêu gọi quyên góp. Đó là những ngày tôi lang thang khắp đường phố Paris, vừa đói vừa mệt, mặt mũi bơ phờ. Nhưng tôi không cho phép bản thân dừng lại, bởi "nếu đóng cửa trường học, sinh viên sẽ đi về đâu?". Tôi phải có trách nhiệm, mà phụ huynh cũng bắt tôi chịu trách nhiệm.

Sau khi giải quyết được vấn đề tài chính, tôi và trường học tiếp tục đối diện một vấn đề cũng cam go không kém, chính là địa điểm. Trường phải đi thuê và chuyển hàng chục nơi, "đếm không xuể", cứ 6 tháng đến một năm lại phải dọn đi. 

Ngôi trường nhỏ bé, lụp xụp ở trong những con ngõ, con hẻm mà hai người đi xe máy không vừa, khác xa với kỳ vọng của tôi về "ngôi trường mơ ước".

Có những ngày, không đủ trả tiền cho lao công, tôi đến trường từ 6 giờ sáng để quét lớp. Sinh viên trông thấy hiệu trưởng trong dáng hình lao công thì không nhịn được mà bật cười. Không quát mắng, tôi chỉ nghiêm khắc: "Các em cầm chổi, quét cùng tôi".

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 19

Đầu năm 1993, bà Danielle Mitterrand, phu nhân Tổng thống Pháp François Mitterrand, sang thăm trường. Trong đoàn ra đón phu nhân ở sân bay, tôi đi một đôi sandals được em gái tặng nhưng không lâu sau bị đứt quai trước. Một tay cầm dép, tôi bước đi khập khiễng, may sau đó tìm được một đôi dép lê đi tạm. 

Trước hôm bà Danielle Mitterrand đến trường, cán bộ an ninh Việt Nam và Pháp tiến hành rà mìn, huy động đội ngũ an ninh và hộ tống đông đảo. 

Thú thực, tôi sợ bẽ mặt trước phu nhân tổng thống Pháp vì tình trạng tồi tàn của lớp học. Muỗi bay khắp nơi, nhà vệ sinh chỉ là khu vực được quây hàng rào gạch, cả nam lẫn nữ dùng chung. 

Khi đứng trên bục đọc diễn văn chào mừng, tôi chỉ sợ phu nhân đòi đi vệ sinh thì… không biết trả lời ra sao. May mắn, buổi gặp gỡ đã diễn ra thành công tốt đẹp, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao ngày xưa tôi lại tự tin mở trường đến thế. Tôi sống được, chắc là nhờ tự tin. 

Hai năm sau khi lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có quy chế Đại học dân lập tạm thời và tôi mới được "cởi trói", tiếp tục kiên định với kế hoạch 100 năm. 

Trong cả cuộc đời làm giáo dục, điều bà tự hào nhất là gì? Mong muốn của bà đối với nền giáo dục Việt Nam?

- Ở tuổi 90 tuổi, dành trọn cả cuộc đời làm giáo dục, điều tự hào nhất, là trong 42 năm (1960 - 2002) công tác tại trường ĐH Sư Phạm, tôi đã xây dựng được chương trình chuyên môn cho từng giảng viên, để mỗi người có lộ trình riêng phát triển bản thân. 

Bây giờ, khi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long, thỉnh thoảng, tôi đến trường, tham dự các cuộc họp giao ban. 

Tại đây, tôi vẫn nói với mọi người, rằng chưa bao giờ hết lo lắng cho giáo dục Việt Nam. Bởi còn lo lắng, là tôi còn trăn trở, còn cố gắng, còn khát khao: "Một ngày nào đó, sinh viên Việt Nam sẽ được hưởng nền giáo dục tốt nhất, phát triển trọn vẹn tài năng của mình". 

Nữ giáo sư toán đầu tiên của Việt Nam kể chuyện đóng học phí bằng 10kg gạo - 21

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Minh Đức, Nhân vật cung cấp

Thiết kế: Đỗ Diệp