Cùng lúc giành học bổng toàn phần 3 trường đại học nổi tiếng thế giới

Vẻ bề ngoài điềm đạm, ít nói, song Lê Nguyên Vương Linh (SN 1995) đã khiến nhiều người phải nể phục khi cùng lúc giành học bổng toàn phần 3 trường ĐH nổi tiếng thế giới: National University (Singapore), ĐH Louis-Le-Grand (Pháp) và ĐH Colgate (Mỹ).

Cuối cùng Linh đã chọn trường ĐH Colgate (New York, Mỹ) với mức học bổng lên tới 62.000 USD/năm để học tập.  
 
Linh sẽ lên đường sang Mỹ du học trong tháng 8 này.
 
Trước đó, khi đang là học sinh lớp 9 trường Hà Nội Amsterdam, Linh đã giành học bổng A*Star của Singapore. 
 
Cùng lúc giành học bổng toàn phần 3 trường đại học nổi tiếng thế giới
Vương Linh (đeo kính, đứng giữa) tại buổi tọa đàm trực tuyến về bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên Tiền Phong Online năm 2007. (Ảnh: TPO)

Bốn năm học tại Trường trung học Anglo Chinese School, cậu học sinh Việt Nam đã khiến bạn bè quốc đảo sư tử phải thán phục khi lần lượt giành nhiều giải thưởng xuất sắc tại các kỳ thi quốc gia của Singapore như: Năm 2010, Huy chương vàng Toán quốc gia Singapore; Huy chương bạc Hóa quốc gia; Năm 2011, Huy chương vàng Hóa quốc gia; Huy chương vàng Vật lý quốc gia; năm 2012, Huy chương Vàng Hóa quốc gia, Giải nhất cuộc thi trồng lúa của Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI.

Giỏi đều tất cả các môn nhưng Linh có đam mê đặc biệt với Toán, Lý, Hóa và Ngoại ngữ. Năm 2013-2014, Linh kết thúc chương trình trung học với bằng tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate) tại Singapore với số điểm gần tuyệt đối 44/45.

Điểm thi SAT (Scholastic Aptitude Test – Chuẩn đánh giá năng lực học sinh để vào học bậc đại học của Mỹ) của Linh lần lượt là 2330/2400 với SAT1 và đạt tuyệt đối 2400/2400 với SAT2. Trong khi đối với học sinh Mỹ, điểm SAT trung bình để được vào học đại học chỉ cần 1700-1900 điểm.
Vương Linh (giữa) cùng bố và thầy giáo Trần Phương (bên phải)
Vương Linh (giữa) cùng bố và thầy giáo Trần Phương (bên phải).

Từ trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu…

Ông Lê An Vương, bố Linh cho biết, ngay từ bé Linh đã có khả năng ghi nhớ rất tốt. Khi mới hơn 2 tuổi, Linh đã nhớ được gần 200 thủ đô và quốc kỳ của các nước trên thế giới.

Lên 6 tuổi, do nhà ở gần trường Nguyễn Đình Chiểu (trường dành cho học sinh khiếm thị) nên bố mẹ Linh đã xin cho con vào học trường này với mục đích đi lại cho tiện.

“Mỗi giờ ra chơi, em lại dắt các bạn ra sân, kể cho các bạn nghe những điều họ không nhìn thấy”, Linh nhớ lại những kỷ niệm đẹp trong quãng thời gian 5 năm học tiểu học tại ngôi trường đặc biệt này. 

Không học thêm ở bất cứ đâu, cả tuổi thơ làm bạn với các bạn khiếm thị, chỉ làm những bài tập nâng cao do cô giáo chủ nhiệm giao, ấy vậy mà hết lớp 5 Linh thi đỗ ngay vào trường Hà Nội Amsterdam với số điểm cao thứ 3 trường (27,5/30 điểm).

…tới ĐH danh giá thế giới

Ông An Vương chia sẻ, tuy con trai giành học bổng toàn phần một trường THPT tư nhân danh giá ở Singapore với học phí mỗi năm tới hàng chục ngàn USD, song gia đình vẫn phải trăn trở ghê lắm mới quyết định cho Linh sang Singapore với cuộc sống hoàn toàn tự lập.

Vào lớp mới với 20 thành viên, Linh là thành viên duy nhất đến từ Việt Nam, chỉ mất 2 tháng Linh đã hòa nhập được môi trường mới để luôn đứng đầu bảng của lớp chuyên về khoa học. Mỗi lớp học chỉ khoảng 15 - 20 học sinh, nên giữa học sinh và giáo viên có nhiều thời gian để hỏi - đáp bài hơn. 

Thời gian học cũng căng thẳng hơn. Linh kể, “lớp thường vào học từ 8 giờ sáng đến 4 giờ 20 chiều, học sinh chỉ được nghỉ 40 phút ăn trưa”. Ngoài các kỳ thi quốc gia, quốc tế thì điều Linh thích thú nhất trong suốt 4 năm học ở xứ người là được làm thực nghiệm rất nhiều, và thực nghiệm cũng được đưa vào các kỳ thi bắt buộc.
 
Lê Nguyên Vương Linh năm 2014
Lê Nguyên Vương Linh năm 2014.

Thông thạo tiếng Anh và Pháp, Linh dự định khi sang Mỹ sẽ học thêm tiếng Nhật và Tây Ban Nha. Chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ, Linh chia sẻ, ngoài đam mê cần sự chăm chỉ học từ vựng mỗi ngày. 

“Đọc sách báo, xem tivi, học qua các bài hát hay học theo các phần mềm về ngoại ngữ trên mạng cũng đều là những cách học hiệu quả”, Linh tiết lộ. 

Sau nhiều năm học, Linh nhận thấy, cách giáo dục ở Singapore có nhiều điểm khác biệt và nội dung khoa học tự nhiên rộng hơn, mang tính ứng dụng cao hơn ở Việt Nam. 

Linh nói, “trong khi chương trình học ở Việt Nam nặng về công thức, tính toán thì ở đó họ thiên về giải thích các hiện tượng liên quan đến đời sống”.

Điềm đạm, ít nói nhưng rất hâm mộ ca sỹ Lady Gaga. Linh lý giải, cô ca sỹ gây sốc này luôn dám thực hiện các ý tưởng của mình mà không cần để ý đến dư luận xung quanh. Với một người trẻ theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học như Linh, việc táo bạo thực hiện các ý tưởng có thể đem đến một kết quả đột phá nào đó. Linh cho biết, mơ ước của mình trở thành nhà khoa học nghiên cứu các ứng dụng liên quan đến sinh học hoặc năng lượng.

Trường ĐH Colgate (Mỹ), một trong những trường ĐH top 5 của Mỹ chỉ chú trọng đào tạo hệ ĐH với học phí cao ngất ngưởng là mơ ước của nhiều học sinh cũng là lý do để Linh lựa chọn ngành Hóa để theo học.

Năm 2007, sau khi theo học lớp Toán đặc biệt của thầy Trần Phương (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ) Linh cùng 4 học sinh lớp 6 khác đã khiến cộng đồng dậy sóng khi giải bay đề thi Đại học môn Toán khối B trên Tiền Phong Online với số điểm từ 7,75 đến 8,25/10 (Linh đạt 7,75 điểm).

Thời điểm đó, báo Tiền Phong đã tổ chức một cuộc tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của thầy giáo Trần Phương và 5 học sinh nói trên, trong đó có Linh, để bàn về chủ đề “Bồi dưỡng nhân tài, cách nào?”.

 

Theo Nguyễn Hà - Hà Linh

Tiền Phong
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm