Cử nhân Trung Quốc dấn thân “làm ông chủ”
(Dân trí) - Không còn lo lắng chạy đôn chạy đáo xin việc, cũng chẳng mảy may căng mắt tìm kiếm tin tuyển dụng, nhiều sinh viên Trung Quốc đang chọn “con đường” đầy mạo hiểm nhưng tự do hơn: Làm ông chủ của chính mình!
Với 2 ngày làm việc và 5 ngày nghỉ mỗi tuần, Liu Tiancong đang tận hưởng một cuộc đời mà bố mẹ cô không bao giờ tưởng tượng được.
Năm nay 23 tuổi, Liu thấy hài lòng với công việc là một giáo viên dạy đàn violon tư nhân tại Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ning phía Đông Bắc Trung Quốc.
“Tôi yêu các học sinh của mình, thu nhập cũng không đến mức tồi tệ và tôi thì có rất nhiều thời gian để đi tham quan mọi nơi”, Liu nói. Liu vừa tốt nghiệp Học viện âm nhạc Thẩm Dương cách đây mấy tháng.
Ngày nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp các đại học ở Trung Quốc lên phương án khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh của riêng mình hoặc làm tư khi thị trường lao động việc làm đang ngày càng trở nên trì trệ dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính.
Năm 2008, Trung Quốc có 5,29 triệu sinh viên ra trường và khoảng 86% trong số họ đã tìm được việc làm vào đầu năm 2009.
Việc làm linh hoạt là điều hiếm nghe thấy một thập kỉ trước khi nhiều người vào thời điểm đó yêu thích một công việc đem lại miếng cơm manh áo ổn định trong một đất nước mang lịch sử của nền kinh tế có kế hoạch.
Theo một cuộc điều tra mới đây do Bộ Giáo dục Trung Quốc thực hiện trên 16.000 sinh viên của 117 trường đại học khắp cả nước thì có khoảng 75% sinh viên tốt nghiệp “nhảy” ngay vào con đường kinh doanh riêng của họ, mặc dù chưa đến 2% trong số đó thực sự hiểu rõ ước mơ của mình.
Trong trường hợp của Liu, cha mẹ cô đã hỗ trợ để Liu nghỉ việc ở một cửa hàng bán nhạc cụ âm nhạc tại Bắc Kinh để làm công việc giáo viên dạy nhạc tư nhân tại Thâm Dương.
“Bố mẹ tôi đã từng bị sa thải khỏi các doanh nghiệp nhà nước, do đó, họ không nghĩ điều quan trọng là phải có một công việc ổn định”, Liu nói.
Năm 2003, con số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc tăng đột biến. Thời điểm đó, chính phủ nước này đã khuyến khích hơn 2 triệu cử nhân này tìm công việc linh động bằng cách mở các doanh nghiệp riêng nếu thấy cần thiết.
Năm nay, tại Thẩm Dương, nơi Liu đang sống và làm việc có 94.000 sinh viên ra trường. 17% trong số đó đã 15.991 công việc linh động, một con số thật khủng khiếp so với 2.000 người có công việc linh động cách đây 4 năm.
“Tất cả sinh viên tốt nghiệp đều quen với việc ra trường và đi tìm việc làm. Nhưng hiện nay mọi chuyện đã thay đổi”, Liu Hongwei, giáo sư tại Học viện Mỹ thuật Luxun tại Thẩm Dương cho biết.
Giáo sư Liu tốt nghiệp Học viện nghệ thuật và thiết kế Tsinghua vào năm 1982. Năm nay, học viện có 787 sinh viên ra trường nhưng có đến 78% trong số học lựa chọn công việc linh động.
Bên cạnh áp lực của thị trường việc làm trì trệ, trên thực tế, giới trẻ Trung Quốc ở thời điểm hiện tại có cái nhìn thoáng hơn và sẵn sàng đối mặt với thách thức là một lý do khác để lý giải hiện tượng con số người làm công việc linh động tăng nhanh, ông Feng Lianqi, lãnh đạo cục cán bộ thành phố Thẩm Dương khẳng định.
Ông Feng cũng cho biết hầu hết những người làm công việc linh hoạt ở thành phố là giáo viên tư, huấn luyện viên phòng tập thể dục, thiết kế, diễn viên, người chủ trì các đám cưới và các chủ cửa hàng trực tuyến.
Việc làm linh động rất có tiềm năng phát triển lớn ở Trung Quốc do nền kinh tế phát triển, Lin Muxi, một giáo sư của trường đại học Liêu Ninh khẳng định. Ông Lin cũng cho biết tại Ấn Độ những người làm việc linh động chiếm đến 90% người lao động và ở Mỹ, dự kiến sẽ có đến 60% người lao động theo xu hướng này trong hai thập kỉ tới.
Giáo sư Lin nhấn mạnh công việc linh động của tầng lớp sinh viên sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp dịch vụ hiện đại và tạo ra nhiều việc làm mới.
Võ Hiền
Theo China.org