Covid-19 phức tạp: Con thi chuyển cấp, phụ huynh "đứng ngồi không yên"

Thảo Trang Phương Hoa

(Dân trí) - "Như ngồi đống lửa", "lo sốt vó"... là những cụm từ miêu tả một cách chân thực tâm trạng của các bậc phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Ngày 4/5, hàng vạn học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái, Quảng Nam… đã buộc phải kéo dài kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 do xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác phòng chống dịch.

Covid-19 phức tạp: Con thi chuyển cấp, phụ huynh đứng ngồi không yên - 1

Dịch Covid-19 phức tạp, hàng loạt tỉnh thành kích hoạt chuyển học trực tuyến.

Phụ huynh "đau đầu"

Quyết định cho học sinh tạm nghỉ học tại một số tỉnh, thành trên cả nước được đánh giá là hợp lý, linh động, nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em trong bối cảnh dịch Covid-19 lại đang có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhiều cấp học đang ráo riết bước vào kỳ thi cuối năm. Do đó, các bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có con em tham dự kỳ thi chuyển cấp sắp tới, tỏ ra vô cùng lo lắng.

Có con trai đang theo học lớp 5 tại một trường tiểu học tại tỉnh Vĩnh Phúc, chị Triệu Thị Hoa hoang mang khi đón nhận thông tin các em học sinh phải nghỉ học do Covid-19.

"Theo kế hoạch thì ngày 10/5 sắp tới, con tôi sẽ bước vào kỳ thi khảo sát chất lượng toàn tỉnh Vĩnh Phúc, và ngay sau đó là bài kiểm tra cuối kỳ. Chúng tôi đang lo tình hình dịch bệnh kéo dài, học sinh phải nghỉ học ở nhà thì làm sao kiểm tra được" - chị Hoa trải lòng.

Không chỉ lịch thi bị xáo trộn, một vấn đề cũng khiến chị Hoa "đau đầu" không kém đó chính là việc học online của con trai. "Dù đã trải qua 2 lần học online trước đó, song tôi vẫn không thể hoàn toàn yên tâm được. Học online, thiếu đi sự kiểm soát của giáo viên, hiệu quả học tập của con tôi giảm sút rõ rệt. Các cháu mới vào lớp 5, vẫn chưa thực sự tự giác và tập trung khi học qua màn hình máy tính; nhất là khi phụ huynh chúng tôi vẫn phải đi làm, không thể lúc nào cũng ở bên con trong quá trình học".

Những năm trước, tháng 2 là khoảng thời gian học sinh cuối cấp bắt đầu chạy nước rút. Các em phải nỗ lực hết mình trong cuộc đua khốc liệt này, với mong muốn có được tấm vé vào ngôi trường mình mong ước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã không ít lần chặn ngang con đường chạy đua của các em học sinh.

Anh Phan Thanh Trung, phụ huynh ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng không giấu được sự lo lắng khi nghe tin các con sẽ tạm dừng đến trường, thay vào đó là học online tại nhà do dịch Covid-19 bùng phát.

Anh Trung phân tích: "Năm nay, con tôi thi tuyển sinh vào lớp 10. Kỳ thi chuyển cấp đang đến rất gần, trong khi đó, một ngày các con chỉ học online được 2-3 tiết theo chương trình của nhà trường. Thời gian học không nhiều, các lớp luyện thi phải tạm nghỉ, mức độ tiếp thu không bằng trên lớp nhưng tỉnh vẫn giữ nguyên việc thi 5 môn cho kỳ tuyển sinh lớp 10. Đặc biệt là khi con tôi đang có ý định thi vào trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc thì mọi thứ đang trở nên vô cùng khó khăn".

Covid-19 phức tạp: Con thi chuyển cấp, phụ huynh đứng ngồi không yên - 2

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến phụ huynh "đau đầu" khi con thi đầu cấp.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu (Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chị như "ngồi trên đống lửa" khi biết tin học sinh toàn thủ đô sẽ nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.

"Tôi đã chuẩn bị cho con một lịch trình ôn luyện chi tiết và đầy đủ để con có thể thi vào ngôi trường đại học con mơ ước. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã phá vỡ hết kế hoạch ôn luyện của con. Tôi rất lo lắng khi bây giờ đang phải học online, mà phương pháp này thì sao có thể hiệu quả bằng đến lớp, thầy cô giảng dạy trực tiếp được" - chị Thu giãi bày.

Không chỉ phụ huynh, học sinh cuối cấp lo lắng, nhiều giáo viên cũng "đứng ngồi không yên". Cô Dung (giáo viên một trường tiểu học tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, cô và đồng nghiệp khá lo lắng vì theo lịch thì 10/5 sắp tới, các em học sinh tại Vĩnh Phúc sẽ có kỳ thi khảo sát chất lượng trên trên toàn tỉnh. Thời gian nước rút này, việc dạy online được coi là một thử thách lớn với cô và nhà trường bởi trong lớp vẫn còn nhiều học sinh có học lực trung bình, yếu; trong khi đó, dạy online khiến cô không thể sát sườn kèm cặp các em.

Tuy nhiên, cô Dung cho rằng, nếu giáo viên, học sinh và phụ huynh chủ động, tích cực hơn nữa, chất lượng học online sẽ được cải thiện.

"Không thể đến trường giảng dạy và học tập trực tiếp, nhưng theo tôi, đây là thời điểm tốt để các em học sinh nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, tôi mong, dưới sự quan tâm, hỗ trợ của phụ huynh, các em học sinh sẽ chủ động học, đặt kế hoạch, mục tiêu cụ thể để ôn tập. Về phía giáo viên, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cao chất lượng bài giảng trực tuyến để việc học được hiệu quả hơn", cô Dung nhắn nhủ.

Lo lắng nhưng phải bình tĩnh

Học sinh phải học trực tuyến là điều không ai mong muốn, nhưng để đảm bảo sức khỏe và đúng chương trình học thì đây vẫn được xem là giải pháp tối ưu nhất.

Một chuyên gia giáo dục chia sẻ, lo lắng là điều dễ hiểu, tuy nhiên, phụ huynh vẫn phải thật bình tĩnh. Việc quan trọng nhất bây giờ là phải cố gắng tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Phụ huynh nên kết hợp chặt chẽ với nhà trường để giữ cho con tâm lý thoải mái.

"Dù lo lắng việc học online không đảm bảo chất lượng, nhưng tôi vẫn không ép cháu học quá nhiều, bởi tôi nghĩ điều đó sẽ bị phản tác dụng. Tôi thường cho cháu học tập kết hợp với thời gian nghỉ ngơi để con có được tâm trạng thoải mái nhất khi ngồi vào bàn học" - chị Triệu Thị Hoa chia sẻ.

Cũng như bao bậc phụ huynh khác, anh Phan Thanh Trung bày tỏ mong muốn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi - "Nếu trường hợp phải nghỉ học lâu hơn dự kiến thì tôi mong các thầy cô sẽ gửi cho các cháu nhiều đề thi thử hơn để các cháu có động lực hơn trong việc tự học, tự nghiên cứu".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm