Công trình nghiên cứu của giảng viên Việt nhận bằng sáng chế của Mỹ
(Dân trí) - Một nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa đăng ký thành công bằng sáng chế Mỹ liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học.
Sau 3 năm đăng ký, công trình nghiên cứu "Mixture of cell extract and method for site-directed cloning" (dịch là: Hỗn hợp dịch chiết tế bào và phương pháp tạo dòng chuyên biệt vị trí) của nhóm nghiên cứu thuộc khoa Sinh học-Công nghệ sinh học và Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ.
Công trình nghiên cứu này được biết sẽ mang tính mới về công nghệ, đột phá về hiệu quả và hứa hẹn tiềm năng thương mại hóa một sản phẩm có tính cạnh tranh với các sản phẩm hiện có trên thị trường.
Các tác giả nghiên cứu của công trình này gồm: PGS.TS Đặng Thị Phương Thảo, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học phân tử và môi trường khoa Sinh học - công nghệ sinh học; GS.TS Trần Linh Thước, Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ - sinh học phân tử. Hai thành viên còn lại cũng thuộc phòng thí nghiệm trên gồm: Ths. Nguyễn Thị Mỹ Trinh (nhóm hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học) và Nguyễn Hiếu Nghĩa (nhóm nghiên cứu Công nghệ gen và ứng dụng).
Theo thông tin từ trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, tạo dòng DNA (DNA cloning) là kỹ thuật cơ bản và được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học hiện đại. Các ứng dụng của tạo dòng DNA trong nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu chức năng gen, sinh dược, nâng cao năng suất cây trồng…
Trong đó, riêng trong nghiên cứu chức năng gen, phương pháp tạo dòng DNA được ứng dụng trong các nghiên cứu cơ bản để tăng cường hoặc giảm bớt sự biểu hiện của một gen nhằm đánh giá được chức năng của gen đó. Đây là một bước thực nghiệm tiên quyết của các nghiên cứu để hiểu cơ chế phát sinh bệnh, bao gồm bệnh ung thư, bệnh lão hóa, và nhiều bệnh khác. Đồng thời là các nghiên cứu tìm ra phương pháp chẩn đoán bệnh và các phương pháp điều trị bệnh.
Với sinh dược, tạo dòng DNA được ứng dụng trong việc sản xuất protein được sử dụng làm thuốc. Với ứng dụng nâng cao năng suất cây trồng, tạo dòng DNA được ứng dụng trong việc phát triển các loài thực vật có khả năng chống chịu điều kiện khắc nghiệt tốt và cho năng suất cao.
Để làm được điều đó, các gen liên quan đến tính kháng mặn, kháng sâu bệnh và các gen liên quan đến chất lượng hoa quả được tạo dòng và đưa vào bộ gen của thực vật nhằm tạo ra cây có đặc tính tốt và năng suất cao.
Từ những ví dụ về các ứng dụng của phương pháp tạo dòng DNA cho thấy, tạo dòng DNA được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong hầu hết các nghiên cứu và ứng dụng về sinh học, công nghệ sinh học hiện nay.
Do đó, kit tạo dòng là một trong các kit thường dùng của hầu hết các phòng thí nghiệm công nghệ gen tại Việt Nam và trên thế giới.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu, sản phẩm giúp giải quyết vấn đề khó khăn về nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu tạo dòng gen tại Việt Nam, thay thế các sản phẩm nhập từ nước ngoài. Sản phẩm giúp giảm chi phí nghiên cứu khoảng 5-6 lần/kit, từ 50-60 triệu đồng xuống 10 triệu đồng/ 100 phản ứng.
Ngoài ra, việc ra đời một sản phẩm trong nước với hiệu quả tương đương sản phẩm nước ngoài còn giúp thúc đẩy nhanh các tiến trình nghiên cứu trong CNSH vì giảm được thời gian đặt hàng (thường là 6-8 tuần), đây là một trong các yếu tố trở ngại làm giảm hiệu suất nghiên cứu và kìm hãm khả năng phát triển nghiên cứu tại Việt Nam trước đây.
Được biết, đây là 2 trong 5 công trình nghiên cứu do ĐH Quốc gia TPHCM phê duyệt tiến hành đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ được công nhận trong năm 2021. Công trình được cấp bằng sáng chế của Mỹ trước đó, do PGS.TS Phạm Trần Vũ - trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) và cộng sự nghiên cứu.
Trong năm 2021, TS Nguyễn Thanh Bình thuộc ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cũng có một bằng sáng chế được cấp tại Mỹ liên quan đến việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sợi vải tự động trong lĩnh vực may mặc bằng cách sử dụng máy đo quang phổ.