Công nghệ giáo dục giúp phát triển tư duy ngôn ngữ cho trẻ tại CGD School
(Dân trí) - Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội (CGD School) có 10 năm triển khai phương pháp công nghệ giáo dục, phát triển tư duy ngôn ngữ, năng lực viết và cảm thụ văn học cho học sinh.
Tiếng Việt lớp 1: Tư duy ngôn ngữ khoa học, nền tảng vững chắc
Đại diện CGD School cho biết, phương pháp dạy học tiếng Việt theo công nghệ giáo dục (CGD) là phương pháp học tập khoa học.
Theo đó, học sinh học tiếng Việt qua "hệ thống việc làm" và "thao tác việc làm". "CGD không để trẻ làm quen với chữ cái và học thuộc các cách ghép vần một cách máy móc", cô Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng CGD School chia sẻ.
Cô Phạm Thị Thu Trang, giáo viên tiếng Việt lớp 1, CGD School giải thích thêm: "Dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục CGD được tổ chức bằng quy trình: chiếm lĩnh ngữ âm, viết, đọc, viết chính tả. Để chiếm lĩnh ngữ âm, học sinh sẽ học cách phát âm đúng, sau đó thực hiện các thao tác phân tích tiếng bằng tay; vẽ mô hình; phân tích mô hình và đưa tiếng vào mô hình. Thao tác đơn giản, dễ làm, dễ hiểu, học sinh nào cũng làm được, học được, hiểu sâu, nhớ lâu".
Phương pháp công nghệ giáo dục giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh, tạo sự gắn kết gần gũi trong gia đình bằng những bài tập về nhà khác biệt.
"Khi vào lớp 1, con chỉ mới thuộc bảng chữ cái, không được đi học trước. Bây giờ, con đã có thể đọc, viết tốt, biết cách kể chuyện sáng tạo. Bài tập về nhà của con là kể chuyện ở trường, đọc sách cùng bố mẹ, vậy là gia đình mình có thời gian để trò chuyện, đọc sách và có những giây phút gắn kết bên nhau", phụ huynh Trần Vân Anh lớp 1A2 chia sẻ.
Công nghệ giáo dục phát triển năng lực viết và cảm thụ văn học, nói không với "văn mẫu"
Với nền tảng ngữ âm tiếng Việt vững chắc từ lớp 1, học sinh lớp 2 dựa vào phương pháp phân tích tiếng để tạo nên sản phẩm học tập.
"Học sinh lớp 2 tập sáng tác đồng dao bằng cách tạo ra những câu có vần, nhịp hấp dẫn, vừa chơi vừa học bằng 4 thao tác đọc, tìm vần, tìm từ và viết nối tiếp vào câu cho trước. Từ đó hình thành kỹ năng, thao tác cơ bản để học sinh biết cách học văn", cô Đoàn Phương Anh, trưởng khối tiếng Việt khối 2 chia sẻ.
Theo đại diện CGD School, tính ứng dụng trong dạy tiếng Việt theo phương pháp công nghệ giáo dục giúp học sinh tiểu học có nền tảng tiếp cận môn văn từ bậc tiểu học. Học sinh vận dụng ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để diễn đạt rung cảm trước tác phẩm và viết được những bài cảm thụ văn học hấp dẫn, chân thật.
"Các em được trang bị thao tác, kỹ năng cơ bản tiếp cận tác phẩm; được bồi dưỡng phẩm chất nhân văn, nâng cao năng lực biểu đạt ngôn ngữ", cô Phạm Thị Thùy Liên, Tổ trưởng tổ tiếng Việt chia sẻ.
Tiếng Việt theo phương pháp công nghệ giáo dục, giúp học sinh biết cách học và sáng tạo, phát triển trí tưởng tượng và mỗi sản phẩm học tập đều mang đậm dấu ấn cá nhân, chiều sâu tâm hồn của mỗi học sinh.
"Các con tự do sáng tạo, không bị cắt xén theo khuôn mẫu, nên lời văn của các con vừa giàu hình ảnh, vừa ngộ nghĩnh đáng yêu. Các con không chỉ học để đọc thông viết thạo, mà còn được phát triển trí tưởng tượng, vốn từ và ươm mầm năng lực văn qua hoạt động trải nghiệm", phụ huynh Nguyễn Kim Chung chia sẻ.
Phát triển toàn diện tư duy ngôn ngữ thông qua dự án, trải nghiệm
"Học tiếng Việt ở CGD là để dùng và dùng trong chính cuộc sống hàng ngày của các em", cô Nguyễn Hồng Thúy nhấn mạnh.
CGD School tập trung xây dựng chương trình, dự án và trải nghiệm ngôn ngữ, phát triển toàn diện năng lực biểu đạt và phẩm chất nhân văn như: dự án đọc sách, "Văn vui vẻ", sân khấu hóa tác phẩm văn học, sáng tác thơ văn…
Văn hóa đọc, hành trình đọc - chia sẻ sách, thử thách đọc sách và thuyết trình, mừng tuổi thư viện - lì xì sách... giúp học sinh CGD hun đúc tình yêu đọc sách và phát triển năng lực tự học - kỹ năng quan trọng ảnh hưởng đến sự học suốt đời của mỗi người.
Học sinh nhập vai nhân vật văn học từ các tác phẩm truyền thống đến các tác phẩm hiện đại: Bố tốt - Bố xấu; Hoàng tử bé, Người mẹ hay tự do sáng tạo ra cái kết mới mang lại cho học sinh CGD School nhiều cảm xúc và những bài học ý nghĩa của cuộc sống.
"Tình cảm tạo ra nguồn năng lượng. Từ nguồn năng lượng đó, trí tuệ tạo ra sức mạnh. Phương pháp công nghệ giáo dục trang bị cho học sinh kiến thức nền tảng chắc chắn, thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ để biết biểu đạt ý kiến, cảm nhận của bản thân trong nhiều khía cạnh của cuộc sống tại trường, ở nhà và xã hội; biết độc lập, khám phá bản thân thông qua việc làm cụ thể; biết yêu thương và được yêu thương. Tất cả tạo nên đời sống tinh thần khỏe mạnh, chất xúc tác nuôi dưỡng trái tim ấm áp, nguồn năng lượng tích cực để học tập hạnh phúc và phát triển toàn diện", cô Nguyễn Hồng Thúy chia sẻ.