Hàng loạt vụ “bạo hành” trong nhà trường:

Công đoàn giáo dục đang ở đâu?

(Dân trí) - Nhìn nhận dưới góc độ nghề nghiệp, luật pháp về hàng loạt vụ vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian gần đây, GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn trong công cuộc vận động “nói không với tiêu cực” mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện vì đây cũng chính là tiêu cực.

Là một nhà giáo, ông có suy nghĩ gì trước một loạt vụ việc vi phạm đạo đc nhà giáo trong thời gian gần đây?

 

Tôi cho rằng đây là những hiện tượng đáng buồn, rất đáng lên án. Phải nói rằng, tiêu cực không chỉ có trong ngành giáo dục và cũng không phải tất cả nhà giáo hay phần đông nhà giáo là như vậy. Phần lớn các nhà giáo vẫn tận tụy với nghề, đã và đang hy sinh nhiều thứ cho học sinh, nhất là đối với những giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo biên giới. Đó vẫn là âm hưởng chính trong vận động của giáo giới.

 

Tuy nhiên, trước những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề đạo đức nhà giáo một cách nghiêm túc hơn trong công cuộc vận động nói không với tiêu cực mà Bộ GD-ĐT đang đề ra vì đây cũng chính là tiêu cực. Hơn nữa, hậu quả của nó rất nghiêm trọng.

 

Vậy dưới con mắt của nhà làm luật, ông nhìn nhận những vụ việc này như thế nào?

 

Những vụ việc xảy ra trong thời gian qua thể hiện, trước hết là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhà giáo còn thấp, rất thấp. Những vụ việc gần đây như truy bức học sinh, túm toc học sinh là những việc hoàn toàn không đúng với phẩm chất của nhà giáo và các quy định trong Luật giáo dục.

 

Luật đã ghi rõ cấm xúc phạm thân thể, danh dự người học. Hay trong Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em đã quy định trẻ em là đối tượng cần bảo vệ đặc biệt. Nếu nhà giáo không có ý thức thường trực về đức của người thầy và ý thức tôn trọng pháp luật thì rất dễ phạm.

 

Chẳng hạn trường hợp ở Quảng Bình, trong một tình huống học sinh tan trường gây lộn xộn và người thầy giáo muốn ổn định trật tự. Tôi nghĩ là thấy giáo này không có ý thức chuẩn bị trước những hành động như vậy và mang tính bột phát nhưng bột phát ấy đã thể hiện không có ý thức thường trực về đức, về tính nhân văn của nhà giáo và ý thức về luật pháp.

 

Nếu so sánh trước đây và bây giờ cho thấy, mức độ, tần suất các vụ vi phạm đạo đức nhà giáo xuất hiện nhiều hơn, liệu có phải mặt trái xã hội đang len lỏi vào giảng đường?

 

Thực ra, vào thời nào cũng có thể xảy ra những việc như vậy. Giáo giới cũng như các ngành khác, cũng có những người giữ được đức cao đạo trọng nhưng cũng có những người không giữ được hoặc có những lúc không giữ được. Những vụ việc báo chí nêu lên gần đây rất báo động và tôi cho rằng cũng có những ảnh hưởng nhất định từ những hiện tượng tiêu cực nói chung của xã hội, chẳng hạn như sự trịch thượng, tự cho mình cái quyền cao hơn quyền của người khác.

 

Trong những vụ việc nói trên dường như tiếng nói của ngành giáo dục có vẻ như còn rất yếu?

 

Đúng vậy, các vụ việc như “gạ tình lấy điểm”, mua điểm thời gian qua, tôi thấy một điều khá đặc biệt là, phanh phui sự việc này không ai khác chính là học sinh. Cũng giống như các vụ tiêu cực ở một số cơ quan, tổ chức khác, không phải do thanh tra, cơ sở đảng, đoàn hay đồng nghiệp phát hiện mà là từ phía quần chúng. Đó là điều rất buồn cho hệ thống quản lý của chúng ta. Trong những trường hợp này, rõ ràng công đoàn giáo dục cần lên tiếng để bày tỏ quan điểm.

 

Nhưng thực tế chưa có?

 

Hoạt động của công đoàn giáo dục còn mờ nhạt và lo những việc gì ở đâu. Tôi cho rằng trong những vụ việc như thế này thì công đoàn giáo dục phải bày tỏ thái độ của mình, đó có thể là đề nghị loại bỏ người vi phạm ra khỏi ngành. Hoặc ngược lại, trong những tình huống khiến dư luận hiểu cực đoan thì cần phải lên tiếng bảo vệ nhà giáo.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Một số vụ “bạo hành” trong nhà trường thời gian gần đây

 

Thầy giáo đánh học sinh rạn xương mũi. Ngày 12/12/2006, thấy học sinh chửi thề, thầy giáo Lê Cao Tánh, trường THPT Bán công Nguyễn Du, Lâm Đồng đã đánh em Phạm Hoành Minh Trí, lớp 10 rạn xương mũi chính và chấn thương ổ bụng.

 

Giám thị dâm ô với học sinh. Ngày 24/2, bằng việc dọa nạt học sinh, ông Phạm Vũ Bằng - tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) - đã khống chế một học sinh nữ đến khách sạn để giở trò dâm ô, vụ việc đã bị công an phát hiện kịp thời.

 

Bức cung học sinh. Ngày 14/3, chỉ vì nghi ngờ em Huỳnh Thị Ngọc Trâm 10 tuổi lấy cắp 47.800 đồng mà thầy hiệu trưởng và thầy tổng phụ trách trường tiểu học An Hiệp 2, huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã đưa em này đến công an xã lấy lời khai. Sự việ này khiến khiến em Trâm bị “sốc”, tinh thần hoảng loạn.

 

Thầy túm tóc khiến học sinh chấn thương sọ não. Vụ việc xảy ra ngày 11/4 tại trường THCS Hải Ninh (Quảng Bình). Thầy giáo Nguyễn Phú Lự trong khi dẹp lộn xộn do học sinh tan trường đã nắm tóc em Nguyễn Thị Thái lớp 6, khiến em này ngã đập đầu xuống sàn bê tông gây chấn thương sọ não.

 

Thái Sơn
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm