Công dân học tập suốt đời: Không chỉ là đi làm đúng giờ, mỗi ngày 8 tiếng
(Dân trí) - “Thước đo của sự tiến bộ không phải dựa vào: đi làm đúng giờ, làm đủ 8 tiếng như vẫn diễn ra ở một số nơi hiện nay mà sự phát triển đất nước, của bản thân, gia đình trong CMCN 4.0 đòi hỏi lớp người phải trở thành công dân học tập, trở thành người học tập suốt đời”, GS. TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh.
Tọa đàm chuyên đề “Công dân học tập” do TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội với sự góp mặt của lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện Vụ Giáo dục - Bộ GD&ĐT cùng các đại biểu đã tập trung bàn luận về những yêu cầu và giải pháp hình thành “công dân học tập” trong thời kỳ 4.0.
Thay đổi chính bản thân mình
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Trong giai đoạn hiện nay, khó nhất để trở thành công dân học tập thì chúng ta phải thay đổi chính chúng ta. Trong xã hội, có nhiều người không tự thay đổi mình. Nhiều người vẫn mang suy nghĩ, bằng đại học hay kinh nghiệm công tác đủ rồi tôi không cần học tập nữa vẫn đủ làm việc, không ai có thể hắt tôi ra ngoài hệ thống”.
Chúng ta đang trong thời kỳ các mạng công nghiệp 4.0 và vệ tinh nhân tạo, ai không học ắt bị tụt lùi. Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, chúng ta có đầy đủ phẩm chất, năng lực nhưng quan trọng nhất là chúng ta chưa thay đổi tư duy nhận thức.
Thứ hai, khi thay đổi rồi thì cố gắng đưa ra mục tiêu mình cần đạt đến cái đích gì và có nghị lực để phấn đấu đạt đến mục tiêu. Công dân học tập là người dám dân thân thực hiện ý tưởng, say mê sáng tạo trong công việc và luôn có khát vọng vươn lên. Họ hội tụ tương đối đầy đủ năng lực và phẩm chất của “Công dân học tập” trong thời đại 4.0.
“Thước đo của sự tiến bộ không phải dựa vào: đi làm đúng giờ, làm đủ 8 tiếng như vẫn diễn ra ở một số nơi hiện nay mà sự phát triển đất nước, của bản thân, gia đình trong CMCN 4.0 đòi hỏi lớp người phải trở thành “Công dân học tập”, trở thành “Người học tập” suốt đời.
Tự mỗi người phải thấy cần thay đổi bản thân mình để phù hợp với sự phát triển của môi trường quanh ta, của xã hội và sự thay đổi đó phải là nhu cầu tự thân của mỗi người thì mới có kết quả như mong muốn. Sự thay đổi đó lại phải gắn với việc coi học tập là nhu cầu thiết yếu, biết quý thời gian hơn vàng thì mới có hy vọng thành công. Phải dám bứt phá, dám cùng đi”, GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định.
Các phẩm chất, năng lực của một công dân học tập suốt đời
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đề cập đến khái niệm "học tập suốt đời" theo quan điểm phát triển bền vững công dân của thế giới hiện đại. Theo đó, mục đích của học tập suốt đời là phát huy mọi năng lực trong mỗi công dân. Đây là phương thức quan trọng để trao quyền cho công dân nhằm giải quyết những thay đổi trong xã hội, những hiểm họa trong môi trường; những thách thức về kinh tế. Đồng thời, xây dựng văn hóa học tập để mỗi người có lối sống văn hóa.
Muốn bàn về công dân học tập phải có phương pháp tiếp cận. GS.TS Phạm Tất Dong cho hay, có 4 phương pháp tiếp cận, gồm: Tiếp cận phát triển năng lực; Kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp; Trình độ phát triển và đặc trưng kinh tế xã hội địa phương; Quan điểm con người - công dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xét theo mục tiêu giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra: Công dân học tập có 2 phẩm chất cơ bản (đức, tài), ba nghĩa vụ cơ bản (học tập, lao động, phục vụ), bốn vai trò cơ bản (người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt).
Còn Liên minh châu Âu (EU) lại đưa ra 8 năng lực cốt lõi của một công dân học tập, gồm: Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ; Giao tiếp bằng ngoại ngữ; Năng lực toán học và năng lực cốt lỗi về khoa học tự nhiên, công nghệ; Năng lực kĩ thuật số để sống trong môi trường số; Năng lực tự học (học cách học); Năng lực xã hội và công dân; Năng lực sáng tạo; Năng lực nhận thức và khả năng biểu đạt văn hoá.
Trong tham luận “Công dân học tập” trong thời kỳ 4.0: Yêu cầu và giải pháp, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, cuộc CMCN 4.0 yêu cầu ở mỗi “Công dân học tập” những năng lực và phẩm chất mà ai cũng có, nhưng để đạt được thì không dễ. Đó là 4 nhóm năng lực: Nhóm năng lực và phẩm chất nhằm mục tiêu phát triển bản thân (năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề cuộc sống, năng lực sáng tạo, năng lực tư duy phản biện); Nhóm năng lực sử dụng công cụ phục vụ quá trình lao động và cuộc sống - thuộc nhóm năng lực cứng (năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và ngoại ngữ); Nhóm năng lực thực hiện và giải quyết các quan hệ xã hội (có tinh thần trách nhiệm với đất nước, khả năng giao tiếp ứng xử bằng tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ; tinh thần hợp tác làm việc nhóm trong công việc và sinh hoạt cộng đồng; khả năng thuyết trình, tranh luận, hùng biện); Nhóm năng lực cần cho chuyên môn nghiệp vụ (trình độ chuyên môn kỹ năng nghề nghiệp thành thạo, sự am hiểu dự báo được hướng đi của lĩnh vực mình theo đuổi nhằm lên kế hoạch).
Theo Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam, thực tế đã chứng minh, 75% thành công là thuộc sử dụng tốt kỹ năng mềm. Chìa khóa của thành công là biết kết hợp cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Giáo dục tốt (từ gia đình, nhà trường, xã hội) và nghị lực vươn lên của từng người là điều kiện tiên quyết giúp mỗi người có được những năng lực và phẩm chất trên.
Giải pháp và yêu cầu
Đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030, TS. Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT lưu ý, chúng ta không chỉ quan tâm đến giáo dục trong nhà trường mà giáo dục tự thân của cá nhân tự học cũng rất quan trọng. Đây đang là vấn đề khó khăn nhất.
“Chúng ta muốn đặt giá trị cho một công dân thì giá trị đó cần nhất quán giữa các môi trường. Bây giờ sự khác biệt giữa các giá trị mới là vấn đề. Chẳng hạn, trẻ em đến trường được dạy nói thật nhưng khi ở nhà, vì không muốn trẻ xuống bếp vì tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm thì không ít bố mẹ lại dọa con rằng dưới bếp có ma. Đó cũng là nói dối. Đôi khi do yếu tố lịch sử, văn hóa và chúng ta gặp khó khăn trong đồng nhất giá trị con người ở các môi trường giáo dục dẫn đến khái niệm công dân học tập sẽ có nội hàm khác nhau ở các môi trường khác nhau”. Muốn mỗi người trở thành công dân học tập, cần có hai yếu tố động lực và môi trường. Và dù biệt chú trọng đến yếu tố giáo dục tự thân nhưng vẫn rất cần sự tác động của Chính phủ để tạo ra các điều kiện, các kênh học tập cho công dân.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, muốn đạt kết quả tốt cần phát huy trách nhiệm của nhà nước và của công dân. Nhà nước ban hành chính sách pháp luật thực hiện đồng bộ các biện pháp cần thiết để các quyền học tập suốt đời đi vào đời sống của mỗi người dân; thực hiện công bằng xã hội để ai cũng được học hành; khuyến khích sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; đảm bảo điều kiện phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; chú trọng phát triển đào tạo từ xa theo hướng coi trượng chất lượng và hiệu quả phù hợp với xu thế thế giới… Công dân cần có ý thức tốt, xác định được học tập là học cho mình, cho gia đình và cho đất nước; có ý chí vươn lên, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất; góp phần vào việc nâng cao dân trí của cộng đồng. Trường đại học và doanh nghiệp xuyên quốc gia có trách nhiệm đào tạo công dân toàn cầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Đảng viên trước hết cũng là một công dân học tập và còn là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân. Họ sẽ phải đạt các tiêu chí của công dân học tập, nhưng các chỉ số đánh giá đảng viên là công dân học tập sẽ phải khác công dân học tập không phải là đảng viên. Điều ấy có nghĩa là, sẽ phải thiết kế các chỉ số đánh giá đặc trưng của công dân học tập là đảng viên cộng sản.
Kết luận tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Doan nhắn gửi: “Để đạt được 4 nhóm năng lực của “Công dân học tập” thời 4.0 thì còn khó khăn vô cùng, không phải chỉ Bộ GD&ĐT làm được mà phải có sự chuyển biến của cả xã hội về đổi mới tư duy giáo dục:
Ai cũng phải thay đổi cách nhìn nhận và đừng coi thường khả năng chính bản thân mình. Không có con đường nào tự hình thành mà đường đi do chính mình tạo ra, đi lâu sẽ thành đường, vun đắp thường xuyên sẽ thành đường đẹp, đường đi tới vinh quang”.
Lệ Thu