Công bố ISI của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 43 trên thế giới

(Dân trí) - Năm 2020, Việt Nam đã công bố được 14.009 công trình ISI (loại article), chiếm 0.586% của thế giới và xếp thứ 43 trên toàn thế giới.

Theo Statisticstimes, 10 nước có GDP cao nhất thế giới trong năm 2020 lần lượt theo thứ tự gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Vương Quốc Anh, Ấn Độ, Pháp, Ý, Canada và Hàn Quốc:

Công bố ISI của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 43 trên thế giới - 1

Ngoài ra, theo Cơ sở dữ liệu công bố khoa học WoS (Web of Science, Mỹ) thì trong năm 2020 cả thế giới công bố 2.388.289 công trình (thuộc loại article, trích xuất tháng 4/2021):

Công bố ISI của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 43 trên thế giới - 2
Ảnh chụp từ WoS

Nhóm 10 nước đứng đầu thế giới theo thứ tự là Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Ấn Độ, Nhật, Ý, Canada, Pháp và Úc:

Công bố ISI của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 43 trên thế giới - 3
Ảnh chụp từ WoS

Như vậy, hầu hết (90%) các nước trong top 10 có công bố khoa học mạnh nhất thế giới thì cũng là các siêu cường về kinh tế. Điều đó cho thấy giữa sức mạnh GDP và thành tựu khoa học có sự liên quan mật thiết với nhau, bởi lẽ sức mạnh về nghiên cứu khoa học là cơ sở cho nền kinh tế tri thức - đóng góp mang tính quyết định vào GDP.

Ngoài ra, một chi tiết rất đáng quan tâm là Trung Quốc đã vượt Mỹ về thành tích công bố khoa học, dù GDP của Trung Quốc xếp sau Mỹ.

Riêng đối với Việt Nam đã công bố được 14.009 công trình ISI (loại article) trong năm 2020, chiếm 0.586% của thế giới và xếp thứ 43 trên toàn thế giới.

Vị trí của Việt Nam gần với Thái Lan, New Zealand, Singapore, Phần Lan… Và đồng thời xếp trên Indonesia, Romani, Ukraine, Colombia…

Công bố ISI của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 43 trên thế giới - 4
Ảnh chụp từ WoS

Vị trí khoa học  của Việt Nam như trên thì cũng không phải là thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Đó chính là chủ trương đúng đắn trong việc quốc tế hóa đối với nghiên cứu khoa học, ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu chất lượng của Việt Nam được công bố trên các diễn đàn khoa học uy tín của thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế tri thức luôn là vấn đề mà Việt Nam cần phải quan tâm một cách có chiến lược, bởi lẽ kinh tế tri thức mà trong đó nghiên cứu khoa học là nền tảng mới có thể sớm đưa đất nước phát triển vượt bậc và đột phá như các nước trong khu vực như Malaysia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc…

Kinh nghiệm của các siêu cường về kinh tế và khoa học như đã giới thiệu ở trên là những minh chứng hùng hồn để Việt Nam tham khảo và nhất định sẽ có những bước phát triển quan trọng trong thời gian tới.