Công bố giáo trình, bài giảng: Ai được lợi?
Trong tay tất cả các SV đã có đầy đủ nội dung bài giảng, nội dung toàn bộ các slide mà giảng viên TS Nguyễn Việt Hà sẽ trình bày trong giờ học.
Đó là giờ bắt đầu học môn “lập trình hướng đối tượng” của lớp K48CA khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). Tiết học kết thúc nhưng không có nghĩa là bài giảng sẽ dừng lại. SV có thể tiếp tục đặt câu hỏi với thầy Hà và sẽ nhận được câu trả lời không lâu sau đó; SV cũng có thể trao đổi, tranh luận với nhau, tiếp tục bên ngoài giảng đường và ngoài những giờ lên lớp...
2.740 môn học đã công bố giáo trình, bài giảng
Trong website môn học của Trường ĐH Công nghệ, bước đầu nội dung bài giảng của hơn 40 môn học đã được đưa lên mạng để SV có thể chủ động nghiên cứu, tham khảo trước. Nhiều GV đã giao các bài tập và hướng dẫn SV thông qua website môn học. Cũng thông qua cầu nối này, GV và SV của trường có thể thường xuyên cùng thảo luận, nêu và giải đáp các thắc mắc xung quanh bài giảng, hướng giải quyết các bài tập...
Các SV thật sự hào hứng với việc chỉ cần truy cập vào đây là có thể xem lại toàn bộ bài giảng đã qua của môn học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập thực hành, tham khảo tất cả câu hỏi và trả lời, trao đổi giữa SV và GV... một cách kịp thời, tiện lợi, không hề bị giới hạn về thời gian.
ĐHQG Hà Nội đã đưa qui định về bài giảng, giáo trình vào việc xét chức danh, danh hiệu thi đua của GV. Qua kiểm tra đột xuất, những GV không có đề cương bài giảng hoặc bài giảng, cuối năm học sẽ không được công nhận danh hiệu cán bộ giảng dạy giỏi.
Đơn vị có cán bộ giảng dạy lên lớp không có bài giảng nhân bản phát cho SV sẽ không được công nhận là đơn vị lao động giỏi. |
Là một trong những GV tích cực “hoạt động” trên website môn học, TS Nguyễn Việt Hà nhận xét: “Việc đưa các bài giảng lên website môn học và thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa GV và SV qua mạng đã giúp SV của trường học tập theo một phương pháp chủ động, tích cực hơn. Rõ ràng khả năng tự học của SV đã có những chuyển biến đáng kể do SV nắm trước được nội dung môn học nên có điều kiện chủ động tìm tòi thêm từ sách tham khảo, các nguồn tài liệu trên Internet...
Đồng thời việc công khai bài giảng trên mạng cũng đòi hỏi GV phải chịu khó hơn từ khâu chuẩn bị bài giảng, bài tập, phải thường xuyên cập nhật đến việc giải đáp, hướng dẫn cho SV phải kịp thời”.
Đến thời điểm này, theo GS.TS Mai Trọng Nhuận - phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, 100% trong số 2.740 môn học ổn định của ĐHQG Hà Nội đã công bố được giáo trình hoặc bài giảng.
Trong đó, khoảng một nửa số môn học có giáo trình (của trường hoặc của các trường ĐH khác được phép sử dụng). Những môn còn lại trong khi chưa in thành giáo trình chính thức, các GV đều phải công bố đề cương bài giảng, bài giảng chi tiết (một dạng giáo trình chưa in thành sách).
Ngay từ đầu năm 2005 (được lấy là “năm giáo trình”), giám đốc ĐHQG Hà Nội đã chính thức yêu cầu tất cả GV khi lên lớp phải có bài giảng được chuẩn bị đầy đủ bao gồm bài giảng và tài liệu tham khảo cho SV sử dụng, bài tập và câu hỏi thảo luận cho từng phần của từng chương theo mục tiêu cụ thể của chương trình chi tiết môn học đã ban hành. Bài giảng sau khi được hội đồng chuyên môn của trường thẩm định phải nhân bản cung cấp cho SV.
SV - người được lợi nhất
SV các đơn vị đào tạo trong ĐHQG Hà Nội có tài liệu chính thức để tham khảo trước, có thể ngay đầu học kỳ đã biết mình sẽ phải học những gì, góp phần nâng cao điều kiện và khả năng tự học.
Ông Nhuận cũng nhận xét: “Việc phải công bố đề cương bài giảng cũng đòi hỏi GV phải chú ý hơn trong việc biên soạn, phải tìm hiểu thêm những nguồn tư liệu, tài liệu mới, cập nhật thông tin thường xuyên mới có thể đáp ứng được yêu cầu học tập từ phía SV.
Người thầy không thể “độc quyền” nội dung bài giảng, lên lớp mới đọc cho trò ghi. Không khí giảng đường sẽ dân chủ hơn, trong đó người thầy đóng vai trò hướng dẫn, dẫn dắt cho SV.
Và đây cũng chính là cơ hội để người thầy tự “nâng cấp”: phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ nếu không muốn bị đứng chôn chân, lạc lõng trên giảng đường vì chỉ lặp lại những điều SV đã biết. Cả thầy và trò sẽ dạy - học năng động hơn”.
Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ