Con lớp 1 mở miệng nói tiếng Việt liền bị mẹ... tát tai

Hoài Nam

(Dân trí) - Từ năm con 3 tuổi, người mẹ tuyệt đối không cho con nói tiếng Việt, tất cả mọi giao tiếp từ ở trường đến ở nhà đều bằng tiếng Anh.

Gia đình anh Nguyễn Văn N., ở TP Thủ Đức, TPHCM vừa chuyển con trai học lớp 4 từ trường quốc tế có tiếng ở sang một trường song ngữ trên địa bàn. Không phải vì áp lực tài chính, cũng không phải vì trường cũ không ổn mà vì... con anh cần phải học lại tiếng Việt từ đầu.

Ông bố khổ sở kể, vợ anh đã xác định từ sớm, con không cần học nhiều, chỉ cần giỏi tiếng Anh. Cháu được "tắm" tiếng Anh từ trong bụng mẹ, cho đến khi chào đời cũng chỉ toàn nghe hát ru, nhạc bằng tiếng Anh.

Con lớp 1 mở miệng nói tiếng Việt liền bị mẹ... tát tai - 1

Nhiều gia đình Việt cấm con nói tiếng Việt (Ảnh minh họa: Dan Siegel).

Anh nhớ chỉ giai đoạn trước 3 tuổi, cháu còn được bập bẹ nói vài từ tiếng Việt. Nhưng, ngay lập tức, sợ nói tiếng Việt sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngoại ngữ  của con, vợ anh cấm cháu nói tiếng Việt hoàn toàn.

Trong nhà, mọi người chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh với con, thậm chí tiếng Anh của chồng kém, người vợ còn hạn chế không để bố con giao tiếp với con nhiều. 

Giúp việc cũng không được nói chuyện với cháu, tất cả phải thông qua mẹ để mẹ truyền đạt lại bằng tiếng Anh. Nhiều câu, vợ anh còn mở Google ra dịch, rồi để điện thoại nói với con. Vợ anh thà để con giao tiếp với công nghệ chứ không cho con tiếp xúc, nói chuyện với người thân bằng tiếng mẹ đẻ. 

Từ năm 4 tuổi, cháu vào học trường quốc tế. Ở đây, thầy cô, bạn bè hầu hết đều là người nước ngoài, nếu là người Việt cũng chỉ nói tiếng Anh.

Anh N. nhớ như in thời điểm con mới vào lớp 1, cháu ú ớ nói tiếng Việt với bố về một bộ phim, vợ anh lao lại tát con một cái điếng người. Anh lao vào đẩy vợ ra, hai vợ chồng khục khặc với nhau một thời gian dài. 

Do chỉ sử dụng tiếng Anh nên con anh N. không thể chơi với các bạn trong chung cư, xuống sân chơi chỉ đứng nhìn. Kể cả về quê, cháu cũng chỉ ở trong phòng vì không nói chuyện được với ai. Vợ anh luôn nói: "Nó chỉ nói tiếng Anh thôi, không biết tiếng Việt" như một niềm tự hào. 

Ngay cả với bố mẹ, càng ngày cháu càng khó giao tiếp. Cháu chỉ có vài người bạn ở lớp nhưng hiếm khi gặp nhau bên ngoài, chủ yếu giao tiếp qua Internet. 

Đến cuối năm lớp 3, cháu biểu hiện rõ những bất ổn khi trở nên khép kín hoàn toàn, không nói chuyện, không giao tiếp. Thậm chí, cháu có biểu hiện mệt mỏi, không muốn đi học, chống đối, đập phá đồ đạc... Đặt biệt, cháu tỏ rõ thái độ căm ghét mẹ.

Sau rất nhiều lần làm việc với nhà trường, mới đầu người mẹ vẫn không chấp nhận việc cháu bất ổn vì cách giáo dục của gia đình khi tách cháu khỏi cuộc sống xung quanh... Đến khi nhìn rõ sự rệu rã thể hiện ở thể chất và tinh thần của đứa con trai duy nhất, vợ chồng anh đưa con đi khám tâm lý và chuyển trường để con bắt đầu học lại tiếng Việt.

Sinh ra ở Việt Nam, sống ở Việt Nam nhưng không nói được tiếng Việt như con trai anh N. không còn là trường hợp hiếm. Không ít đứa trẻ lớn lên trong gia đình có điều kiện tốt nhưng ú ớ nói tiếng Việt không ra câu, có nhiều trẻ đến khi lớn "tồng ngồng" vẫn không nói được tiếng mẹ đẻ thì gia đình mới giật mình cho đi học lại a, bờ, cờ. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội quán Các bà mẹ TPHCM kể, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài liên hệ cấp học bổng cho học sinh Việt Nam với điều kiện duy nhất: Giỏi tiếng Việt - tiếng Việt chứ không phải ngoại ngữ.

Tuy nhiên, hài hước ở chỗ tìm được các gương mặt học sinh Việt giỏi tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, ham đọc sách không phải là chuyện dễ dàng. 

Nhiều gia đình khi sinh con đã đặt ra mục tiêu "con chỉ cần nói tiếng Anh" nên chỉ cho con tiếp xúc với tiếng Anh, có thể tiếp xúc qua công nghệ điện thoại, iPad, máy tính... Có gia đình, khi tìm trường cho con mới 2-3 tuổi đã đặt mục tiêu tiếng Anh lên hàng đầu, có người còn "sòng phẳng": "Con tôi sẽ đi du học sớm, sống ở nước ngoài nên không cần phải học tiếng Việt". 

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên tiếng Anh của Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ, bà làm việc về tiếng Anh, trong môi trường tiếng Anh nhưng từ khi con còn bé, mỗi tối bà đều đọc Truyện Kiều cho con nghe. Sau đó, đọc Chinh phụ ngâm, con nghe đồng dao, ca dao, hát ru của các vùng miền...

Khi biết chữ, con bắt đầu đọc những cuốn sách, cuốn truyện mỗi trang chỉ một chữ rồi dần dần con đọc những cuốn nhiều chữ, đọc sách tiếng Việt trước rồi đọc sang sách tiếng Anh. Nhờ vậy, con gái bà có vốn từ ngôn ngữ tiếng Việt cực kỳ phong phú và hơn hết con rất yêu tiếng Việt, rất trân trọng tiếng mẹ đẻ. 

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh khẳng định, tiếng Anh giờ đây hết sức quan trọng với một đứa trẻ, là phần hiển nhiên không thể thiếu. Tuy nhiên, với người Việt, để sống, để trả lời câu hỏi lớn của cuộc đời "Tôi là ai?" thì chính tiếng mẹ đẻ là giá trị không thể thiếu trên hành trình này. Rất nhiều đứa trẻ lớn lên bị chới với vì không trả lời được câu hỏi "Tôi là ai?". 

"Con gái tôi đi học xa nhà, gọi về cháu nói "Mẹ ơi, phải nói là "nhớ nhà" mới thấy đã, mới thấy thấm chứ nói theo cách của người Mỹ "homesick" không thấm vào đâu", ThS Thụy Anh bày tỏ và cho biết thành công lớn nhất của mình là giúp con yêu tiếng Việt chứ không phải là giỏi tiếng Anh.

Là giáo viên tiếng Anh, tiếp xúc với nhiều học trò, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh không khỏi lo ngại khi gặp không ít trường hợp, học sinh không đọc sách, ít giao tiếp, gần như chỉ tiếp xúc với công nghệ. Qua điện thoại, iPad, phụ huynh để trẻ chơi các chương trình tiếng Anh vô tội vạ. Nhiều trẻ có thể nói tiếng Anh rất nhiều, phát âm rất chuẩn nhưng câu cú lủng củng, lộn xộn.

Con lớp 1 mở miệng nói tiếng Việt liền bị mẹ... tát tai - 2

Tiếp xúc ngoại ngữ vô tội vạ qua công nghệ, nhiều trẻ rơi vào tình trạng loạn ngôn ngữ (Ảnh minh họa: B.L).

Bà Thụy Anh cho biết, nhiều em gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ, tiếng Việt cũng không rành, tiếng Anh cũng không trôi và ngay trong gia đình, bố mẹ cũng không thể giao tiếp được với con cái. Câu giao tiếp thông thường: "Cô ơi, cái này vui lắm", nhiều em cũng không nói nổi mà nói thành "Cô ơi, vui cái này lắm!". 

Trong các chia sẻ về việc cần học gì trong thời đại học công nghệ bùng nổ, các chuyên gia giáo dục đều nhấn mạnh tiếng Việt nên có vai trò hàng đầu với mọi đứa trẻ Việt Nam, tiếp đó mới đến tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác. 

Bởi khi chúng ta không hiểu chính mình, không hiểu được những người thân quanh mình, cộng đồng quanh mình thì không bao giờ chạm tới mục tiêu "công dân toàn cầu". 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm