Con "đòi nợ" hàng chục triệu đồng tiền lì xì, cha mẹ rối
(Dân trí) - Tiền lì xì của nhiều đứa trẻ có thể lên đến cả chục triệu đồng. Số tiền cao, cha mẹ và con cái bị rối, lúng túng trong việc sử dụng và quản lý.
Trước Tết, cô con gái học lớp 8 của chị Lương Minh Thu, ở Bình Chánh, TPHCM đề nghị mẹ trả lại tiền lì xì năm ngoái mẹ giữ, các các năm trước nữa cháu bỏ qua không tính.
Chị Thu bất ngờ vì số tiền gần 20 triệu đồng tiền lì xì năm ngoái của con chị đã xài sạch bách, không giữ khoản riêng.
Thấy thái độ đòi lại tiền lì xì của con, chị liền nổi cáu kể lể tiền ăn uống, chi phí mua sắm này nọ cho con. Chị cũng nói, con nhận lì xì thì mẹ cũng phải đi lì xì lại cho người khác, tính ra đó cũng là tiền... của mẹ?
Nhưng con gái chị không đồng ý, nói khoản nào phải ra khoản đó. Tiền lì xì của con thì là của con, mẹ chỉ giữ hộ. Cháu tuyên bố, năm nay sẽ không đưa một đồng tiền lì xì nào cho mẹ. Quan hệ của hai mẹ con trong dịp tết trở nên căng thẳng quanh chuyện tiền xì lì.
Chị Thu nhận ra sai sót của mình là đã không có kế hoạch cùng con sử dụng, quản lý tiền lì xì. Chị nghĩ đơn giản như hồi con con bé, bố mẹ giữ tiền lì xì của con rồi muốn làm gì thì làm. Ai dè, nay lại bị con "đòi nợ".
Để gỡ gạc, chị Thu đành bỏ tiền túi 20 triệu đồng đưa cho con, cùng với đề xuất, hai mẹ con sẽ có những kế hoạch cụ thể với khoản tiền này như gửi tiết kiệm, mua sắm đồ dùng cần thiết cho con và con giữ một ít tiền mặt.
Bố mẹ làm quản lý doanh nghiệp, quan hệ rộng nên tiền lì xì của hai đứa con sinh đôi của anh Lê Văn Đức, ở Phú Nhuận, TPHCM cũng 20 - 30 triệu đồng.
Hồi bé các cháu nhận rồi hết tết rồi đưa cho bố mẹ nhưng từ khi lên lớp 3, cả hai đều đòi giữ tiền lì xì. Anh Đức bắt giao lại cho mẹ thì các cháu phản rất ứng mạnh, bất mãn nói rằng... bố mẹ cướp tiền của mình.
Thậm chí, khi được chú ruột lì xì, thằng anh còn tỏ thái độ: "Chú đừng lì xì cháu, lì xì rồi mẹ cháu cũng tịch thu".
Năm nay, hai cháu đã học lớp 6, vợ chồng anh cũng rất khó xử chưa biết nên ứng xử thế nào với tiền lì của con. Dùng quyền lực tịch thu thì không ổn, để cho các cháu toàn quyền với số tiền lớn thì rất khó không yên tâm. Nhất là tuổi này, các cháu bắt đầu thích mua sắm rồi quan hệ bạn bè này nọ.
Tránh dùng quyền lực ép buộc trẻ
Tiền lì xì của con trẻ có thể gây ra những bất hòa trong mối quan hệ cha mẹ, con cái nếu không có sự giải thích, kế hoạch quản lý hợp lý, hợp tình.
Khi còn bé, trẻ thích thú khi được nhận lì xì, có thể chưa quan tâm nhiều đến việc giữ tiền nên trẻ dễ dàng đưa cho bố mẹ. Nhưng đến một tuổi nhất định, khi có ý thức về giá trị đồng tiền và nhu cầu về tiền, trẻ sẽ thể hiện quyền "sở hữu" của mình.
Với số tiền ít có thể không rắc rối nhưng khi số tiền lì xì nhiều, kéo theo rất nhiều vấn đề.
Theo các chuyên gia tâm lý, điều cha mẹ cần lưu ý là tuyệt đối không được dùng quyền lực để ép buộc con phải nộp lại tiền lì xì, hay tịch thu tiền của con.
Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu được ý nghĩa của đồng tiền lì xì là đồng tiền lộc, tiền may mắn để có kế hoạch sử dụng hợp lý. Bố mẹ có thể vạch ra cho con nhiều hướng lựa chọn, gợi ý cho con mở sổ tiết kiệm, chú ý đến các nhu cầu chính đáng của con như mua một vài món đồ cần thiết, hay để con đăng ký một khóa học Ngoại ngữ, âm nhạc...
Cũng có thể đề nghị một cách khéo léo con có thể hỗ trợ bố mẹ trong việc đóng học phí, mua đồng dùng học tập để "giải phóng" bớt tiền vào khoản phù hợp.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để cha mẹ giáo dục con quản lý tài chính, học cách chi tiêu hợp lý.
Dạy con nhận, cũng cần dạy con cho đi
Theo ThS Lê Minh Huân, ĐH Sư phạm TPHCM, bên cạnh việc dạy trẻ nhận tiền lì xì, trẻ cũng cần được dạy trách cách cho, cách chia sẻ.
Trẻ không chỉ là người chỉ nhận lì xì mà còn là người cho đi. Hãy trao đổi với trẻ, mình nhận được lộc từ mọi người thì cũng có thể trao những điều may mắn đến những người khác.
Các con có thể lì xì lại cho các em nhỏ, bạn bè, ông bà, bố mẹ, người lớn tuổi, những người khó khăn... như lời chúc họ khỏe mạnh, sống lâu. Niềm vui khi sẻ chia sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp, may mắn.