Con đỗ lớp 10 trường công, bố kiến trúc sư vẫn gạ con học trường nghề

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Anh Nguyễn Quang Hòa định hướng cho con vào trường nghề dù năng lực của con đủ để đỗ lớp 10 công lập.

Tìm môi trường phù hợp thay vì tìm trường tốt cho con

Con trai anh Hòa đang học năm thứ nhất Phổ thông cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Nghệ An. Kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2023, con anh đỗ vào một trường công tốt tại thành phố Vinh. Tuy nhiên, con đã chọn học nghề trong sự ủng hộ của bố mẹ.

Đồng hành với con từ nhỏ, anh Hòa hiểu rõ sở trường, sở đoản của con. Con trai anh học tốt các môn xã hội như văn, sử, địa, ngoại ngữ, tính cách quảng giao, năng động, thích thể thao, thích các hoạt động xã hội, đội nhóm. Tuy nhiên ở các môn tự nhiên, cháu học không tốt. 

"Từ lớp 6 cho đến kỳ I lớp 9, môn toán của cháu chỉ đạt trung bình 4-5 điểm. Nhiều lần được cô "vớt" điểm vì năng nổ phát biểu ý kiến", anh Hòa chia sẻ.

Từ thực tế này, anh Hòa đã tìm một con đường phù hợp với tố chất của con. 

Con đỗ lớp 10 trường công, bố kiến trúc sư vẫn gạ con học trường nghề - 1

Gia đình anh Nguyễn Quang Hòa (Ảnh: NVCC).

Khi biết thông tin có trường nghề mới mở tại Nghệ An, anh Hòa tìm hiểu về mô hình đào tạo của trường và "gạ" con tìm hiểu cùng. Việc chính con tìm thấy những điều phù hợp và hứng thú ở trường này khiến con chủ động đưa ra lựa chọn học nghề.

Con trai anh Hòa cũng hỏi ý kiến bạn bè trước khi quyết định và được một người bạn thân ủng hộ. Cậu bạn này sau đó đỗ vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.

"Tất nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn thuận lợi như vậy. Cháu chỉ có một người bạn thân ủng hộ. Những người còn lại phản đối. Phần lớn bạn bè con kỳ thị trường nghề. Bạn bè của bố mẹ cũng vậy, hoặc phản đối, hoặc nghi ngờ khiến vợ tôi hoang mang. Cũng giống như cháu, chúng tôi chỉ có một gia đình người bạn ở Hà Nội ủng hộ. 

Sự ủng hộ đó với chúng tôi rất quý giá vì cảm thấy có sự đồng điệu trong quan điểm giáo dục con cái. 

Cho con học nghề không phải vì lo con không học được trung học phổ thông mà vì muốn con phát huy tốt nhất sở trường của mình trong một môi trường phù hợp với năng lực, tính cách, niềm yêu thích. Khi gặp đúng môi trường, con trẻ sẽ hào hứng với việc học tập", anh Hòa cho hay.

Sau 1 học kỳ tại trường nghề, con anh Hòa được trao giải sinh viên tiêu biểu trong hoạt động ngoại khóa. Cháu được tuyển vào đội kịch của trường và đang đặt mục tiêu được chọn ra Hà Nội biểu diễn. 

Ngoài giờ học, cháu đi làm thêm tại một quán cà phê. Ban đầu cháu làm phục vụ, sau 2 tháng chăm chỉ học "lỏm" cách pha chế từ các nhân viên kỳ cựu, cháu được đôn lên vị trí nhân viên pha chế.

Bên cạnh đó, chàng thiếu niên 16 tuổi còn có thu nhập từ việc dạy võ tại trung tâm. Cháu đồng thời dạy patin cho trẻ em để được trượt patin miễn phí, lại có thêm một chút thù lao.

Anh Hòa chia sẻ thêm, con trai anh hoàn toàn tự lập trong việc sắp xếp lịch học, lịch làm việc. Bắt đầu từ kỳ II, cháu tạm thời nghỉ bớt việc làm thêm để tập trung thời gian cho các bài tập, đồ án. Những mục tiêu mới cũng được cháu đặt ra mà không cần bố mẹ định hướng, vẽ đường.

"Mục tiêu ban đầu vào trường nghề là giúp cháu lựa chọn môi trường phù hợp, có thể đi làm ngay khi học xong cao đẳng. Nhưng giờ cháu đang hướng tới mục tiêu cao hơn là nằm trong nhóm sinh viên top đầu được ra Hà Nội học chuyển tiếp lên đại học.

Trước đây, tôi từng tư vấn cho cháu dành thời gian đi làm sau khi tốt nghiệp rồi mới lựa chọn ngành nghề để học lên cao. Tôi muốn cháu hiểu rõ mình cần gì rồi mới đi học, tránh lãng phí mấy năm đại học để học mà không có mục đích. 

Nhưng giờ điều đó không còn cần thiết vì cháu đã biết rõ cháu muốn gì, cần gì", anh Hòa kể về sự thay đổi lớn của con trai ở hiện tại.

Hiểu con để dạy con trong bình thản

Anh Nguyễn Quang Hòa là một kiến trúc sư, từng học chuyên toán thời phổ thông. Khi sinh con, anh cũng từng đặt vào con rất nhiều kỳ vọng như phần lớn những người lần đầu làm bố mẹ. Tuy nhiên, qua thời gian tìm tòi, trau dồi kiến thức và kỹ năng làm bố, anh Hòa buông dần các kỳ vọng, gỡ bỏ áp lực lên con.

Con trai không có thế mạnh về toán và các môn tự nhiên như bố, anh Hòa xem là điều bình thường và tập trung cho các sở trường khác của con. 

Anh cũng kiên nhẫn với sự thay đổi, sớm nắng chiều mưa của con. Như khi con đòi bỏ học võ vì chán, anh đồng ý cho con tạm nghỉ, sau đó lại tìm cách dẫn dụ con quay lại vào thời điểm thích hợp. Ở lần quay lại với môn võ, con say mê và học một mạch lên đai đen.

Con đỗ lớp 10 trường công, bố kiến trúc sư vẫn gạ con học trường nghề - 2

Vợ chồng anh Hòa cùng con gái nhỏ đưa con trai đến dự lễ khai giảng năm học mới (Ảnh NVCC).

Con thích văn nghệ, anh Hòa cho con đi học diễn xuất. Con thích kiếm tiền, anh hướng dẫn con đi làm thêm, tìm việc làm phù hợp với độ tuổi trong sự theo dõi sát sao của bố mẹ.

Hai con anh Hòa cũng phải làm việc nhà từ sớm, học thói quen chia sẻ thông qua lao động, hỗ trợ lẫn nhau với quan niệm gia đình chính là môi trường thực hành làm việc đội nhóm hiệu quả nhất.

Gia đình anh Hòa cũng không đặt bất kỳ mục tiêu dài hạn nào cho con cái. Mỗi giai đoạn, nương theo sự phát triển của con, vợ chồng anh Hòa lại đưa ra định hướng phù hợp, rồi cùng thảo luận với con để tìm cách làm. 

Anh Hòa quan niệm, học ở đâu không quan trọng bằng việc học cái gì và học như thế nào. Dù học trường nghề hay học trung học phổ thông, học trường chuyên lớp chọn hay học trường thường, chỉ cần con trẻ có niềm yêu thích với việc học, có mục tiêu học tập rõ ràng, biết mình học để làm gì và phấn đấu để tạo ra giá trị hữu ích cho cộng đồng thì đó chính là thành công.