Thanh Hoá:
Cô trò nhỏ không tay viết chữ tuyệt đẹp
(Dân trí) - Từ khi sinh ra em đã không có đôi tay, tuổi thơ em không được như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng với tình yêu thương của gia đình và nghị lực phi thường, em gái tật nguyền ấy đã khẳng định bản thân bằng một thành tích học tập xuất sắc.
Về xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, hỏi thăm em Lê Thị Thắm (SN 1998) ai cũng biết; không phải vì từ khi sinh ra em đã không có đôi tay mà bởi nghị lực phi thường của cô bé.
Do khiếm khuyết về thân thể nên phải 6 tháng Thắm mới biết lật, một tuổi rưỡi mới biết trườn và hai năm sau bắt đầu tập đi. Lên 4 tuổi Thắm mới nói rõ. Lên 5 tuổi, Thắm được mẹ cho vào học lớp mẫu giáo. Cảm thương số phận của Thắm, cô giáo đã hết lòng tập cho em viết những nét chữ đầu tiên bằng chân.
Cũng bằng đôi chân đó, em có thể tự chải đầu, đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị đồ dùng học tập… Để tạo điều kiện giúp Thắm hoà nhập cùng lớp học, một bộ bàn ghế đã được thiết kế riêng cho em, đặt tại vị trí bàn đầu tiên trong lớp. Ở trường, các thầy cô giáo cùng bạn bè luôn sẵn sàng giúp đỡ em thực hiện những sinh hoạt cá nhân trong lớp. Ở nhà, bàn học của Thắm cũng chính là chiếc giường nhỏ mà hai mẹ con thường ngủ vào buổi tối.
Hiện tại Thắm đã học đến lớp 5, nhìn những trang vở ngay ngắn, sạch sẽ, với những điểm 10 đỏ chói, ít ai nghĩ rằng người viết nên những dòng chữ đó là một cô bé không tay. Từ những ngày đầu tới trường, Thắm luôn chứng tỏ mình là cô trò giỏi, ngoan ngoãn, luôn đạt danh hiệu “vở sạch, chữ đẹp”.
Với nỗ lực vượt lên số phận để đạt được những thành tích cao trong học tập, Thắm đã được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen. Những niềm động viên đó như tiếp thêm sức mạnh cho Thắm và gia đình em tiếp tục phấn đấu trên chặng đường dài nhiều chông gai phía trước.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, Thắm không ngần ngại trả lời muốn trở thành một cô giáo. Nhớ về người thầy Nguyễn Ngọc Ký, chúng tôi thầm mong ước mơ của cô bé sẽ thành hiện thực.
Duy Tuyên - Nguyễn Duy