Cơ hội và thách thức cho sinh viên ngành tâm lý

(Dân trí) - Nếu như cách đây 7-8 năm, không chỉ những người bình thường mà nhiều sinh viên ngành tâm lý vẫn không biết mình học xong sẽ làm gì, thì nay tâm lý học - đặc biệt là chuyên ngành tham vấn, đã trở nên phổ biến với những nghề đang dần được định hình rõ ràng.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà sinh viên tâm lý đã có thể dễ dàng tìm được cho mình chỗ đứng trong xã hội, hay đơn giản là tìm được một việc làm phù hợp, đúng chuyên ngành…

“Ngành nguyện vọng 2”? 

Nếu hỏi 10 sinh viên tâm lý học ở thời điểm cách đây 5-7 năm xem điều gì đã khiến họ theo học ngành tâm lý thì phải có đến 7,8 người trả lời là vì “khoa tâm lý lấy điểm thấp, dễ thi” hoặc “bị” chuyển từ các khoa khác sang do không đủ điểm (gọi bổ sung).

Một số thì vì tò mò trước ngành học mới lạ hoặc đơn giản là muốn trở thành các chuyên gia tư vấn tâm lý - giới tính như trong chương trình Cửa số tình yêu trên Đài Tiếng nói Việt Nam.  

Điểm đầu vào thấp, cộng thêm việc chưa rõ sau này ra trường sẽ làm những việc gì đã khiến nhiều sinh viên tâm lý hoang mang, tự ti khi so sánh với sinh viên của các ngành học khác. Không ít người đã xin ngừng học, ôn thi tiếp để chuyển ngành, chuyển trường. Một số coi việc học là cách để kiếm được tấm bằng, còn phần lớn thời gian là để đầu tư cho “sở trường” của mình như làm marketing, viết báo... 

Ở ngành này, sinh viên được học khá nhiều môn có chữ “tâm lý”, bởi gần như lĩnh vực nào của cuộc sống cũng có thể gắn với tâm lý như tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học tội phạm, tâm lý học tôn giáo, tâm lý học quản trị kinh doanh… và cả tâm lý học vũ trụ. Nhưng đó chỉ là những bài giảng chay, thậm chí giáo trình sơ sài, mà ít được thực hành, các môn học bổ trợ cũng không có sự thống nhất giữa các năm. Chính vì thế, nhiều sinh viên càng trở nên chán nản. 

Tuy nhiên đã có một sự biến chuyển rõ rệt trong những năm gần đây. Dễ nhận thấy nhất là tỷ lệ thí sinh ý thức rõ về ngành tâm lý học và những cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp khi đăng ký dự thi đã tăng lên; điểm thi đầu vào cao hơn và chỉ tiêu tuyển sinh tăng đều qua các năm.

Ngành học nhiều tiềm năng

Ngay cả những người trong ngành tâm lý cũng khẳng định rằng trong khi nền tâm lý học thế giới đã có hàng trăm năm phát triển với nhiều thành tựu (đơn cử như tên tuổi của nhà tâm lý học Freud đã trở nên quá phổ biến), thì ở Việt Nam, nó vẫn còn được coi là ngành của tương lai.

“Nếu coi việc đào tạo các kỹ năng để sinh viên tâm lý trở thành nhà tâm lý học thực hành, đủ khả năng trợ giúp thân chủ (khách hàng) vượt qua các vấn đề tâm lý của họ mới là nét chính của việc đào tạo tâm lý học, thì nó chỉ mới manh nha ở Việt Nam”, ThS. Nguyễn Văn Lượt, giảng viên khoa Tâm lý học - ĐHKHXH&NV Hà Nội cho biết.

Nhiều khoa tâm lý học ở các trường đã phân ngành đào tạo chuyên sâu như tâm lý học đại cương, tâm học xã hội, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học quản trị kinh doanh, nhưng khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn chỉ được cấp một tấm bằng chung là “cử nhân tâm lý học”. Với tấm bằng chung như vậy, sinh viên có thể xin vào nhiều vị trí khác nhau, nhưng nếu nhà tuyển dụng muốn nhận những người được đào tạo chuyên sâu thì lại là một khó khăn.

Tuy vậy, trong những năm qua, tâm lý học đã dần chứng minh được sự cần thiết của mình trước xã hội, đặc biệt là chuyên ngành tâm lý học xã hội và tâm lý học lâm sàng. Không chỉ làm công tác giảng dạy tại các trường có bộ môn tâm lý hoặc nghiên cứu tại các trung tâm, viện nghiên cứu, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành các chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học hay các dự án chăm sóc sức khoẻ cộng đồng do nước ngoài tài trợ; trở thành cán bộ giáo dục và trợ giúp tâm lý; làm công tác trị liệu tâm lý tại khoa/bệnh viện... 

Các nhà nghiên cứu/đào tạo tâm lý, các nhà nghiên cứu kinh tế và lao động - việc làm đều nhận định rằng, trong tương lai, tâm lý học lao động và tâm lý học quản trị kinh doanh sẽ là lĩnh vực vô cùng cần thiết ở Việt Nam, bởi đó là những vấn đề mấu chốt, quyết định năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.   

Những thách thức và cơ hội

“Ở nước ngoài, ngành tâm lý và các nhà tâm lý rất được coi trọng; thu nhập của những người làm trong nghề này thuộc vào loại cao và đặc biệt là chưa có ai thất nghiệp”, PGS.TS.Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học đã chia sẻ với các sinh viên như vậy tại diễn đàn hướng nghiệp cho sinh viên ngành tâm lý học vừa được tổ chức tại Hà Nội.  

Ở nước ta, theo thống kê của Khoa Tâm lý học - ĐHKH XH&NV Hà Nội, trong số các  sinh viên tốt nghiệp hàng năm, 70% đã có việc làm, trong đó 30% làm việc đúng chuyên ngành.  

Trên thực tế, cơ hội việc làm cho sinh viên tâm lý hiện nay không thiếu, vấn đề là sinh viên có biết nắm lấy cơ hội hay không. Ngay tại Viện Tâm lý học và Khoa Tâm lý học của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, có rất nhiều vị trí công tác vẫn đang thiếu người và chắc chắn rằng hai cơ quan này sẽ có những đợt tuyển dụng trong thời gian tới. 

Còn theo một đề án đang được Hội Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam kiến nghị lên Bộ GD-ĐT thì sắp tới toàn bộ các trường THPT trên toàn quốc sẽ đều phải thành lập các phòng tư vấn học đường để làm công tác hướng nghiệp và hỗ trợ các vấn đề tâm lý mà học sinh gặp phải. Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là một đầu ra rất lớn cho sinh viên tâm lý. 

Bên cạnh những cơ hội như vậy, trong những năm gần đây, nhiều người có bằng cấp tâm lý đã chủ động thành lập những tổ chức, công ty chuyên về tâm lý nhằm khẳng định vị trí của nghề nghiệp của mình, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Có thể kể đến các công ty như Công ty Hồn Việt (TPHCM) chuyên cung cấp các dịch vụ tâm lý cho doanh nghiệp; Công ty T-Kid và Công ty Con đường mới Equest (Hà Nội) chuyên về phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ em.

Một số sinh viên chỉ vừa tốt nghiệp trong một hai năm qua cũng đã liên kết với nhau để cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý toàn quốc như Công ty Hưng Nam (Hà Nội) với đường dây 1900585861, Công ty Phạm Hà Lê (Hà Nội) với đường dây 1900561241; hay Trung tâm CPEC (Hà Nội) với hoạt động tham vấn và hỗ trợ tâm lý - giáo dục cộng đồng… 

Tuy nhiên, cũng tại diễn đàn hướng nghiệp này, chị Hoàng Tú Anh, đại diện Công ty Tư vấn Đầu tư Y tế cho biết, thách thức lớn nhất mà sinh viên đang phải đối mặt hiện nay là ngoại ngữ và tin học. Nó không chỉ quyết định cơ hội làm việc mà còn quyết định mức lương và khả năng thăng tiến trong công việc.

Chị cũng nhắc đến ý thức về động cơ trong học tập và khi đi xin việc của sinh viên. Đương nhiên, bên cạnh những điều đó, việc trang bị những kiến thức nền tảng về văn hoá - xã hội, các kỹ năng làm việc chung như khả năng sáng tạo, khả năng làm việc nhóm là không thể thiếu. 

Duy Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm