Cơ hội lớn cho thí sinh tại miền Trung theo học tại ĐH FPT

(Dân trí) - Được biết trong năm nay Trường ĐH FPT triển khai đào tạo tại Đà Nẵng, PV <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Châu, Trưởng Ban tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng.

PV: Xin ông cho biết chi tiết về việc triển khai đào tạo tại Đà Nẵng? 

Ông Huỳnh Tấn Châu: Năm 2010, ngoài hai cơ sở đào tạo ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH FPT quyết định triển khai cơ sở đào tạo thứ ba ở Đà Nẵng tại địa chỉ 143 Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Tại Đà Nẵng, trường tuyển sinh và đào tạo đủ cả 3 ngành mà trường đang đào tạo là Công nghệ phần mềm, Quản trị kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng.

Cơ hội lớn cho thí sinh tại miền Trung theo học tại ĐH FPT - 1
Ông Huỳnh Tấn Châu, Trưởng Ban tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng.

Ngoài Công nghệ phần mềm là thế mạnh và là ngành được đào tạo từ khi mới thành lập, trong năm 2009, trường triển khai đào tạo ngành Quản trị kinh doanh và năm nay là ngành Tài chính - Ngân hàng. Vậy, ông có thể cho biết cách thiết kế chương trình đào tạo của các ngành này có gì khác nhau không?

Chương trình đào tạo của tất cả các ngành đào tạo tại Trường ĐH FPT đều được thiết kế dựa trên 5 khối kiến thức là Ngoại ngữ, Kiến thức xã hội, Phát triển cá nhân, Kiến thức chuyên môn và Thực tập định hướng công nghiệp. Về ngoại ngữ, SV được trang bị 2 ngoại ngữ, trong đó ngoại ngữ chính là tiếng Anh là phương tiện để học tập. Ngoại ngữ phụ có thể là tiếng Nhật, tiếng Trung hoặc tiếng Pháp để giao tiếp. Với tiếng Anh ở mức 550 điểm TOEFL và ngoại ngữ phụ ở mức giao tiếp tốt, SV tốt nghiệp hoàn toàn có thể làm việc trong môi trường quốc tế.

Về kiến thức xã hội, ngoài các môn khoa học xã hội - nhân văn theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường còn trang bị cho SV các kiến thức về nền kinh tế tri thức, vấn đề toàn cầu hóa, văn hóa thế giới và văn hóa Việt Nam…

Về các chương trình phát triển cá nhân, SV được trang bị nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng đọc và tự học, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng viết tài liệu, kỹ năng lãnh đạo và quản lý... Đây là những kỹ năng đảm bảo sự thành công cho SV ngay khi còn học và sau khi ra trường.

Về kiến thức chuyên môn, chương trình đào tạo của tất cả các ngành đào tạo đều được thiết kế theo các chuẩn quốc tế. Đối với ngành Công nghệ phần mềm, đó là chuẩn ACM, chuẩn nghề nghiệp ITSS, có tham khảo và cập nhập giáo trình công nghệ của các tập toàn công nghệ lớn như IBM, Microsoft, Oracle… Tiêu chuẩn chất lượng theo chuẩn ABET. Đối với khối ngành kinh tế, đó là chuẩn AACSB. Nội dung chương trình thiết kế theo chương trình của các trường đại học hàng đầu như Wharton University, Swiss Business School. Điểm khác biệt của các chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng ở Trường Đại học FPT là ở tính ứng dụng công nghệ thông tin và xu thế công nghệ trong quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, hoạt động ngân hàng.

Thực tập định hướng công nghiệp là một điểm khác biệt so với cách thiết kế chương trình đào tạo của nhiều trường đại học khác của Việt Nam. Hiện nay, đa số các trường ĐH đều bố trí thực tập ở học kỳ cuối cùng và thường chỉ chiếm 1/20 đến 1/10 tổng thời lượng của khóa học. SV được nhà trường cấp cho một giấy giới thiệu để tự liên hệ địa điểm thực tập. Thông thường, các em ít có cơ hội được làm việc thực tế. Đây là một thiệt thòi cho các em vì giai đoạn thực tập là giai đoạn các em tiếp cận với thực tế để sau này khi tốt nghiệp có thể nhanh chóng hòa nhập với công việc. Cũng vì vậy, các em bị mất đi các cơ hội việc làm. Tại Trường ĐH FPT, SV được đi thực tập từ năm thứ 3 trong vòng 8 tháng đến 1 năm. Các em được gửi về các công ty thành viên của FPT, được phỏng vấn và được ký hợp đồng học việc, được bố trí vào làm các công việc thật và có thu nhập theo mức độ đóng góp thực tế.

Đây là mô hình thực tập on-the-job training. Sau khi kết thúc thực tập, SV quay về trường học năm cuối các môn chuyên ngành hẹp và các môn quản lý. Như vậy, với mô hình thực tập này, khi ra trường SV đã có kinh nghiệm 1 năm làm việc. Vừa qua, SV của nhà trường được các đơn vị thực tế đánh giá rất cao về kỹ năng, công nghệ, ngoại ngữ, khả năng giao tiếp. Có nhiều SV được các khách hàng phỏng vấn và mời đi thực tập onsite ở Mỹ, Singapore, Malaysia. Trong số gần 200 SV vừa kết thúc giai đoạn thực tập, có đến hơn 60 em được các công ty tiếp tục ký hợp đồng lao động chính thức, mặc dù các em còn một năm nữa mới ra trường. 

Trong các năm qua, Trường ĐH FPT là một trong số ít trường đại học có các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính SV hiệu quả. Xin ông cho biết chi tiết về các chương trình này.

Trong các năm qua, thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các phụ huynh và các em học sinh là “Tất cả những ai có năng lực và có ý chí đều có thể theo học tại Trường ĐH FPT”. Điều đó được thực hiện qua các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính SV.

Từ khi thành lập đến nay, mỗi kỳ tuyển sinh nhà trường đều dành ra 80 đến 120 suất học bổng để cấp cho các thí sinh xuất sắc. Mỗi suất học bổng toàn phần có giá trị đến 9.900 USD kèm theo học phí của khóa học tiếng Anh dự bị. Với các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài học bổng còn được nhà trường đài thọ cả chi phí ăn ở, sinh hoạt.

Cũng từ ngày đầu thành lập, trường đã ký thỏa thuận với ngân hàng để tín chấp cho SV được vay tín dụng ưu đãi đóng học phí. Các em có thể được vay tối đa đến 90% học phí. Số tiền này sẽ được hoàn trả sau khi ra trường trong vòng từ 5 năm đến 10 năm.

Từ năm 2009, trường triển khai chương trình “Cùng bạn đầu tư”. Đây có thể coi là mô hình tài chính SV lần đầu tiên và cho đến nay có thể nói là duy nhất có mặt tại Việt Nam. Theo chương trình này, nhà trường dành ra quỹ đầu tư 10 tỷ đồng để cùng gia đình đầu tư học phí cho SV. Các SV có năng lực học tập nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể được đầu tư từ 50% đến 90% học phí. Sau khi ra trường, các em sẽ trích một tỉ lệ nhất định (tối đa đến 4,5%) thu nhập hàng năm trong 20 năm để hoàn trả lại quỹ đầu tư này. Khác với chương trình tín dụng ưu đãi, các em không phải chịu lãi và với tỉ lệ hoàn trả tối đa là 4,5% thu nhập sẽ không ảnh hưởng đến đời sống của các em. Với chương trình này, chúng tôi mong muốn có nhiều em có năng lực nhưng có hoàn cảnh khó khăn sẽ có cơ hội được học tập tại một ngôi trường có chất lượng. Chương trình này cũng thể hiện được cam kết về chất lượng đào tạo của Trường ĐH FPT, bởi vì nếu SV ra trường không có việc làm hoặc có thu nhập thấp, chậm thăng tiến thì quỹ đầu tư này sẽ dần bị triệt tiêu. Chương trình này cũng mang ý nghĩa xã hội to lớn. Bởi vì, khoản tiền do các SV tốt nghiệp hoàn trả lại không phải là nguồn thu của nhà trường mà sẽ được bổ sung vào quỹ đầu tư này để tiếp tục tái đầu tư cho các thế hệ SV tiếp theo.

Trong năm nay, ngoài 3 chương trình nêu trên vẫn tiếp tục được duy trì, trường lại triển khai chương trình học bổng Nguyễn Văn Đạo với tổng số học bổng lên đến hơn 3 triệu USD. Học bổng này cấp cho 100 trường nằm trong top 100 theo kết quả thi ĐH, cao đẳng năm 2009. Mỗi trường được cấp từ 3 đến 6 suất học bổng cho các học sinh xuất sắc nhất. Mỗi suất học bổng có giá trị 9.900 USD kèm theo học phí của khóa học tiếng Anh dự bị. Các học sinh nhận học bổng này không phải thi tuyển kỳ thi ngày 25/4/2010, không phải phỏng vấn và được chọn học bất kỳ ngành nào mà trường ĐH FPT đang đào tạo.

Riêng tại miền Trung và Tây Nguyên, năm nay có chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực Miền Trung có quy mô rất lớn.

Xin ông cho biết chi tiết về chương trình học bổng này?

Mục đích của học bổng này là để chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển của tập đoàn, nhất là nhân lực cho dự án khu đô thị công nghệ cao FPT tại Đà Nẵng cũng như đáp ứng nhân lực cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đối tượng học sinh được tham gia chương trình này là các thí sinh trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh tháng 4/2010 của Trường ĐH FPT và có hộ khẩu thường trú thuộc các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.

Điều kiện để được tham gia chương trình này, ngoài việc thí sinh phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự, thí sinh phải đăng ký học tại học xá Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng và cam kết làm việc cho tập đoàn FPT ít nhất 3 năm.

Đây là học bổng bán phần có trị giá 4.950 USD kèm theo 50% học phí khóa tiếng Anh dự bị. Số lượng cấp là 200 suất cho ngành CNTT và 200 suất cho khối ngành kinh tế (Quản trị kinh doanh và Tài chính - Ngân hàng).

Để được xét cấp học bổng là thí sinh cần đăng ký nhập học trước 31/05/2010. Ưu tiên theo thời gian đăng ký nhập học cho đến khi đủ 200 suất cho mỗi khối ngành.

Ông đã đưa ra rất nhiều thông tin liên quan đến Trường ĐH FPT. Ông có thể tóm lược những điểm được coi là khác biệt của nhà trường?

Có thể tóm lược mấy điểm khác biệt sau: Có kỳ thi tuyển sinh riêng tổ chức vào ngày 25/4/2010. Đào tạo chuyên gia và kỹ sư công nghiệp, nghĩa là đào tạo theo hình thức liên kết chặt chẽ với các DN, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu - triển khai và các công nghệ hiện đại nhất. Chương trình đào tạo được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. SV được trang bị 2 ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là phương tiện để học tập.

Thực tập công nghiệp vào năm thứ 3 từ 8 tháng đến 1 năm tại các công ty của FPT trong và ngoài nước và được tham gia các dự án, công việc thật và có thu nhập. Với các sinh viên xuất sắc sẽ có chương trình đào tạo riêng để có thể tốt nghiệp mà không cần quay về trường.

Có các chương trình học bổng lớn cho sinh viên, đặc biệt là chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực FPT tại miền Trung. Có các chương trình tài chính sinh viên như chương trình tín dụng ưu đãi, chương trình “Cùng bạn đầu tư”. 100% sinh viên đều được hỗ trợ 400 USD để trang bị laptop dùng cho học tập. Có hệ dự bị đại học dành cho các thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh ngày 25/4/2010 của nhà trường nhưng không có điều kiện điểm sàn ĐH năm 2010. Cam kết việc làm cho SV tốt nghiệp.

Xin cám ơn ông.

C.Bính thực hiện