Cơ hội của thí sinh CĐ có thực sự mở rộng?

(Dân trí) - Khác với các mùa tuyển sinh trước đây, năm nay kì thi CĐ được tiến hành theo phương thức “3 chung”. Theo đánh giá của các chuyên gia, thi “3 chung” thí sinh sẽ có thêm cơ hội khi được xét tuyển NV2, 3 vào các trường CĐ khác.

Cụ thể, thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Mặc dù quy định là vậy nhưng trên thực tế vẫn chưa có trường CĐ nào (kể cả trường tổ chức thì và không tổ chức thi) thông báo là xét tuyển NV2, NV3 từ kết quả từ những thi sinh tham dự kì thi CĐ.

Sở dĩ các trường không dám mạo hiểm đưa ra thông báo sớm là vì mỗi năm có hàng trăm nghìn thí sinh trượt hệ ĐH và một trong những giải pháp của họ là tìm đến các trường CĐ. Chính vì thế mà nguồn tuyển của các trường CĐ luôn ở mức dồi dào.

Bên cạnh đó, để chứng tỏ mình, các trường CĐ không tổ chức thi vẫn muốn đảm bảo chất lượng đầu vào nên sự lựa chọn số 1 vẫn là thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH.

Thậm chí có những trường CĐ “top dưới” vẫn cố gắng tổ chức thi để nâng cao chất lượng đầu vào, nhưng nếu thiếu chỉ tiêu thì trường cũng “thờ ơ” với phương án xét tuyển từ những thí sinh tham dự vào các trường CĐ khác.

Chẳng hạn như, năm 2008, mặc dù có đến tận 200 chỉ tiêu nhưng trường CĐ Công nghiệp In chỉ có gần 230 thí sinh đến dự thi. Theo tính toán của trường thì khả năng đủ chỉ tiêu ở NV1 là gần như không thể. Tuy nhiên giải pháp đưa ra vẫn là tuyển NV2 hoặc NV3 từ những thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH khối A.

Theo cách giải thích của ông Đàm Duy Mão, Uỷ viên Hội đồng tuyển sinh của trường thì chỉ có nguồn tuyển từ những thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo của trường lên.

Còn các trường CĐ “top trên” tổ chức thi thì lại muốn chứng tỏ “tầm” của mình nên dường như chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xét tuyển những thí sinh tham dự thi ở các trường CĐ khác.

Theo bà Trần Thị Nga, Phó Hiệu trưởng - Phó chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường CĐ Sư phạm TW, do trường được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi nên đối tượng được quan tâm nhất là thí sinh ĐKDT vào trường. Quan điểm của trường là không xét tuyển từ những thí sinh trường khác, kể cả hệ ĐH.

Đồng với quan điểm của Hiệu trưởng Nga, ông Triệu Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường CĐ Văn Thư lưu trữ TW (nay là trường CĐ Nội vụ Hà Nội) lại có tính toán xa hơn.

“Mặc dù trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1 nhưng số thí sinh “trúng tuyển” ảo là tương đối lớn (chiếm khoảng 50%). Do đó để nâng cao chất lượng đầu vào chúng tôi sẽ xét tuyển NV2 hoặc NV3 từ những thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH nhưng cũng đồng thời hạ mức điểm chuẩn để lấy thí sinh trúng tuyển đợt 2”, ông Cường cho hay.

Như vậy có thể nói, số chỉ tiêu NV2, NV3 dành để xét tuyển các thí sinh tham dự kì thi CĐ chỉ tính trên đầu ngón tay. Do đó cơ hội của thí sinh tham dự kì thi CĐ sẽ không quá rộng như cách mọi người thường nghĩ.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm