Cơ hội cho giáo dục ĐH Việt Nam thay đổi

(Dân trí) - Sáng nay 6/2, Hội nghị cấp cao <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/2/165452.vip">“Giáo dục quốc tế và khả năng tuyển dụng”</a> đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị này là một phần quan trọng trong chương trình sáng kiến của Thủ tướng Anh lần 2 cho giáo dục quốc tế.

Trong sáng kiến này, các chương trình hợp tác chiến lược được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giáo dục quốc gia hiệu quả.

 

Gần 40 nhà hoạch định chính sách và chuyên viên cao cấp trong lĩnh vực giáo dục từ 8 nước ở Đông Á từ Nhật Bản đến Singapore, Thái Lan và Vương quốc Anh đã thảo luận sôi nổi về 3 vấn đề chính:

 

1. Phát triển lực lượng lao động lành nghề đòi hỏi về trình độ chuyên môn cao hơn  trong lực lượng lao động.Vai trò của đào tạo bậc Đại học trong việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Sự mong đợi của nhà tuyển dụng lao động - họ muốn gì từ hệ thống giáo dục.

 

2. Gắn kết các nhà tuyển dụng với việc phát triển các cơ hội học tập suốt đời.

 

3. Các vấn đề về công nhận và thừa nhận chất lượng bằng cấp.

 

Tại hội nghị các đại biểu đều thống nhất rằng, nền kinh tế tri thức trong thế kỷ 21 quan trọng nhất là phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, cần nâng cao chất lượng quản lý, tránh để tình trạng chảy máu chất xám, đặc biệt là vấn đề ngoại ngữ cần được quan tâm hàng đầu.

 

Ngoài ra, vấn đề chất lượng đội ngũ giảng viên, kinh phí đầu tư, môi trường học tập của sinh viên và hệ thống chương trình cần phải được đổi mới. Cần quan tâm tới sự kết hợp giữa giáo dục hướng nghiệp và học thuật.

 

Để toàn cầu hoá và đại chúng hoá giáo dục ĐH cần phải có sự hợp tác giữa các trường ĐH, các nước trong khu vực để cùng nhau phát triển. Trong đó, cần công nhận về văn bằng chứng chỉ, khả năng tìm việc của sinh viên ở tất cả các nước trên toàn cầu.

 

GS Michael Brown, Hiệu trưởng trường ĐH Liverpool John Moores cho biết: “Chúng ta đang tiến tới nền kinh tế tri thức, trong đó  giáo dục đại học rất quan trọng. Xu hướng của toàn cầu hiện nay yêu cầu các Chính phủ làm sao nâng cao nội dung giáo dục đại học vì tiến tới nền kinh tế trí thức là phổ cập giáo dục đại học.

 

Do vậy, giáo dục đại học phải thay đổi mình trong thế kỷ 21, các trường ĐH phải tham gia nhiều vào các vấn đề xã hội, thậm chí là trung tâm nghiên cứu các vấn đề xã hội mà nghiên cứu ở đây theo xu hướng cạnh tranh toàn cầu. Cần phải dạy cho sinh viên về giá trị nhân văn của cuộc sống. Thầy và trò phải học cùng với nhau, cùng nhau trao đổi. Đặc biệt, cần phải dạy cho sinh viên kỹ năng làm việc để khi ra trường mới tìm được việc làm trong xã hội”.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Đây là cơ hội rất tốt để giáo dục Việt Nam học hỏi và thay đổi chất lượng của giáo dục đại học”.

 

Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày mai 7/2. 

H.H