Cô học trò khiếm thị chỉ mong có bộ sách giáo khoa
(Dân trí) - Bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị khiếm thị, đi học gần hết một học kỳ, nhưng Chinh vẫn chưa có sách giáo khoa để học. Dù còn khó khăn đủ bề nhưng em chỉ có một mong ước duy nhất là có một bộ sách giáo khoa chữ nổi.
Chinh là con gái út của chị Nguyễn Thị Mơ, năm nay đã 50 tuổi. Chồng mất sớm, một mình chị Mơ làm lụng nuôi 4 người con. Trong số 4 người con gái thì 3 người bị khiếm thị trong đó có Chinh.
Ngày cô con gái thứ 3 nhận giấy báo nhập học, chị Mơ vừa mừng, vừa gạt nước mắt, mừng vì con đã đậu, nhưng nỗi lo lại ập đến khi hoàn cảnh gia đình biết lấy đâu ra tiền cho con đi học. Thương con, chị nuốt nước mắt để lo cho con nhập học.
Còn em Chinh, thuở nhỏ thấy bạn bè cùng trang lứa đi học em cũng đòi mẹ cho đi học. Thấy con ham học, chị Mơ đã gửi Chinh xuống Trung tâm giáo dục dạy chữ, dạy nghề cho người mù ở Thanh Hóa. Tại đây em đã theo học hết lớp 1 và 2, sau đó do Trung tâm chưa có kế hoạch đào tạo tiếp, nên gia đình đã xin cho Chinh về quê theo lớp học bình thường.
Mặc dù bị khiếm thị nhưng Chinh rất chịu khó học. Nhiều lần thấy con học hành vất vả, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không thể lo nổi nên chị Mơ đã khuyên con bỏ học. Nhưng Chinh vẫn quyết tâm đòi đi học.
Từ nhà đến trường 1km, hàng ngày Chinh dậy từ rất sớm, học bài cũ rồi một mình mò mẫm đến trường rất đúng giờ, học tập chăm chỉ. Bản thân khiếm thị, gia đình nghèo không có điều kiện học nhiều vậy mà năm học 2009 - 2010 em là học sinh giỏi toàn diện của nhà trường. Chinh còn tham gia cuộc thi kể chuyện và em đã tự sáng tác ra câu chuyện “Ước mơ” và đạt giải nhì cấp tỉnh.
Chinh cho biết: "Ước mơ sau này của em là trở thành một cô giáo để dạy chữ cho những người bị khiếm thị như em, còn hiện tại em mong có một bộ sách giáo khoa chữ nổi để em học tập đỡ vất vả hơn".
Cô Nguyễn Thị Thu, hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Vân, cho biết: "Em Chinh là trường hợp đặc biệt trong lớp 6B. Em Chinh rất chăm ngoan, học giỏi, nhưng do điều kiện gia đình và nhà trường còn khó khăn, nên đã gần hết học kỳ I năm học này mà em vẫn chưa có sách giáo khoa dành cho người khiếm thị để học".