Bình Định:

Cô giáo với nhiều sáng kiến giúp học trò khuyết tật

(Dân trí) - Thấu hiểu sự thiệt thòi của những học trò khuyết tật, cô Phương Ái Vân - giáo viên Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định) luôn trăn trở tìm mọi phương cách hiệu quả để giúp các em tiến bộ trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng.

Rèn kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật

15 năm gắn bó với công việc dạy và dỗ học sinh khuyết tật tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, cô Vân dường như đã thấu hiểu được sự mất mát của những đứa trẻ không bình thường, có em khiếm thính, em thiểu năng trí tuệ, lại có trẻ bị tự kỷ… Thế nên, cô Vân luôn dành cho học sinh một tình cảm đặc biệt.

Bình Định: Cô giáo với nhiều sáng kiến giúp học trò khuyết tật

 

Tốt nghiệp khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Quy Nhơn, cô Ái Vân xin về dạy ở Trung tâm Nguyễn Nga, rồi Trường Dạy nghề. Bây giờ là Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn. Về trường, cô Vân được giao phục trách lớp khiếm thính, nhưng do khả năng nghe của học sinh kém dẫn đến tư duy chậm nên việc dạy học các em gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm trăn trở, cô Vân đã thiết kế ra bảng phụ đóng thành quyển sách để dạy môn tập đọc. Đó là viết tất cả nội dung cần truyền tải lên các bảng phụ (bằng giấy cứng) rồi dán hết lên bảng. Với cách làm này, học sinh dễ dàng theo dõi toàn bộ nội dung bài học, trong khi giáo viên có thêm thời gian luyện đọc cho học sinh nhiều hơn. Bên cạnh đó, liên kết các nội dung với nhau để học sinh nhớ dễ nhớ và nhớ lâu.

“Do các em tiếp thu chậm nếu cứ viết lên bảng đọc xong rồi xóa viết chữ khác, vừa mất thời gian mà các em khó theo dõi và quên ngay. Với cách học theo bảng phụ, các em học tiến bộ rõ rệt”, cô Vân chia sẻ.

Cô giáo Phương Ái Vân, GV Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn với nhiều sáng kiến giúp học sinh khuyết tật rèn luyện kỹ năng sống
Cô giáo Phương Ái Vân, GV Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn với nhiều sáng kiến giúp học sinh khuyết tật rèn luyện kỹ năng sống

Năm học 2014-2015, khi đang làm tổ trưởng tổ 3 phụ trách học sinh chậm phát triển, tự kỷ và thiểu năng trí tuệ, với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp, cô Vân thiết kế và làm ra bộ đồ dùng học tập bằng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống xung quanh. Bộ đồ dùng được chia làm 10 chủ đề: Đồ dùng gia đình, đồ dùng học tập, hình khối, môi trường xung quanh, phương tiện giao thông... Kết quả, sau một thời gian thực hành dạy bài thực nghiệm trên hai 1A1 và 1A2, cho thấy hơn 90% học sinh đã phát triển tốt các khả năng quan sát, so sánh, khái quát… cần thiết.

Học sinh chủ yếu là chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ nên phải là một người yêu nghề mới gắn bó lâu dài
Học sinh chủ yếu là chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ nên phải là một người yêu nghề mới gắn bó lâu dài

Năm 2014, cũng từ đề xuất của cô Vân, Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn đã xây dựng phòng học kỹ năng sống và phục hồi chức năng gồm 7 góc kỹ năng được bố trí rất khoa học: góc lễ phép, góc học tập, góc vệ sinh, góc ăn uống, góc giao thông, góc phục hồi chức năng và góc ngăn nắp.

“Ở mỗi góc đều có hình ảnh minh họa từng động tác và câu hướng dẫn thích hợp với từng chủ đề giúp học sinh dễ hiểu, hình ảnh sinh động giúp các cháu nhớ lâu”, cô Vân nói.

Với nhiều sáng kiến giúp học sinh khuyết tật học tập và rèn luyện kỹ năng sống tốt, cô Phương Ái Vân vinh dự là Chiến sỹ thi đua 2 năm liền cấp cơ sở; được UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen. Đặc biệt, ngày 23/11 tới đây, cô Vân sẽ ra Hà Nội nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT tuyên dương giáo viên có thành tích dạy và quản lý học sinh khuyết tật toàn quốc.

Vừa dạy vừa dỗ

Khác với môi trường giáo dục bình thường, học sinh ở đây chủ yếu là trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… nên phải có sự quan tâm, yêu thương hơn. Xuất phát từ tình thương đối với các em, cô Vân mới gắn bó với nghề lâu dài.

Phụ huynh tặng hoa cho cô Ái Vân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Phụ huynh tặng hoa cho cô Ái Vân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

“Đặc thù học sinh của trường là các cháu khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, rất khó bảo nên phải vừa dạy, vừa dỗ. Đôi khi tôi thấy mệt mỏi, bạn bè cũng nói tôi sao không xin qua trường khác mà dạy. Tôi lắc đầu vì khi tiếp xúc với các em rồi, thấy thương không bỏ được. Niềm hạnh phúc của người giáo viên là chứng kiến sự tiến bộ của các em. Đó là động lực để tôi tìm ra nhiều giải pháp mới giúp các em học tập tốt, rèn luyện kỹ năng tốt hơn để các em sớm hòa nhập cộng đồng, xã hội” - cô Vân trải lòng.

Ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn khẳng định, nhờ có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, cô giáo Phương Ái Vân luôn là tấm gương điển hình trong phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm của trường. Thiết thực nhất là sáng kiến về tổ chức các góc học tập để giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự phục vụ của các cháu là rất quan trọng.

Doãn Công 

(Email: ledoancong@dantri.com.vn)