Cô giáo tương lai trải lòng hiện tượng người dạy "mượn sóng" để nổi tiếng

Hồng Minh (Ảnh: NVCC)

(Dân trí) - "Ở phương diện người dạy học, cần phân định rõ ràng điều gì nên làm, điều gì không. Chỉ vì muốn nổi tiếng mà sử dụng các chiêu trò không tốt, thật sự đáng lên án".

Lê Thị Huệ Anh sinh năm 2000, hiện là sinh viên Lớp B, Khóa 68, Khoa Lí luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Huệ Anh gây chú ý bởi ngoại hình xinh xắn, ngọt ngào và thành tích học tập xuất sắc. Năm nào, nữ sinh cũng đạt điểm số cao, đạt nhiều giải thưởng và tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, tình nguyện trong sự ngưỡng mộ của bạn bè.

Cô giáo tương lai trải lòng hiện tượng người dạy mượn sóng để nổi tiếng - 1

Lê Thị Huệ Anh sinh năm 2000, hiện là sinh viên Lớp B, Khóa 68, Khoa Lí luận chính trị - Giáo dục công dân, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nữ sinh chia sẻ về định hướng công việc với PV Dân trí"Ngày học cấp 3, mình may mắn khi có cô giáo chủ nhiệm giảng dạy môn Giáo dục công dân và mình cũng lựa chọn môn này để thi học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh. Khi có sẵn nền tảng đó, mình đã quyết định lựa chọn thi vào Trường Sư phạm và học chuyên ngành chính là Giáo dục công dân.

Học tập ở ngôi trường "nhân đôi tính sư phạm", mình có được rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Từ cách thức học, đến việc giảng dạy của các thầy cô trong trường đều rất mới mẻ, khác xa hoàn toàn so với những gì mình từng nghĩ trước đây. Các hoạt động trong trường cũng giúp mình rèn luyện thêm rất nhiều kĩ năng, tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm và biết cách cân bằng thời gian cho mọi việc".

Cô giáo tương lai trải lòng hiện tượng người dạy mượn sóng để nổi tiếng - 2
Huệ Anh không chỉ sở hữu nhan sắc ngọt ngào mà còn đạt nhiều giải thưởng và tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, tình nguyện trong sự ngưỡng mộ của bạn bè.

Huệ Anh thường vạch ra những kế hoạch cho công việc và thời gian học, ưu tiên những việc quan trọng hơn trước, để đảm bảo cả hai đều đạt kết quả tốt.

Nói về bí quyết học tập của mình, nữ sinh chia sẻ: "Mình nhận thấy các môn học trong Khoa đều rất bao quát, sinh viên được học một cách toàn diện khi mà gần như hội tụ cả những kiến thức liên quan tới Toán, Sử, Địa hay Văn chứ không chỉ riêng gì về các kiến thức chuyên ngành về đạo đức hay pháp luật. Các thầy cô giảng dạy về cả những phương pháp dạy học, thiết kế bài giảng,... áp dụng trong cả chương trình mới của Bộ GD-ĐT.

Thông qua các môn học, chúng mình sẽ có các kĩ năng về giao tiếp, đứng lớp giảng dạy, và đặc biệt là cũng thành thạo hơn trong việc sử dụng Công nghệ thông tin cả trong dạy và học. Nhờ có những nguồn cảm hứng từ thầy cô, những kiến thức thú vị cũng như đam mê với nghề, mình luôn cố gắng hoàn thành việc học và các hoạt động Đoàn - Hội trong trường một cách trọn vẹn nhất".

Ở cô giáo tương lai này luôn có tinh thần trách nhiệm cao với lối suy nghĩ quyết đoán. Cô tỏ ra khá buồn và trăn trở khi vẫn còn rất nhiều người cho rằng môn Giáo dục công dân (GDCD) là "môn học phụ".

Nữ sinh chia sẻ: "Tuy bây giờ môn GDCD cũng đã trở thành một môn thi quan trọng trong kì thi tốt nghiệp THPT, nhưng hầu như mọi người vẫn luôn xem nhẹ môn học này. Nhìn lại những năm gần đây, có thể thấy đạo đức con người cũng như các vấn đề về pháp luật trong đời sống diễn ra ngày một tệ hơn. Mình thấy rằng, chính môn GDCD sẽ là môn định hướng, giúp đỡ các em học sinh một cách toàn diện hơn về hình thành nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, đúng đắn. Mình cũng mong là trong những năm tới, môn GDCD sẽ ngày càng được coi trọng hơn, sẽ được mọi người hiểu đúng hơn về vai trò và tầm quan trọng của môn học này".

Cô giáo tương lai trải lòng hiện tượng người dạy mượn sóng để nổi tiếng - 3
Ngoài đời, Huệ Anh có phong cách khá năng động, hiện đại, trái với hình ảnh thùy mị, nữ tính khi lên giảng đường.

Đánh giá về việc những bạn trẻ, giáo viên trẻ đang mượn sóng livestream, để gây sự chú ý hiện nay, nữ sinh đưa ra quan điểm: "Đã là giáo viên thì có thể lựa chọn các hình thức khác nhau để truyền tải kiến thức đến học sinh.

Mình thấy dạy học online vốn rất tốt, tiện lợi khi các em học có thể xem lại nếu muốn, chỉ cần có thời gian là có thể học, giúp bổ sung thêm nhiều kiến thức mới, khó. Nhưng ở phương diện một người dạy học, cần phân định rõ ràng điều gì nên làm, điều gì không.

Nếu chỉ vì muốn nổi tiếng mà sử dụng các chiêu trò không tốt thì thật sự là đáng lên án. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới việc hình thành suy nghĩ không tốt của các bạn trẻ về những người thầy người cô trong tương lai. Mình sẵn sàng lên lớp ở cả hình thức trực tiếp và online, nhưng chắc chắn sẽ không có những hành động quá khích hay vượt ra khỏi khuôn phép của một người giáo viên" - Huệ Anh khẳng định.

Cô giáo tương lai trải lòng hiện tượng người dạy mượn sóng để nổi tiếng - 4
Trước vấn đề những bạn trẻ, giáo viên trẻ đang mượn sóng livestream, để gây sự chú ý hiện nay, Huệ Anh bày tỏ quan điểm khá thẳng thắn: người giáo viên có thể lựa chọn các hình thức khác nhau để truyền tải kiến thức đến học sinh, nhưng cần phân định rõ ràng điều gì nên làm, điều gì không.

Nguồn cảm hứng trong cuộc sống và công việc của nữ sinh đến từ gia đình và chính bản thân cô. Sự kì vọng của bố mẹ giúp cô luôn suy nghĩ tích cực trong mọi vấn đề, giải quyết công việc một cách ổn thỏa nhất.

Hiện nay, nữ sinh đang cố gắng hoàn thành việc học tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội và từng bước tiến gần đến với ước mơ trở thành người giáo viên đứng trên bục giảng. "Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp" - đó là điều mà Huệ Anh luôn tâm niệm và cố gắng theo đuổi.