(Dân trí) - Đối diện với thời tiết khắc nghiệt, hoàn cảnh sống thiếu thốn ở vùng cao, thế nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thủy vẫn kiên trì gắn bó với mảnh đất Pa Cheo (Lào Cai) 14 năm nay.
(Dân trí) - Đối diện với thời tiết khắc nghiệt, hoàn cảnh sống thiếu thốn ở vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Thủy vẫn kiên trì gắn bó với mảnh đất Pa Cheo (Lào Cai) suốt 14 năm nay.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy (SN 1987) đang công tác tại Trường PTDTBT THCS Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhiều năm qua, cô Thủy luôn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, là Tổng phụ trách Đội giỏi cấp huyện.
"Vào năm 2009, hầu như các thầy cô ra trường đều phải đi vùng cao giảng dạy, có bạn còn phải đi xa hơn mình rất nhiều. Thậm chí, nhiều bạn còn không xin được việc mà phải đi làm việc khác hoặc xuống dạy tiểu học. Vì thế, khi được Sở Giáo dục & Đào tạo Lào Cai phân công dạy ở xã Pa Cheo mình rất sẵn lòng. Mình cảm thấy may mắn khi nhận được công việc", cô tâm sự.
Xác định tâm lý sẽ đi dạy học vùng sâu, vùng xa, cô Thủy chuẩn bị hành trang lên đường.
Trường cấp 2 cô Thủy được phân công giảng dạy khi ấy có điều kiện khó khăn đủ mọi bề. Cô nhớ lại: "Thời điểm đầu lên đây thật sự khó khăn. Trường có 4 lớp học nhưng chỉ có mỗi một căn nhà cấp 4, học sinh phải học trong lớp học dựng tạm, nhà tranh vách nứa.
Nơi ở cũng thiếu thốn, thầy cô phải ở nhà trong căn chòi tứ phía che bằng bạt. Thời tiết khắc nghiệt, thậm chí mùa đông còn có tuyết rơi. Hiện tại, do sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp, các ngành, thầy cô đã có chỗ ở khang trang hơn. Chỉ có khó khăn về đường đi".
Cô chia sẻ: "Bà con nơi đây 100% là dân tộc H'Mông, đa phần là hộ nghèo. Nhiều người lớn lên với tư tưởng "trọng nam khinh nữ", cho rằng các bạn nữ phải ở nhà để giúp bố mẹ hoặc đi lấy chồng. Do vậy, nữ sinh nơi đây rất rụt rè và hay nghỉ học".
"Mình vẫn nhớ như in bài hát đầu tiên dạy cho các em là bài "Hoa vườn nhà Bác", mình dạy múa cho các em khi các em vẫn chưa hiểu múa là như thế nào. Lần đầu nghe tiếng nhạc người Kinh các em khóc và không chịu tập theo, mình phải rèn mất mấy tháng", cô Thủy nhớ lại những ngày đầu tiên đi dạy và làm Tổng phụ trách đội.
Khi đến đây, cô đã giúp cho các hoạt động của trường trở nên sôi nổi hơn. Nhờ vậy, mọi người đã có cái nhìn khác về Pa Cheo, một ngôi trường luôn tích cực tham gia và hoàn thành tốt các phong trào của xã, huyện.
"Sự yêu quý của các em học sinh, sự quý mến của bà con, chính quyền, Ban giám hiệu và các anh chị em trong trường đã khiến mình rất cảm động. Nhưng quan trọng nhất vẫn là lòng yêu nghề, nó đã giúp mình kiên trì với công việc bao năm nay", cô Thủy tâm sự về động lực duy trì sứ mệnh "trồng người".
"Học sinh của mình 100% là dân tộc H'Mông, với vốn tiếng Kinh ít ỏi, dạy văn ở đây thật sự là một thách thức lớn. Thế nhưng, sau những năm cố gắng, mình cũng đã mạnh dạn ôn học sinh giỏi Ngữ văn. Thấy được những khó khăn trước mắt, mình đã tham mưu cùng sếp để bàn bạc đưa ra phương án tốt nhất", cô Thủy chia sẻ.
Cô đã quyết tâm đi học thêm chuyên môn đồng thời cùng học sinh xuống trường nội trú dưới thị trấn 2 tuần để học hỏi phương pháp giảng dạy. Sự cố gắng của cô được đền đáp khi cô đã đào tạo nên những học sinh giỏi Ngữ văn cho Trường PTDTBT THCS Pa Cheo.
Tư tưởng cũ của nhiều người dân nơi đây gây ra nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học. Nhiều bạn học sinh cấp 2 đã phải trở thành lực lượng lao động chính trong gia đình. Vì thế việc đến trường đối với các bạn là điều "không tưởng". Phải nhờ tới rất nhiều sự nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích của giáo viên cũng như chính quyền địa phương, tình hình hiện tại mới có sự cải thiện đáng kể.
Mặt khác, tư tưởng cổ hủ cũng khiến các học sinh nơi đây từng rất nhút nhát, đặc biệt là các bạn nữ.
Khi mới vào trường, cô Thủy nhận thấy các sinh hoạt của học trò như ban cán sự lớp, sao đỏ..., đều là do nam sinh đảm nhiệm. Nắm bắt được thực trạng đó, từ năm 2011 cô đã đề xuất thành lập "Câu lạc bộ Bạn gái" nhằm giúp các bạn nữ mạnh dạn hơn.
Bên cạnh đó, cô Thủy cũng tích cực tìm hiểu thông tin, dạy cho các bạn học sinh những vấn đề về bình đẳng giới, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, giáo dục về hôn nhân, giáo dục về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thông qua những bài giảng trực quan, cô giáo trẻ đã giúp cho học trò nhận thức được sự bất bình đẳng giữa nam nữ trong xã hội xưa và sự thay đổi của xã hội ngày nay, mang đến sự hiểu biết cho các bạn học sinh người H'M
Nhờ vậy, vào những năm gần đây, các bạn nữ đã mạnh dạn hơn, đạt được thành tích cao và tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp.
Ngoài giờ lên lớp, cô Thủy tích cực tạo ra các phong trào hoạt động tình nguyện tại trường như giúp đỡ, vận động quyên góp quần áo cho học sinh vào mùa đông. Cô cũng thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh như đi gặt lúa, đi cấy, bẻ ngô...; các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ múa hát.
Bản thân cô Thủy lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, không có một tuổi thơ trọn vẹn như bao người. Nhưng bằng ý chí và nghị lực vươn lên, cô Nguyễn Thị Thủy đã trở thành một giáo viên nhiệt huyết, bao năm "gieo con chữ" trên mảnh đất Pa Cheo.
Cô Thủy kể lại: "Bố mẹ đã ly hôn khi mình vừa lên 6, khi ấy hai em mình còn rất nhỏ, mọi gánh nặng đều đặt lên vai mẹ. Bốn mẹ con đã sống rất vất vả".
Do hoàn cảnh gia đình nên cô Thủy phải đi học muộn hơn so với các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, mẹ của cô luôn cố gắng khi nuôi ba người con "ăn học đến nơi đến chốn". Năm vào cao đẳng, gia đình không đủ tiền cho cô đi học nên cô đã đi học nhờ vào số tiền vay vốn sinh viên.
Giờ đây, cô Thủy đã có gia đình riêng với hai con nhỏ. Chồng cô đang công tác tại Trung tâm Viễn thông thành phố Lào Cai. Nhà cô cách trường khoảng 60km nên cô thường xuyên phải ở lại trường để tiện cho việc giảng dạy.
Cô Thủy chỉ về nhà vào cuối tuần và dành trọn vẹn hai ngày thứ 7, Chủ nhật để ở bên gia đình.
Dù thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ nhưng hai con của cô giáo vẫn rất ngoan và học tốt. "Năm ngoái, con gái còn thi cả đỗ trạng nguyên cấp tỉnh", cô giáo tự hào chia sẻ.
Về dự định tương lai cô chia sẻ: "Mình chưa từng có ý định chuyển công tác để thuận lợi hơn cho cuộc sống. Mình chỉ muốn ở lại để cống hiến cho người dân nơi đây. Mình muốn làm ở đây đến khi về hưu".
Nội dung: Bùi Sáng
Thiết kế: Tuấn Huy
Ảnh: NVCC