Cô giáo mầm non 9X và chuyện 20 tuổi làm mẹ 60 trẻ
(Dân trí) - “Chỉ mới 20 tuổi, chưa từng trông một đứa trẻ, bỗng một ngày phải khoác lên mình trách nhiệm "người mẹ" của 60 đứa con khiến em rất áp lực. Năm đầu tiên, em luôn ngủ mê mỗi khi trở về nhà, bị ám ảnh tiếng khóc của trẻ” ...
Trên đây là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Uyên, sinh năm 1990, giáo viên trường mầm non Thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Cô vừa được trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Nếu buồn chán sẽ không còn yêu nghề nữa
Uyên sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo viên. Mẹ Uyên là giáo viên mầm non, cô ruột là giáo viên cấp1, chị dâu là giáo viên cấp 2. Có lẽ thế, ngay từ nhỏ, cô bé đã luôn mong ước mình trở thành một nhà giáo.
“Hãy đam mê khi còn có thể. Đam mê giúp ta phát triển, đam mê giúp ta sáng tạo, đam mê giúp ta bứt phá, dám đi trên những con đường mới... Hãy luôn nói với bản thân và mọi người xung quanh: “Nhà giáo là tâm huyết, là đam mê, là sáng tạo. Tôi tự hào khi tôi là một nhà giáo”, cô viết.
Thế nên tốt nghiệp ngành sư phạm, Uyên vào trường mầm Thị trấn Sóc Sơn làm việc, là một trong 4 giáo viên của lớp mầm non lớn với 60 trẻ.
Cô Uyên chia sẻ thêm: "Những ngày đầu áp lực lắm, em toàn nằm mơ khiến bố mẹ rất lo lắng. Cũng may, bố mẹ em động viên rất nhiều, rằng phải cố gắng lên."
“Mỗi nghề có một cái duyên riêng. Mình đến được với nó nghĩa là đã có duyên nên phải cố gắng. Con không nên buồn chán, nếu không sẽ không còn sự tâm huyết và yêu nghề nữa”, bố mẹ Uyên đã nói như vậy.
Ngoài ra, theo Uyên, vì hai mẹ con cùng nghề nên những ngày đầu bỡ ngỡ, mẹ chính là người truyền kinh nghiệm cho con gái bằng tất cả tấm lòng và trái tim của một nhà giáo. “Trong những lúc khó khăn và mệt mỏi nhất, em nhớ mãi một câu mà mẹ đã từng nói với mình, dù con có đổi nghề thì nghề đó có vất vả hơn không? Nếu nghề đó còn vất vả hơn nghề giáo viên thì con định đổi nghề gì? Bất cứ nghề nào trong xã hội cũng đều có những vất vả riêng.
Vì vậy việc con cần làm là không được trốn tránh mà phải tìm cách vượt qua khó khăn đó. Và cách vượt qua khó khăn nhanh nhất chỉ có thể khi tự bản thân con phải yêu lấy nghề, yêu những học sinh của mình”, Uyên nhớ lại.
"Tình yêu con trẻ khiến em quên mọi thứ vất vả"
Được biết bố Uyên là bác sĩ. Trong những ngày đầu chập chững vào nghề, trong khi mẹ là người động viên tinh thần thì bố là người tiếp thêm can đảm cho cô bước chân ra ngoài đời.
Cô tâm sự: “Vì là bác sĩ nên những lúc em mỏi mệt, bố là người luôn biết cách chăm sóc cho em. Đó là những lúc em thức khuya, bố pha cho em cốc nước sâm, hoặc buổi sáng thường chuẩn bị cho con bữa ăn đủ dinh dưỡng, chuẩn bị cho ngày làm việc mệt nhọc. Em luôn biết ơn bố mẹ vì đã ở cạnh em, giúp em vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời”.
Chia sẻ về nghề giáo viên mầm non vất vả trong khi họ phải làm việc liên tục từ 6h30 sáng đến 5h chiều mỗi ngày, Uyên cười hiền lành, ba năm đầu trong nghề, em nhận mức lương hợp đồng ít ỏi. Đến năm 2014, em được vào biên chế, mức lương đến thời điểm tháng 8 vừa qua là 4 triệu đồng/tháng. Sau đó, em nhận công tác mới tại Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn.
Khi hỏi mức lương mầm non có đủ trang trải cho cuộc sống không, Uyên chia sẻ, do chưa lập gia đình, mức chi tiêu không nhiều nên cô không gặp khó khăn về tài chính. Nhưng nhìn chung, theo đánh giá của Uyên, mức lương này so với các ngành nghề khác là thấp.
“Dù tiền lương không cao nhưng em vẫn luôn cố gắng hết sức. Em tâm niệm, một giáo viên tốt sẽ tạo ra nhiều thế hệ học trò tốt. Ở bậc mầm non, người lớn góp phần quan trong trong hình thành và phát triển nhân cách của các em. Nhiều khi tình yêu với con trẻ quá lớn lao khiến tôi không để ý những thứ xung quanh, chỉ dồn hết tâm huyết của mình với nghề”, Uyên nói.
“Nhiều phụ huynh hỏi, ở nhà họ chỉ có hai người con đã rất vất vả, tại sao cô giáo có thể trông 60 trẻ trong một lớp?”, Uyên kể lại và vui vẻ cho hay, đó là kĩ năng nghề. Các bạn đến lớp thường đua nhau. Do đó, giáo viên vừa tổ chức hoạt động và có những lời động viên các con. Chẳng hạn, hàng tuần có những món quà nhỏ cho các bạn như đóng một dấu đỏ vào tay nên các con thích lắm. Đấy cũng là một trong những bí quyết của các cô giáo trong việc gần gũi các bé.
500 hình ảnh ngộ nghĩnh, 1.000 âm thanh sống động
Vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới vào nghề, cùng lòng yêu trẻ, sự thôi thúc tìm ra những đổi mới trong cách giáo dục, năm 2016 – 2017, cô giáo Nguyễn Thị Uyên thiết kế sản phẩm công nghệ thông tin Thiết lập một số trò chơi khám phá khoa học dành trên máy tính cho trẻ mẫu giáo.
Sản phẩm được ghi ra đĩa tạo thành chương trình vừa chơi vừa học với tên gọi Chương trình khoa học nhí, phổ biến đến giáo viên cũng như phụ huynh của trường, được sử dụng trong lớp cũng như ở nhà.
Chương trình là cả một thế giới với nhiều màu sắc, thú vị và đòi hỏi sự tư duy, tính kiên trì cao, tổng hợp 500 hình ảnh ngộ nghĩnh, 1.000 âm thanh sống động từ tiếng âm nhạc, tiếng cô giáo, tiếng nói bạn thơ.
Năm 2013 – 2014, khi thiết lập trò chơi Hải đảo trên máy tính, cô giáo Uyên mỗi ngày chỉ ngủ 1 đến 2 giờ đồng hồ, liên tiếp trong một tháng. Trong lần trình bày ý tưởng tại Hội đồng khoa học TP Hà Nội về phần mềm đồ chơi cho trẻ em, một thành viên của Hội đồng hỏi: “Nếu có một công ty chuyên thiết kế các phần mềm trò chơi mời bạn thiết kế các phần mềm trò chơi cho họ và trả một mức lương rất cao. Vậy bạn có sẵn sàng từ bỏ nghề giáo viên để chuyển sang làm ở công ty đó không?”, Uyên trả lời, sẽ tiếp tục cống hiến cho ngành mầm non.
Mỹ Hà (ảnh: NVCC)