Cô giáo lúng túng khi bé gái lớp 1 bị anh lớp 6 “quấy rối” trong thang máy
(Dân trí) - Cô học trò lớp 1 tìm đến mách cô giáo khi bị một anh học lớp 6 sờ vùng nhạy cảm, nói lời khiếm nhã khi đi trong thang máy. Cô giáo lúng túng trong tình huống ngoài hình dung này.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ) kể mới đây bà gặp một giáo viên ở TPHCM tìm đến hỏi ý kiến chuyên môn về tình huống sư phạm ít có trong hình dung của nhiều người.
Một bạn gái lớp 1 đi thang máy, bị anh lớp 6 đưa tay sờ vào chỗ nhạy cảm kèm câu nói không phù hợp. Cô học trò kể lại với cô giáo và giờ đây, giáo viên đang cân nhắc nên giải quyết thế nào.
Bác sĩ Lan Hải cho hay, đây thực chất là một vụ quấy rối tình dục trẻ em do một trẻ lớn hơn gây ra. Phải xử lý nghiêm túc, đúng mực, tôn trọng cả học sinh lẫn kỷ cương học đường, không để trở thành một vấn đề bình thường và được “chấp nhận” ở trường.
Trường học phải là nơi làm sao để học sinh cảm thấy an toàn khi đến lớp, tự tin lui tới bất kỳ địa điểm nào trong trường mà không gặp nguy hiểm, được tôn trọng, được bảo vệ và tự hào về ngôi trường của mình.
Trong trường hợp này, bác sĩ Hải nhấn mạnh, việc xử lý phải đảm bảo nguyên tắc, gặp riêng trước, gặp ba bên sau; làm việc nội bộ trước, làm việc với gia đình sau.
Với em học trò nữ, cần tạo một không khí tin cậy giữa cô và trò, hãy khen em biết báo cho cô là đúng (trẻ chủ động nói với người lớn là yếu tố quan trọng để ngăn chặn chuyện này tái diễn hoặc xảy ra với các em khác), khen em đã biết quyền được bảo vệ của mình. Đồng thời hãy hỏi cảm xúc của con lúc ấy, hỏi ý kiến em, cô phải phạt anh ấy thế nào?...
Đây là cơ hội để giảng giải thêm cho em biết, các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng như bị nam giới nhìn chằm chằm, cố ý để lộ các bộ phận cơ thể, huýt sáo trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bên ngoài... Trong các tình huống này, hãy áp dụng No - Go - Tell (Tỏ thái độ không đồng ý, Bỏ đi/Bỏ chạy và Nói lại cho người lớn biết).
Với bạn nam sinh có hành vi trên, hãy hỏi lý do em làm vậy với bé? Em có nhận thức được đây là hành vi phản cảm, thiếu lịch sự trong ứng xử học đường không?
Hơn thế, đây là hành vi đụng chạm vùng riêng tư của người khác - đặc biệt là người khác giới trong một không gian hẹp và kín như thang máy? Em có biết từng cử chỉ, thái độ của em đã được camera an ninh ghi lại?
Ngay cả cách đùa cợt như vậy với bạn cùng giới ở sân trường, góc lớp, phòng vệ sinh cũng bị phạm vào tội quấy rối tình dục, bắt nạt học đường và có thể dẫn đến cãi vã, đánh nhau.
Sau khi nghiêm túc kiểm điểm, nam sinh cần phải xin lỗi em nhỏ trước sự chứng kiến của giáo viên hai lớp.
Sau đó, giáo viên cần trao đổi với phụ huynh. Với phụ huynh bé gái, kể lại sự trưởng thành của bé, cách giải quyết dứt điểm của trường. Nếu cần thiết, hãy đề cập đến "văn hóa post facebook", hễ "có biến" là đưa lên mạng xã hội có thể đẩy con vào ầm ĩ không đáng có, dẫn đến sự kỳ thị kéo dài cho học sinh cả hai phía.
Với bạn nam, mời phụ huynh của em lên, thông báo về chuyện có “đụng chạm và lời nói không phù hợp” của con trai họ. Khẳng định đây không thể là cử chỉ tự nhiên, bình thường của nam giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, mà là hành vi thiếu văn minh, vi phạm văn hóa ứng xử học đường và nếu tái phạm sẽ bị kỷ luật, trừng trị.
Giáo viên hãy đề nghị gia đình cùng nhà trường "điều chỉnh hành vi" cho em. Chú ý, đừng dùng những từ "uốn nắn, dạy dỗ, theo dõi...", dễ gây tự ái, không hợp tác.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải lưu ý, chuyện chỉ vài dòng nhưng cần xử lý khéo léo, cẩn thận, nhất là trong môi trường giáo dục. Người lớn, cả phụ huynh và nhà trường tránh sa vào hai hướng dễ mắc phải:
Một hướng coi đó là "chuyện trẻ con", học trò nghịch dại, cho rằng việc khai báo hành vi này là hoàn toàn không cần thiết nên lờ đi, bỏ qua, không nhắc đến và không có cách ngăn chặn.
Một hướng thái quá khác là làm to chuyện lên, coi là “vụ án điểm”, lấy đó răn đe người khác làm chuyện tương tự. Làm cho các em có thể bị gán những nickname gây ám ảnh và kéo dài đến suốt đời không gột rửa được.
Hoài Nam