Đồng Tháp:

Cô giáo 9X ở làng hoa Sa Đéc khởi nghiệp với trà hoa

(Dân trí) - Vốn là giáo viên nhưng với niềm đam mê sưu tầm và chế biến các sản phẩm từ hoa, cô giáo Lương Thị Diễm Trinh (26 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc) đã chọn hoa để khởi nghiệp. Đến nay, cô giáo trẻ này tạo ra một bộ sưu tập trà hoa rất độc đáo, được nhiều người đón nhận và đánh giá cao.

Năm 2014, Diễm Trinh tốt nghiệp Cao đẳng ngành Sư phạm Sinh - Hóa, sau đó được nhận vào giảng dạy tại Trường THCS Trần Thị Nhượng (TP Sa Đéc), phụ trách giảng dạy môn Sinh học và là tổng phụ trách Đội.

Ngoài công tác chuyên môn được phân công, vận dụng kiến thức đã học và học hỏi từ nhiều nơi, cô Diễm Trinh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê sưu tầm và chế biến ra các sản phẩm trà hoa. Ban đầu, chỉ là trà hoa hồng, sau đó là hoa đậu biếc rồi đến trà hoa nguyệt quế, đinh lăng, trà vỏ bưởi…

Cô Diễm Trinh cho biết lúc đầu chỉ sản xuất dùng trong gia đình, sau đó biếu bạn bè dùng thử và được nhiều người khen ngợi, từ động lực đó, cô quyết định làm ra số lượng nhiều để cung cấp cho người tiêu dùng.

Cô giáo 9X ở làng hoa Sa Đéc khởi nghiệp với trà hoa - 1

Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, cô giáo Diễm Trinh dành nhiều thời gian nghiên cứu, đọc thêm sách vở để làm trà từ hoa.

 

Hiện nay, cô Diễm Trinh đã tự tạo ra bộ sưu tập trà hoa cho riêng mình và cung ứng số lượng lớn cho thị trường, doanh thu từ việc bán trà cũng mang lại cho cô thu nhập mỗi tháng vài triệu đồng.

Nói về niềm đam mê của mình, cô Diễm Trinh chia sẻ: “Thật ra trước đây tôi rất thích ngành Dược, được sinh ra ở làng hoa nữa nên thường sưu tầm và tìm hiểu về các công dụng của hoa qua một số bác sĩ Đông y và tìm trong sách y dược tôi phát hiện ra hoa không chỉ làm đẹp mà còn có thể dùng trong thực phẩm tốt cho sức khỏe nữa nên quyết định tạo ra các sản phẩm trà hoa”.

Điều đáng quý ở cô giáo trẻ này là tinh thần học hỏi và say mê tìm tòi, những sản phẩm trà hoa phần lớn nguồn nguyên liệu để sản xuất trà đều do tự tay cô trồng. Tận dụng diện tích hơn 1.000m2 đất vườn nhà, cô Diễm Trinh trồng hoa đậu biếc, đinh lăng, nguyệt quế…, tất cả đều được trồng theo phương pháp an toàn sinh học, không sử dụng phân bón hóa học để có nguồn nguyên liệu sạch.

Hiện nay cô Trinh cung ứng cho khách hàng trong và ngoài TP Sa Đéc và bán hàng qua mạng đi nhiều nơi trong cả nước, thông qua những sản phẩm như thế đã phần nào giúp nhiều người hiểu thêm công dụng mà hoa mang lại.

Cô giáo 9X ở làng hoa Sa Đéc khởi nghiệp với trà hoa - 2

Theo cô Diễm Trinh, mỗi lần thất bại là tự đúc kết ra những bài học cho bản thân, nhờ đó hiện tại các sản phẩm làm ra đã được như ý.

 

“Ban đầu làm thì cũng gặp không ít khó khăn nhưng qua những lần đó, tôi tự rút ra bài học cho bản thân để những lần sau làm tốt hơn và bây giờ thì tôi đã tạo ra những sản phẩm như ý muốn. Tôi muốn truyền cảm hứng cho các em không chỉ là những kiến thức trong sách vở mà cả những kiến thức trong thực tế. Qua những giờ dạy Sinh học trên lớp, tôi cũng muốn các em hiểu hơn về hoa, một đặc sản của địa phương để sau này khi các em lớn lên các em có thể làm thêm điều gì đó cho làng hoa của mình” - cô Diễm Trinh chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Ánh Quyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) TP Sa Đéc, dự án trà hoa của cô Trinh đã được đưa vào dự án khởi nghiệp năm 2019 của Hội LHPN thành phố để có những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Trước mắt, Hội LHPN xã Tân Quy Tây sẽ hỗ trợ cho mô hình này đăng ký về an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, thương hiệu, giấy phép kinh doanh cũng như sẽ hỗ trợ cô Trinh tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức về kinh doanh, về khởi sự lập nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm để tìm hướng phát triển rộng hơn.

Cô giáo 9X ở làng hoa Sa Đéc khởi nghiệp với trà hoa - 3

Hiện tại, sản phẩm trà hoa cô Diễm Trinh rất được nhiều người ưa chuộng

 

Tuy công việc có phần khá bận rộn và vất vả, bởi vừa đảm nhận công việc ở trường vừa sản xuất, kinh doanh trà tại nhà nhưng Diễm Trinh vẫn luôn thể hiện hết vai trò và nhiệm vụ của một cô giáo, tất cả công việc được phân công tại trường cô đều hoàn thành và được nhiều đồng nghiệp và học sinh yêu mến.

Ông Nguyễn Thanh Sương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trần Thị Nhượng nhận xét: “Tuy cô Trinh tuổi đời còn rất trẻ nhưng rất giỏi giang, ngoài phụ giúp kinh tế gia đình, khởi nghiệp với trà hoa, trong công việc chuyên môn ở trường cô luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đối với học sinh của trường thì nhìn chung các em rất quý mến cô”.

Làng hoa Sa Đéc có tuổi đời hơn trăm năm với hơn 2.500 hộ sản xuất hoa kiểng, nơi đây có hơn 2.000 loài hoa nhưng việc tạo ra các sản phẩm từ hoa vẫn chưa được khai thác. Do đó, việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ hoa để sản xuất ra trà đã góp phần làm tăng thêm giá trị cho hoa Sa Đéc, quảng bá thương hiệu hoa Sa Đéc đến gần hơn với mọi người vì thế dự án sản xuất trà hoa của Diễm Trinh đang được địa phương đánh giá cao.

Nguyễn Hành - Hòa Bình

 

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục