Có gì trong hội nghị toán học Việt – Mỹ lần thứ nhất?
(Dân trí) - Sau nhiều nỗ lực và trao đổi giữa các bên, đặc biệt với sự kết nối của GS. Ngô Bảo Châu, lần đầu tiên, Hội Toán học Mỹ và Hội Toán học Việt Nam đã thống nhất cùng tổ chức Hội nghị Toán học Việt - Mỹ 2019 (Vietnam - USA Joint Mathematical Meeting - VNUS 2019) tại TP.Quy Nhơn.
Tìm hướng đi mới trong các chuyên ngành khác nhau của Toán học
Hội nghị do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) là đơn vị chủ trì tổ chức phối hợp cùng các đơn vị tổ chức địa phương là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Trường Đại học Quy Nhơn (QNU) từ ngày 10 - 13/6/2019 tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Đây sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận về khả năng hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nền Toán học cũng như nâng cao vai trò của Toán học trong xã hội nói chung và mối quan hệ giữa Toán học và các ngành công nghiệp nói riêng.
Hội Toán học Mỹ là một trong những hiệp hội toán học mạnh nhất, nơi tập trung những tinh hoa của nền toán học thế giới.
Từ năm 1992, hằng năm, Hội Toán học Mỹ thường tổ chức một sự kiện khoa học chung với một quốc gia khác, một số sự kiện gần đây như: Hội nghị Toán học Mỹ - châu Âu tại Bồ Đào Nha năm 2015, Hội nghị Toán học các nước châu Mỹ năm 2017, Hội nghị Toán học Mỹ - Trung Quốc năm 2018,...
Các hoạt động này đều nhằm mục đích tạo cơ hội cho các bên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về những kết quả nghiên cứu hoặc các hướng đi mới trong các chuyên ngành khác nhau của Toán học.
Một điểm chung trong sự kiện khoa học phối hợp này, đó là tất cả các hoạt động chuyên môn của Hội nghị như: Ban Chương trình, Báo cáo mời toàn thể, Đồng trưởng tiểu ban đều có sự tham gia của các nhà khoa học Mỹ và các nhà khoa học của nước đồng tổ chức.
Sự kết hợp giữa các nhà khoa học hàng đầu Toán học tại Mỹ và Việt Nam
Hội nghị Toán học Việt - Mỹ 2019 đã thu hút sự sự tham gia của khoảng 300 nhà Toán học Việt Nam, Mỹ và từ các quốc gia khác trên thế giới. Trong đó có những nhà Toán học đầu ngành của Mỹ và Việt Nam.
VNUS 2019 có Ban Chương trình và Ban Tổ chức của Hội nghị là các chuyên gia Toán học hàng đầu tại Mỹ và Việt Nam được hai Hội Toán học thống nhất chọn ra.
Trong đó, GS. Ngô Bảo Châu (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán & ĐH Chicago, Mỹ) và GS. Brian D. Boe (ĐH Georgia, Mỹ) là Đồng Trưởng ban Chương trình.
GS. Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện HL KH&CN VN); PGS. Lê Minh Hà (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán), GS. Jean Trần Thanh Vân (Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành) và PGS. Đỗ Ngọc Mỹ (Trường ĐH Quy Nhơn) là Đồng Trưởng ban Tổ chức địa phương.
Ngoài ra, 13 tiểu ban với các đồng Trưởng tiểu ban cũng là sự kết hợp giữa các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực Toán học tại Mỹ và Việt Nam.
Hoạt động chính của Hội nghị bao gồm các báo cáo mời toàn thể và các báo cáo mời tại các tiểu ban. Các báo cáo mời toàn thể gồm có: GS. Henry Cohn (Microsoft Research, Mỹ), GS. Robert Guralnick (ĐH Southern California, Mỹ), GS. Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học, Viện HL KH&CN VN), GS. Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học, Viện HL KH&CN VN), GS. Zhiwei Yun (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) và GS. Nguyễn Tiến Dũng (Viện Toán Toulouse, Pháp).
Ngoài các phiên toàn thể, Hội nghị gồm có 13 tiểu ban: Tôpô Đại số (Algebraic Topology); Toán trong Công nghiệp và Toán ứng dụng (Applied and Industrial Mathematics); Hình học đại số số học và các vấn đề liên quan (Arithmetic Algebraic Geometry and related topics); Đại số giao hoán và tương tác với Tổ hợp (Commutative Algebra and Its Interactions to Combinatorics); Hình học phức và Hệ động lực (Complex Geometry and Dynamical Systems); Toán rời rạc (Discrete Mathematics); Toán học hình thức (Formal Mathematics); Hình học và Vật lý (Geometry and Physics); Nhóm, Biểu diễn và Ứng dụng (Groups, Representations and Applications);
Các phương pháp đồng điều trong Lý thuyết biểu diễn nhóm và Đại số (Homological Methods in the Representation Theory of Groups and Algebras); Tối ưu và Giải tích biến phân (Optimization and Variational Analysis); Kỳ dị và Hình học đại số (Singularities and Algebraic Geometry); Lý thuyết phân bố giá trị, Hình học phức, xấp xỉ Di-ô-phăng và các chủ đề liên quan (Value Distribution Theory, Complex Geometry, Diophantine Approximation, and Related Topics).
Cơ hội để tiếp cận về Toán trong Công nghiệp
Để khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ tham gia gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học của Mỹ và Việt Nam, tiếp cận các hướng nghiên cứu mới, hiện đại trên thế giới, Ban Tổ chức dành riêng một phiên trình bày poster dành cho các nhà khoa học trẻ (học viên sau đại học, nghiên cứu sinh, các tiến sĩ trẻ mới bảo vệ).
Ban Tổ chức đã chọn ra gần 30 báo cáo của các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước để trình bày tại phiên poster.
Bên cạnh đó, VNUS 2019 cũng nhận được sự ủng hộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bằng những ghi nhận và khen thưởng cho các nhà khoa học nữ trẻ dưới 35 tuổi là người Việt Nam đang làm việc trong nước có báo cáo tại Hội nghị.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Trường ĐH Quy Nhơn sẽ tổ chức Diễn đàn về Toán trong Công nghiệp. Diễn đàn sẽ là cơ hội để sinh viên, các nhà toán học, các nhà giáo dục và hoạch định chính sách tiếp cận với lĩnh vực mới mẻ này, từ đó nhận ra tầm quan trọng của Toán học trong phát triển nhân lực ICT nói riêng và nhân lực toán ứng dụng trong các ngành công nghiệp nói chung.
Chương trình Diễn đàn Toán trong Công nghiệp sẽ bắt đầu với bài giảng đại chúng của GS. John Birge - Trường Chicago Booth Business School, Mỹ với chủ đề: Một góc nhìn về Toán trong Công nghiệp (A View of Mathematics in Industry).
Người dẫn dắt chương trình tọa đàm là GS. Vũ Hà Văn - Yale University, USA; Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu dữ liệu lớn, VINGROUP; Thành viên Hội đồng khoa học VIASM.
Hồng Hạnh