Có gì bên trong ngôi trường nghề lớn nhất Yên Bái?
(Dân trí) - Nằm ở xã Văn Phú của tỉnh miền núi Tây Bắc, trường Cao đẳng nghề Yên Bái gây ấn tượng với chúng tôi bởi cơ sở vật chất khang trang, chương trình đào tạo chuyên nghiệp gắn với chuyển giao quốc tế.
Ngày 16/4, chúng tôi có dịp ghé thăm trường Cao đẳng nghề Yên Bái. Ngôi trường có diện tích rộng tới 21,5 ha có 1 tòa nhà hiệu bộ, 1 văn phòng khoa, 4 tòa nhà học lý thuyết với 48 phòng học, 5 xưởng thực hành với 34 phòng học, 2 xưởng sửa chữa, thư viện 2500m2, ký túc xá 500 chỗ, căn tin sinh viên 500m2, nhà đa năng, sân vận động với đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ học sinh sinh viên nâng cao kỹ năng mềm… Bên trong trường, nhịp học tập, rèn nghề, thực hành diễn ra sôi động trong các xưởng nghề, các lớp học, hội giảng.
Đây là 1 trong top 40 trường nghề trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2020. Đồng thời, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư đào tạo 1 nghề đạt cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ ASEAN cùng với hàng chục nghề khác và liên kết với một số trường khác đào tạo liên thông lên đại học, trên đại học.
Đào tạo nghề thí điểm song bằng quốc tế
Những ngày này, nhà trường tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp trường ở nhiều bộ môn. Đây là hoạt động chuyên môn được trường tổ chức hàng năm.
Năm nay nhà trường có 22 giáo viên đạt giải cấp khoa tham gia hội giảng cấp trường ở hơn 10 chuyên ngành. Qua đó thúc đẩy phong trào thi đua học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy, phát huy năng lực của nhà giáo trong công tác giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Thông qua hội giảng nhà trường sẽ lựa chọn được những nhà giáo ưu tú nhằm bồi dưỡng cử tham gia hội giảng cấp tỉnh và toàn quốc vào năm 2022.
Giảng viên Đỗ Chí Nghĩa cho biết: "Các kỳ hội giảng giúp chúng tôi rèn luyện nâng cao tay nghề, kỹ năng sư phạm, cách chọn phương pháp giảng giúp học sinh tiếp thu tốt nhất".
Trong hội diễn lần này, giảng viên Nghĩa trình diễn màn cắt gỗ điêu luyện tại lớp đào tạo song bằng chất lượng cao tại lớp học thuộc chương trình Gia công và thiết kế sản phẩm mộc hệ Cao đẳng.
Đây là một chương trình đặc biệt được đầu tư lên tới hơn 4 tỷ đồng cho lớp học (quy mô 16 học sinh/ lớp) do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH ký kết hợp đồng đào tạo đặt hàng thí điểm.
Nhà trường đào tạo 2 bằng song song nhau, sau khi học xong các bạn sẽ được cấp bằng cao đẳng và được đi lao động trên toàn khu vực châu Âu. Học sinh phải tham gia đầy đủ các môn chung như Giáo dục quốc phòng, Tin học, Ngoại ngữ để đủ chuẩn được cấp bằng Việt Nam.
Song song đó, các em học thêm một số tín chỉ về lao động quốc tế để có thể hoàn chỉnh văn bằng quốc tế. Nghĩa là, ra trường các bạn được cấp 2 bằng (1 bằng tốt nghiệp Cao đẳng của Việt Nam do trường Cao đẳng nghề Yên Bái cấp và 1 bằng tốt nghiệp tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức và Khung trình độ châu Âu do Viện tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig, Đức cấp).
"Trong quá trình giảng dạy, nhà trường kết hợp giáo viên trong nước (4 giáo viên đã được cử đi Đức đào tạo, học kinh nghiệm của nước ngoài). Cứ 1 quý, các chuyên gia Đức được mời sang Việt Nam để giảng dạy và kiểm tra chất lượng học sinh. Các chuyên gia này chấm trực tiếp theo khung tiêu chuẩn của Đức, học sinh đạt chuẩn mới được cấp bằng quốc tế.
Nhà trường kết hợp đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp. Trong quá trình học, các em được thường xuyên xuống xưởng để trau dồi kinh nghiệm, kiến thức thực tế để các bạn có thể áp dụng vào bài thi người lao động quốc tế. Sau khi lao động xong các bạn có đầu ra, tìm được việc làm 100%", giảng viên Đỗ Chí Nghĩa cho hay.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Yên Bái cho hay: "Học sinh, sinh viên học tại trường chủ yếu đến từ Yên Bái và một số tỉnh lân cận như Phú Thọ, Tuyên Quang.
Đa phần các em đều xuất thân từ nông thôn, việc đào tạo tại trường nghề góp phần thực hiện chuyển từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, từ lao động nông thôn sang các ngành dịch vụ khác".
Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn cập nhật công nghệ mới và yêu cầu của doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp sau khi tiếp cận nguồn lao động của nhà trường.
Sau quá trình được đào tạo tại trường, các em được thực tập tại công ty, có thêm sự tự tin cũng như kinh nghiệm nên khi ra trường được các doanh nghiệp đánh giá rất cao.
"Sau khi ra trường, hơn 90% sinh viên đảm bảo có việc làm theo đúng chuyên môn được đào tạo tại trường", ông tự hào chia sẻ.
Yên Bái là tỉnh miền núi, đời sống, kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn nên nhu cầu rút ngắn thời gian học tập với phương thức đào tạo song song, vừa học THPT, vừa học nghề từ trung cấp liên thông lên cao đẳng chỉ trong cùng thời gian 3 năm mà vẫn đảm bảo vừa phổ cập giáo dục phổ thông lại vừa có trình độ ngành nghề nhất định đang là hướng lựa chọn của nhiều học sinh tốt nghiệp THCS.
Em Lý A Hử đến từ Mù Cang Chải, đang học ngành Điện Công nghiệp cho hay em học mô hình 9+ học song song chương trình nghề và chương trình văn hóa. Mô hình này sẽ rút ngắn được một nửa thời gian học, chỉ còn 3 năm vừa học hết THPT lại vừa học nghề để đi làm.
Chính việc học văn hóa bổ trợ không nhỏ cho việc học nghề của A Hử. Chẳng hạn môn Vật lý có thể bổ trợ cho em kiến thức về điện, các môn xã hội có thể bổ trợ cho em nhiều kỹ năng cuộc sống.
Hiện, A Hử đã đăng ký sẽ làm việc ở công ty LG Hải Phòng, sau khi học xong em sẽ xuống doanh nghiệp làm luôn. Nhà trường đã kết hợp với công ty để bố trí cho A Hử và các bạn của em mỗi tuần xuống doanh nghiệp học thực hành 1 buổi vào thứ 7 mỗi tuần trong suốt quá trình học. Do vậy, chàng trai này khá tự tin mình sẽ làm tốt sau khi ra trường.
Cũng như A Hử, em Hoàng Anh Vũ (sinh năm 2005) - sinh viên hệ Cao đẳng ngành Điện công nghiệp K29 cho biết, em bắt đầu việc học văn hóa từ 8h mỗi sáng đến 12h. Buổi chiều, em bắt đầu học nghề từ 12h30-5h. Dù lịch học khá dày nhưng ý thức rõ việc mình sẽ hoàn thành 2 bằng (bằng cấp 3 và bằng nghề) sau khi ra trường nên em không ngừng nỗ lực cố gắng.
Với việc học hệ 9+, em có thể rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu kép. Sau khi ra trường em có thể đi ra ngoài làm luôn mà không phải trải qua quá trình đào tạo nào nữa; đồng thời em có thể học liên thông lên hệ Cao đẳng.
Gắn kết với doanh nghiệp
Đến thăm chi nhánh doanh nghiệp nơi sinh viên trường Cao đẳng nghề Yên Bái đến thực tập, làm việc, chúng tôi chứng kiến sự hăng say rèn nghề của các em với sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia, nhân viên kỹ thuật.
Anh Nguyễn Mạnh Cường - đại diện chi nhánh Huyndai Yên Bái, nơi tiếp nhận sinh viên trường nghề làm việc đánh giá: "Sinh viên trường Cao đẳng nghề Yên Bái ra đây nhìn chung có năng lực tương đối tốt, được đào tạo cơ bản về xe.
Khi tới đây tất cả các bạn dù được đào tạo ở trường nghề hay ở nơi khác thì chúng tôi đều đào tạo lại một lần nữa theo quy chuẩn của nhà máy (quy chuẩn 3S). Một học viên thường được đào tạo lại 2 tháng.
Vì có nền tảng đào tạo tốt từ ngay trường nghề, các bạn tiếp thu tốt hơn, được công ty đào tạo nhanh hơn, chất lượng kiểm tra sau đào tạo của các bạn tốt hơn so với bên ngoài. Cá nhân tôi hài lòng với những gì học sinh trường nghề đáp ứng nhu cầu của công ty".
Hiện nay, nhà trường đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng lao động. Tháng 10/2019 ký hợp đồng đào tạo với công ty LG Hải Phòng mỗi năm đào tạo 30 sinh viên hệ cao đẳng theo chương trình đào tạo của công ty.
Nhà trường có mối quan hệ với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Điện cơ Hà Nội, Điện lạnh Hòa Phát, Canon, Honda Việt Nam… để phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, đưa học sinh sinh viên đi thực tập.
Năm 2020 đã có gần 30 đoàn với trên 300 học sinh sinh viên đi thực tập, ký biên bản hợp tác đào tạo theo nhu cầu của các công ty cho 300 học sinh sinh viên và tiếp nhận học sinh sinh viên sau đào tạo với trên 90% học sinh sinh viên có việc làm ổn định.
Năm 2019, trường tham gia Dự án "Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam; Hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, giai đoạn II" do Chính phủ Đan Mạch viên trợ không hoàn lại. Trường cũng tiếp nhận và đào tạo cho 15 học sinh sinh viên nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở 3 nghề là Điện; Công nghệ ô tô; Công nghệ thông tin.