Cô gái trẻ ước mơ trở thành giáo sư trên đất Mỹ
Được nhận học bổng tiến sĩ hàng tỷ đồng mỗi năm của 2 đại học Mỹ nhưng Nguyễn Phương Anh (sinh năm 1994) lại từ chối để đi lối riêng, quyết tâm khẳng định mình trước bạn bè quốc tế…
Những quyết định “ngược đời”
Nghe câu chuyện của Phương Anh có lẽ ai cũng thấy khó hiểu bởi những quyết định “ngược đời” của cô gái sinh năm 1994. Tốt nghiệp trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Phương Anh đi du học tại Đại học Franklin & Marshall (Mỹ).
Hai năm đại học đầu tiên, Phương Anh chọn ngành chính là Kinh tế và học thêm ngành phụ Văn học Anh. Cuối cùng, cô lựa chọn theo đuổi ngành Văn học Anh - ngành được cho là không có hi vọng kiếm nhiều tiền sau này.
Chia sẻ về quyết định “lạ lùng” này, Phương Anh cho biết: “Năm học thứ ba, em phát hiện ra mình rất hứng thú với Văn học Anh. Mỗi khi đọc các tác phẩm văn học, em đều thấy run lên vì vui sướng, cứ như có một dòng chảy mạnh mẽ nào trong từng mạch máu khiến em rung cảm, hạnh phúc vậy, khác hẳn với cảm xúc khi học ngành kinh tế. Em nhớ cô giáo em từng nói “hãy chọn học môn gì em cảm thấy vui sướng nhất” nên em quyết định sẵn sàng thử thách bản thân với môn học “hiếm” trong giới du học sinh quốc tế”.
Chính niềm đam mê và nỗ lực cao độ, chỉ sau 1 kỳ học, Phương Anh vươn lên khẳng định mình dẫn đầu về thành tích học tập, được các giáo sư Mỹ rất yêu quý. Cô gái 9X trở thành Chủ tịch Hội Sinh viên quốc tế ở Đại học Franklin & Marshall, tích cực giúp đỡ tân sinh viên quốc tế hòa nhập môi trường mới.
Không chỉ có vậy, Phương Anh còn liên tiếp giành giải cây bút tiềm năng, bài luận tốt nhất của khoa, trường. Nữ sinh tài năng cũng là một trong những sinh viên quốc tế hiếm hoi trong đội ngũ gia sư (20 người) phụ đạo viết luận, giúp đỡ hơn 2.400 sinh viên và các giáo sư của trường các vấn đề liên quan đến bài luận.
Với những thành tích ấn tượng, Phương Anh là một trong 3 sinh viên được thầy hiệu trưởng lựa chọn phát biểu trong lễ khai giảng của trường năm 2015. Cô gái trẻ cũng từng thực tập tại chuyên trang BBC Capital (New York, Mỹ) và có nhiều bài báo được xuất bản.
Tháng 2/2017, khi đang ở Việt Nam cùng gia đình sau kỳ tốt nghiệp trường Franklin & Marshall College, Nguyễn Phương Anh vỡ òa hạnh phúc vì nhận được học bổng tiến sĩ từ 2 đại học danh tiếng nước Mỹ.
University of California - San Diago (top 44 trường tốt nhất nước Mỹ) và University of Massachusetts - Amherst (top 74) đều cấp học bổng toàn phần khoảng 50.000-60.000 USD/năm (hơn một tỷ đồng) cho cô gái Việt Nam theo học ngành Văn học Anh. Trường Massachusetts còn đặc biệt cấp cho Phương Anh khoản tiền vào mùa hè để nghiên cứu, đi dạy.
"Các giáo sư nói lấy học bổng tiến sĩ rất khó khăn. Hàng nghìn người vẫn đang nộp hồ sơ xin học bổng chương trình này, đặc biệt vào các trường top 50. Em nghĩ mình không có cơ hội vì phải cạnh tranh với nhiều người đã học thạc sĩ cùng chuyên ngành Văn học Anh. Vì thế, khi nhận được 2 học bổng tiến sĩ, em bất ngờ, vui sướng vô cùng", Phương Anh chia sẻ.
Cô gái Hà Nội sau đó còn được nhận học bổng thạc sĩ toàn phần Đại học Georgetown - top 20 trường tốt nhất nước Mỹ. Đứng trước nhiều cơ hội, Phương Anh quyết định từ chối 2 học bổng tiến sĩ, học thạc sĩ ở Georgetown University. Xác định sẽ phải trải qua quá trình nộp hồ sơ khó khăn để học lên nhưng cô gái 23 tuổi tự tin với tấm bằng của trường top 20 nước Mỹ có thể xin được học bổng tiến sĩ của đại học đình đám.
“Đây là quyết định khó khăn và mất nhiều thời gian. Lúc đầu em dự định sẽ học tiến sĩ luôn vì không muốn khổ công nộp hồ sơ lần nữa sau khi học xong thạc sĩ. Tuy nhiên, Georgetown đã chấp nhận và cho em học bổng thạc sĩ.
Ở Mỹ người ta rất khó cấp học bổng thạc sĩ, đặc biệt với ngành của Văn học Anh, gần như không có trường nào ngoài Georgetown. Lựa chọn có thể rủi ro, thử thách nhưng em luôn sẵn sàng đối mặt", Phương Anh nói và cho biết được bố mẹ hết lòng ủng hộ.
Du học để trải nghiệm
Có anh trai là du học ở Mỹ trước đó 5 năm, gia đình cũng sớm có định hướng về du học cho cô con gái, nên ngay từ những năm cấp 3, Phương Anh sớm đã biết về việc du học Mỹ là như thế nào. “Ham muốn” du học càng trở nên thôi thúc sau khi Phương Anh đỗ chuyên anh của Trường THPT Hà Nội Amsterdam, được tiếp xúc với các anh chị cựu học sinh đã, đang du học. Với cô gái trẻ, du học không phải để kiếm một công việc tốt cho cuộc sống sau này mà là để tăng cường kiến thức và kỹ năng sống, hiểu thêm về văn hóa các quốc gia khác nhau.
Vẻ ngoài xinh đẹp của cô gái 9X Nguyễn Phương Anh
Từ những trải nghiệm của bản thân, cô gái 9X cho biết, làm ở nước ngoài không có nghĩa là nhận được lương cao và chế độ đãi ngộ tốt. Mức lương khi ra trường thường là 1.000 – 2.000 USD/tháng, người nào vượt trội thì được 3.000 USD/tháng. Một nửa số lương đó chi trả cho ăn, ở, một nửa là chi phí khác. Vì thế, nếu phụ huynh nghĩ rằng con cái du học Mỹ xong, làm việc tại đó là sẽ gửi tiền về nhà, nuôi cha mẹ, lo cho các em ăn học… thì quả thật rất áp lực cho du học sinh.
Du học là để trau dồi kiến thức, để tìm cơ hội cống hiến cho quốc gia, khẳng định vị thế của người Việt trẻ trên trường quốc tế. Đó là con đường mà cô gái 9X xinh đẹp, tài năng đã lựa chọn bước đi.
Phương Anh tâm niệm: “Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi có kiến thức, kỹ năng và đam mê, sẽ có rất nhiều cơ hội để cống hiến. Em có nhiều người bạn học rất giỏi ở Mỹ, sau khi học xong quay về nước làm việc cho các tổ chức quốc tế, các công ty và nhận mức lương rất cao. Họ còn có cơ hội để thử sức ở các quốc gia khác”.
Với tâm niệm đó, trong suốt quãng thời gian học đại học cô gái trẻ đã không ngững thúc đẩy bản thân bằng nhiều hoạt động trải nghiệm ở trường, song song với việc tìm cơ hội đi làm vào dịp hè và tìm kiếm các cơ hội trong tương lai. Kiêm nhiệm nhiều việc (Chủ tịch Câu lạc bộ quốc tế ở trường, phụ đạo giúp các du học sinh quốc tế, tham gia dàn đồng ca của trường, học hát opera, đi làm thêm trong hè, thực tập tại một số tòa báo…) có những ngày, cô gái trẻ chỉ ngủ 5 tiếng đồng hồ.
“Em cho rằng không có trải nghiệm nào là thừa. Là du học sinh quốc tế nên chúng ta sẽ có góc nhìn mới lạ, cách tiếp cận sáng tạo hơn. Bản thân em đã trải qua nhiều thay đổi về môi trường sống, ngành học, định hướng nghề nghiệp… Tất cả trải nghiệm đó đều có đóng góp không nhỏ cho lối suy nghĩ của em bây giờ. Vì vậy, các bạn sinh viên du học hãy luôn luôn nắm bắt cơ hội, cho dù cơ hội đó rất nhỏ hay tưởng chừng rất khó đạt” – Phương Anh chia sẻ.
Phương Anh ước mơ trở thành giáo sư trên đất Mỹ. Cô đang từng bước xây dựng nền tảng kiến thức thật vững về lĩnh vực mà mình đam mê. Chặng đường trước mắt còn khá dài, Phương Anh vẫn luôn tự tin bởi “đây là lĩnh vực em yêu thích và có tài năng”. Mỗi khi có thời gian, cô lại tranh thủ chia sẻ và “truyền lửa” cho các bạn trẻ qua các cuộc trò chuyện của tổ chức du học sinh tại Mỹ…
Theo Hạnh Nguyên
Tuổi trẻ thủ đô