Cô gái Nùng "không vội lấy chồng", muốn được bình đẳng giới, học đại học

Hoài Nam

(Dân trí) - Lớn lên ở nơi nhiều bạn bè cùng trang lứa hết lớp 9 là nghỉ học đi làm, hoặc "theo chồng bỏ cuộc chơi", cô gái Nùng Vi Thị Thu Hà vào Đại học Fulbright vì muốn thay đổi định kiến giới bằng giáo dục.

Nỗ lực thay đổi định kiến bằng giáo dục

Theo học bổng đặc biệt hỗ trợ chi phí học tập, nữ sinh Vi Thị Thu Hà, 18 tuổi, dân tộc Nùng, quê ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk trở thành tân sinh viên tại Trường Đại học Fulbright.

Ban tổ chức thấy ở cô gái này nghị lực kiên cường vượt qua hoàn cảnh khó khăn và cả những định kiến xã hội tại địa phương về việc học sinh nữ tiến xa trên con đường học tập. Đồng thời, cô gái còn mang đến những cảm hứng về khát khao học tập, khát khao sự thay đổi bắt đầu từ giáo dục. 

Cô gái Nùng không vội lấy chồng, muốn được bình đẳng giới, học đại học - 1

Nữ sinh Vi Thị Thu Hà trở thành sinh viên Trường Đại học Fulbright (Ảnh: NVCC).

Lớp tiếng Anh "nhà có gì dùng nấy"

Cô gái Vi Thị Thu Hà ghi dấu ấn với việc mở lớp dạy học tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở quê nhà, trong đó nhiều đứa trẻ là người dân tộc thiểu số từ mùa hè năm học lớp 9. 

Hà học phổ thông cách nhà gần 100km, ngày hè là lúc em được nghỉ trở về nhà. Khi kèm hai đứa em, Hà nhận thấy, việc học tiếng Anh của trẻ nhỏ ở địa phương mình rất vất vả, thiếu thốn. 

Nếu các em học theo chương trình ở trường tiểu học, thì cũng chỉ khi ở trên lớp mới được thầy cô hướng dẫn, ngoài ra gần như không có thêm sự hỗ trợ nào. Đặc biệt, các trẻ em gái còn nhiều thiệt thòi trong các cơ hội tiếp cận với giáo dục.

Hà chợt nghĩ: "Mình dạy các em, sao không dạy luôn cho mấy đứa nhỏ". Khi Hà nói ý định của mình, mẹ và rất nhiều cô chú trong thôn gật gù "làm ngay đi con ơi".

Cô gái Nùng không vội lấy chồng, muốn được bình đẳng giới, học đại học - 2

Hè năm lớp 9, cô nữ sinh mở lớp học tiếng Anh cho trẻ em ở địa phương (Ảnh: NVCC).

Thế là lớp tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ nhỏ trong làng được mở ngay tại nhà Hà. Gọi là lớp học chứ thật ra nhà có gì dùng nấy, lớp học không có bảng, không có bàn ghế...

Lớp chỉ có cô giáo là chị Hà và vài đứa trẻ trong thôn. Ở lớp học đó, Hà nhìn rõ những khát khao được học tập, được mở mang của những đứa trẻ. Chúng muốn tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên hơn, muốn đọc được những mẩu chuyện ngắn và viết những câu cơ bản cho đến thực hành kĩ năng nghe và nói thông qua các đoạn hội thoại ngắn. 

Cũng từ lớp học đó, Hà cảm nhận rõ niềm hạnh phúc khi mình có thể trao cho người khác những thứ mình có, mình đã được học. Cứ mùa hè hay mỗi khi có dịp về nhà, Hà lại tận dụng mọi thời gian mở lớp.

Bước ra thế giới với dự án hướng về người nông dân

Năm học 2021-2022, khi học lớp 11, Thu Hà và nhóm bạn tại Trường THCS & THPT Đông Du, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk xuất sắc đạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Cấp Quốc gia học sinh trung học với dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động".

Dự án này cũng lọt vào top các dự án đại diện cho Việt Nam tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 tổ chức tại Hoa Kỳ.

Cô gái Nùng không vội lấy chồng, muốn được bình đẳng giới, học đại học - 3

Thu Hà cùng người bạn thực hiện dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" (Ảnh: NVCC).

Ý tưởng này đến từ việc các bạn học sinh chứng kiến người nông dân lao động thủ công, hiệu suất chưa cao. Họ quan sát thấy phương pháp chiết suất lâu nay khiến dịch quả chanh dây có vị chát, bị xen lẫn các tạp chất từ vỏ và cơm quả.

"Làm sao để người làm nông đỡ vất vả?", câu hỏi đó chính là động lực để nhóm của Thu Hà cùng nghĩ về giải pháp giúp người nông dân nâng cao năng suất, vừa đảm bảo chất lượng tốt nhất cho nông sản sau thu hoạch.

Trong dự án này, Thu Hà được giao nhiệm vụ lập trình cho chiếc máy hút dịch chanh dây bán tự động. Đó là phần việc đòi hỏi kỹ năng sáng tạo và cả thử thách khi đa phần vốn kiến thức xoay quanh dự án khá đặc thù, yêu cầu cao so với lứa tuổi học sinh trung học.

Để giải đáp các bài toán khó như làm sao tối ưu hóa nguyên lý vận hành của máy, phương thức nào sẽ giúp đem lại năng suất hiệu quả nhất… Thu Hà mày mò tìm đọc các tài liệu liên quan, "xới" bằng hết các video khoa học trên YouTube, học thêm từ những kinh nghiệm được chia sẻ trên các diễn đàn trên mạng.

Phía sau lời mẹ dạy "đừng vội lấy chồng"...

Hà sinh ra và lớn lên ở vùng quê tập trung nhiều dân tộc thiểu số. Ở đó, các bạn học đồng trang lứa thường chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học để phụ giúp gia đình hoặc kết hôn sớm.

Cô học trò từng không ít lần chứng kiến và cả bật khóc khi chia tay những người bạn của mình tạm biệt trường lớp để lập gia đình. Con đường đó của nhiều bạn trẻ ở địa phương như một "đường ray" được lập trình sẵn.

Còn Hà, nhìn lại, em thấy mình may mắn bước được ra khỏi "đường ray" ấy chính nhờ cách nghĩ khác của bố mẹ, đặc biệt là mẹ. 

Là người phụ nữ nặng gánh chăm sóc con cái, gia đình, mẹ Hà có trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống bó hẹp của người phụ nữ xoay xở với con nhỏ, vườn tược.

Cô gái Nùng không vội lấy chồng, muốn được bình đẳng giới, học đại học - 4

Cô gái người Nùng bước trên con đường giáo dục từ lời nói của mẹ "đừng vội lấy chồng" (Ảnh: NVCC).

Từ sự chiêm nghiệm từ cuộc đời của mình, mẹ nói với chị em Hà, là con gái nhất định phải học chữ trước, phải có ngành nghề trước, phải tự chủ trước rồi hãy tính đến chuyện lập gia đình. Những điều mà trước đây, mẹ Hà và rất nhiều người phụ nữ khác ít được biết.

Hà bước qua rào cản "lấy chồng sớm" từ lời động viên và cũng là từ cuộc đời của mẹ, đi cùng đó là động lực từ người bố sẵn sàng làm mọi việc để lo cho con cái ăn học.  

"Cả 4 chị em trong gia đình em đều được đi học cả. Em là đứa con đầu tiên trong gia đình đi học đại học", Hà nói về việc "được đi học" với niềm hạnh phúc vô tận.

Giáo dục giúp Hà được gặp gỡ, được bước đi, được mở mang, được khám phá thế giới, khám phá về chính bản thân; giáo dục giúp cho cuộc đời Hà đi theo hướng tích cực... 

Giờ đây vào đại học xa nhà, Hà vẫn mong muốn tiếp tục duy trì lớp học tiếng Anh của mình vào mỗi dịp hè. Tụi nhỏ vẫn còn cần, Hà sẽ còn ở đó, cô gái không muốn lớp học của mình dừng lại.

Hà dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ nhưng dường như không chỉ là tiếng Anh. Phía sau đó, còn như là sự gửi gắm, trao đi những khát vọng, những con đường... 

Mong muốn đi xa để trở về

Thu Hà chia sẻ, em mang trong mình rất nhiều kế hoạch, dự định. Trước mắt, Hà sẽ nỗ lực học thật tốt chương trình đại học, tham gia hoạt động xã hội. Sau này, có cơ hội sẽ tiếp tục học lên cao...

Nhưng đích đến của Hà vẫn là đi để được trở về. Hiện tại, mục đích lớn nhất của Hà vẫn là trở về quê nhà để có thể giúp người dân phát triển kinh tế, để từ đó góp phần nâng bước cho những đứa trẻ, để chúng có thể bước đi dài hơn, xa hơn bằng con đường học hành, bằng nền tảng giáo dục.

Cô gái Nùng không vội lấy chồng, muốn được bình đẳng giới, học đại học - 5

Hà cùng nhóm bạn tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia học sinh sinh viên năm 2023 (Ảnh: NVCC).

18 tuổi, Hà nhận ra rằng trên hành trình phát triển bản thân, mục tiêu cuối cùng hóa ra không phải để riêng mình có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quan trọng không kém là còn làm sao để lan tỏa niềm hạnh phúc, động lực ấy đến mọi người xung quanh. Cuộc sống chỉ thực sự ý nghĩa khi bản thân biết cách đón nhận và biết cách cho đi…

"Trước đây em rất e ngại nói ra những dự định, kế hoạch của mình vì sợ rằng không thực hiện được. Giờ đây, em nhận thấy việc chia sẻ những điều tích cực giúp mình quyết tâm và sống có trách nhiệm hơn", cô gái trải lòng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm