Cô gái 8X với ước mơ là trưởng đại diện người Việt đầu tiên của UNICEF Việt Nam

(Dân trí) - Từng là thủ khoa tốt nghiệp THPT tỉnh Ninh Thuận và giành suất học bổng thạc sĩ toàn phần của Chính phủ Đức (DAAD), Bùi Thị Minh Châu đang cháy hết mình với các hoạt động phục vụ cộng đồng và ước mơ trở thành trưởng đại diện người Việt đầu tiên của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF tại Việt Nam.

Cô gái 8X sở hữu bảng thành tích gần… 2 trang A4

Với thành tích 12 năm phổ thông đạt danh hiệu HSG, giải Nhì quốc gia môn Văn lớp 12, không nhiều người quá ngạc nhiên khi Bùi Thị Minh Châu giành ngôi thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Ninh Thuận 2005 (với điểm số 61/60) và được tuyển thẳng vào khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM.

Không mất quá nhiều thời gian để hòa nhập môi trường mới, cô gái từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia 2004 (giải Nhất ở vòng tuần và vào vòng tháng với 230 điểm) này tiếp tục gặt hái những danh hiệu đáng ngưỡng mộ.

Trong 4 năm trên giảng đường, Minh Châu từng giành giải thưởng “Sao tháng giêng” của TƯ Hội SVVN, là một trong 10 SV tiêu biểu nhất ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM 3 năm liên tục (2006-2009), danh hiệu “Sinh viên 3 tốt” cấp trường, cấp ĐHQG, cấp Thành phố 3 năm liên tục (2006-2009)…


Minh Châu tại lễ tốt nghiệp cao học tại CHLB Đức. Châu là người Việt Nam duy nhất nhận học bổng toàn phần của chính phủ Đức (học bổng DAAD) cho khóa học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý phát triển, niên khóa 2012-2014.

Minh Châu tại lễ tốt nghiệp cao học tại CHLB Đức. Châu là người Việt Nam duy nhất nhận học bổng toàn phần của chính phủ Đức (học bổng DAAD) cho khóa học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý phát triển, niên khóa 2012-2014.

Tốt nghiệp ĐH với ngôi vị thủ khoa ngành Quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM năm 2010, Minh Châu quyết định “đầu quân” cho tổ chức phi chính phủ The Christina Noble Children’s Foundation (CNCF) chuyên thực hiện các dự án giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Việt Nam.

Năm 2012, cô gái từng nhận được bằng khen của Bộ trưởng GD& ĐT này trở thành người Việt Nam duy nhất nhận học bổng toàn phần của chính phủ Đức (học bổng DAAD) cho khóa học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý phát triển, niên khóa 2012-2014.

Châu nhớ lại: “Ở Đức, việc học luôn gắn liền với thực tiễn. Sẽ rất khó thành công trong việc học các môn xã hội nếu như không có kinh nghiệm thực tế. Những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc giúp tôi liên hệ giữa kiến thức trong sách vở và thực tế nhanh hơn, từ đó hiểu và áp dụng kinh nghiệm làm việc để phân tích vấn đề tốt hơn”.

Bên cạnh đầu thời gian cho việc học, Minh Châu cũng rất chịu khó tham gia các hoạt động từ thời sinh viên như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên các trường Đại học Đông Nam Á (tại Bangkok- Thái Lan tháng 9/2008) hay Diễn đàn Giáo dục Đông Nam Á & Cuộc thi nhà Diễn giả trẻ Đông Nam Á lần thứ 11 (tại Jakarta-Indonesia tháng 6/2009) và các hoạt động tình nguyện SV.

Chính bởi vậy trong thời gian ở châu Âu, Minh Châu không ngần ngại lựa chọn chuyến thực tập tại 1 tổ chức phi lợi nhuận của Đức đầu năm 2013 hay tham gia Chiến dịch tình nguyện “Làm sạch Đại Tây Dương” ở Bồ Đào Nha (tháng 5/2014).


Minh Châu (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn học tại trường ĐH Western Cape (Cape Town, Nam Phi)

Minh Châu (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn học tại trường ĐH Western Cape (Cape Town, Nam Phi)

Mục tiêu lớn đến từ đam mê phục vụ cộng đồng

Tốt nghiệp loại giỏi chương trình Thạc sĩ tại Đức, cũng như nhiều du học sinh khác, Minh Châu “đau đầu” với câu hỏi “Ở lại hay trở về Việt Nam?” nhưng rồi cô nhanh chóng đưa ra quyết định của riêng mình.

Minh Châu tâm sự: “Tôi tin rằng trong thế giới phẳng như hiện nay, mỗi người có thể tìm ra nơi mà họ có thể cống hiến tốt nhất cho quê hương miễn là trái tim họ luôn hướng về quê hương. Nhưng với riêng bản thân tôi, nếu được làm cho một tổ chức hay dự án nhằm mục đích phát triển xã hội và cộng đồng, tôi muốn được làm những dự án đó cho chính đất nước tôi, tôi muốn được trực tiếp phục vụ đồng bào tôi, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.

Tôi muốn được trực tiếp làm những điều trong khả năng của mình, dù nhỏ bé, để góp phần giúp cuộc sống của đồng bào tôi tốt hơn. Tôi hạnh phúc khi được nói chuyện với những người dân quê lam lũ, được nhìn thấy những nụ cười bình dị và chân chất của họ. Mỗi lần như vậy, tôi cảm nhận rõ ràng hơn sự gắn kết của mình đối với đất nước mình, đồng bào mình. Và đó là niềm hạnh phúc không dễ có được.

Lý do thứ hai là gia đình tôi. Năm 2013, khi tôi còn đang học ở Đức thì nhận được tin ba tôi bị nhồi máu cơ tim phải cấp cứu vào bệnh viện. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn của tôi, ngày nào tôi cũng khóc và lúc nào tôi cũng thấy mình như “ngồi trên lửa” vì không biết tình hình sức khỏe của ba ở nhà như thế nào.

Tôi gọi điện về nhà mỗi ngày nhưng sợ gia đình muốn tôi bớt lo lắng mà giấu tình hình thực sự của ba tôi. Hai tuần sau đó, với sự hỗ trợ của DAAD mà tôi đã có thể về nhà trực tiếp đưa ba vào Sài Gòn chữa bệnh. Khi tôi sống ở nước ngoài, có thể là tôi sẽ gửi được nhiều tiền hơn về nhà. Nhưng liệu tiền tôi kiếm được có đủ để “mua” khoảng thời gian mà tôi được sống bên cạnh bà nội 100 tuổi của tôi và ba mẹ tôi? Bà nội tôi đã qua đời sau 1 năm tôi về nước…. Dẫu sao thì tôi cũng đã có thể ở cạnh bà và được nhìn bà lần cuối trước khi bà đi vào cõi vĩnh hằng.

Còn bây giờ, tôi muốn được ở bên cạnh trò chuyện và chăm sóc cha mẹ tôi nhiều nhất có thể. Tôi rất hạnh phúc mỗi lần được đi dạo trò chuyện với ba tôi, ăn bữa cơm mẹ nấu, hay đi tắm biển vào sáng sớm với em gái tôi. Đó là những hạnh phúc bình dị mà quý giá mà nếu định cư ở nước ngoài tôi sẽ không dễ có được”.


Minh Châu tại lễ kỷ niệm 35 năm PATH có mặt tại Việt Nam

Minh Châu tại lễ kỷ niệm 35 năm PATH có mặt tại Việt Nam

Sau khi về nước, Minh Châu làm đại diện cho Hội Chữ Thập Đỏ Đức tại tỉnh Bình Định và sau đó là tham gia dự án “Cộng đồng vì Trái tim khỏe” của tổ chức phi lợi nhuận PATH (Mỹ) chuyên về y tế công cộng với mục đích góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức về tăng huyết áp, phát hiện sớm, phòng ngừa, điều trị và quản lý tăng huyết áp hiệu quả và bền vững hơn.

Chia sẻ về kế hoạch trong tươi lai, cô gái thế hệ 8X vui vẻ tâm sự: “Với tôi, phục vụ đồng bào mình, nhất là những người khó khăn, kém may mắn, vừa là trách nhiệm, vừa là niềm hạnh phúc của tôi.

10 năm tới, mục tiêu của tôi là trở thành trưởng đại diện người Việt đầu tiên của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF tại Việt Nam. Trẻ em là tương lai lâu dài của đất nước. Trong tất cả các đối tượng khó khăn, trẻ em vẫn là đối tượng tôi quan tâm nhất”.

Và giấc mơ “truyền lửa”

Với không ít bạn trẻ chọn con đường du học chỉ bởi nghĩ rằng điều đó đồng nghĩa với “một bước tới thiên đường” từ “cách sống cởi mở, cơ sở vật chất hiện đại, ngoại ngữ như gió, việc làm sau này tính bằng đô”, với những trải nghiệm của mình, Châu đánh giá: “Đúng là trước đây, khi còn là sinh viên đại học, có lúc tôi từng nghĩ như vậy.

Với tôi lúc đó, du học là ước mơ lớn nhất. Tôi chỉ biết có ước mơ đó và thậm chí tôi không tưởng tượng nổi và không có kế hoạch cho việc du học xong thì mình làm gì. Sau này, những trải nghiệm cuộc sống đã giúp tôi trưởng thành hơn. Không có cái gì là “một bước tới thiên đường” cả, có lẽ trừ việc…trúng số Vietlott”.

“Khoảng thời gian du học, khoảng thời gian sống ở đất nước xa lạ, lạ từ ngôn ngữ đến văn hóa, cách sống, thậm chí là cách học, đó chưa bao giờ là khoảng thời gian dễ dàng. Tôi đã phải học hỏi, quan sát và cố gắng từng ngày để dần thích ứng với môi trường mới. Sau khi du học xong về nước cũng vậy, kiến thức trong sách vở và thực tế cuộc sống luôn có những khoảng cách nhất định.

Ứng dụng thành công những gì đã được học vào thực tế công việc lại tiếp tục là một thử thách lớn, là quá trình học hỏi và quan sát, là quá trình nỗ lực hàng ngày, hàng giờ. Những cái tôi đã tưởng tượng đôi khi khác xa với thực tế, điều quan trọng là phải luôn trong tâm thế đón nhận và học hỏi từ cái mới, từ sự khác biệt”, Châu cho biết thêm.


Phục vụ đồng bào mình, nhất là những người khó khăn, kém may mắn, vừa là trách nhiệm, vừa là niềm hạnh phúc của tôi, Châu tâm sự.

"Phục vụ đồng bào mình, nhất là những người khó khăn, kém may mắn, vừa là trách nhiệm, vừa là niềm hạnh phúc của tôi", Châu tâm sự.

Dù vậy với Châu, cho đến bây giờ, thời gian học tập và sinh sống ở Đức trong hai năm là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất của Châu. “Tôi đã được đặt chân đến những vùng đất đẹp tuyệt vời của Châu Âu, Nam Phi, được gặp gỡ và quen biết rất nhiều người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, giao lưu văn hóa, tôn giáo…Nhờ thế, vốn sống của tôi trở nên phong phú hơn, trái tim tôi rộng mở hơn, tôi thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, cả về trí tuệ lẫn tâm hồn”.

Cũng chính vì lí do đó, thông qua chương trình tư vấn du học cho các bạn trẻ tại TP.HCM hôm 7/1 vừa qua, tôi mong muốn tiếp thêm động lực cho ước mơ du học của các bạn trẻ. Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Là một người đi trước, “truyền lửa” cho thế hệ đi sau là trách nhiệm và cũng là niềm vui của tôi.

“Live your dreams” - đó là điều tôi đã chia sẻ với các bạn trẻ muốn đi du học trong buổi hội thảo. “Live your dreams” - sống với ước mơ của mình, nghĩa là bạn phải thực sự sống với nó, trăn trở về nó, lên kế hoạch để biến giấc mơ thành hiện thực và kiên nhẫn thực hiện kế hoạch đó; nghĩa là lúc nào giấc mơ du học cũng phải ở trong đầu bạn, trong tim bạn, thôi thúc bạn học tập, tìm hiểu thông tin, xây dựng các mối quan hệ…để hiện thực hóa ước mơ đó.

Tôi chắc chắn tôi không phải là người quá giỏi để có thể là người Việt Nam duy nhất năm 2012 đạt được học bổng toàn phần của chính phủ Đức học Thạc sĩ ngành Quản lý phát triển. Nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng tôi đã sống trọn vẹn với giấc mơ du học của mình từ năm tôi 16 tuổi.

Từ lúc 16 tuổi đến năm tôi đạt học bổng tôi 25 tuổi, gần 10 năm trời, chưa bao giờ giấc mơ du học nguội tắt trong tôi. Tôi đã làm tất cả và chuẩn bị tốt nhất có thể để biến ước mơ thành hiện thực. Đó cũng là lý do ngày cầm trên tay bộ hồ sơ xác nhận cấp học bổng từ Đức gửi về, tôi đã trốn vào góc khuất trong một quán café quen thuộc và ngồi…lặng lẽ khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Vì tôi đã làm được. Mà nếu tôi làm được, bất cứ bạn trẻ nào có ý chí và quyết tâm cũng sẽ làm được!”, Châu khẳng định.


Minh Châu trong một chương trình truyền lửa cho bạn trẻ

Minh Châu trong một chương trình "truyền lửa" cho bạn trẻ

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Bùi Thị Minh Châu

Hiện đang là: Chuyên viên truyền thông của Tổ chức PATH - tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ về sức khỏe cộng đồng.

Sở thích: đi du lịch, đọc sách, viết báo, xem phim, yoga, chạy bộ, tham gia các hoạt động vì cộng đồng,…

Thành tích chính đạt được:

- 10/2015: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vì những đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện, nhân đạo ở tỉnh Bình Định trong thời gian làm Đại diện của Hội Chữ Thập Đỏ Đức tại tỉnh Bình Định từ tháng 6/2014 – tháng 10/2015

- Tốt nghiệp loại Giỏi bậc Thạc sĩ ngành Quản lý phát triển tại CHLB Đức, top 20% sinh viên xuất sắc nhất ngành học trong vòng 14 năm kể từ khi chương trình học này chính thức bắt đầu (2000-2014)

- Người Việt Nam duy nhất nhận học bổng toàn phần của chính phủ Đức (học bổng DAAD) cho khóa học thạc sĩ Quản lý phát triển (2012-2014)

- Tốt nghiệp thủ khoa ngành Quan hệ quốc tế, trường Đại học KHXH&NV, TP.HCM, khóa 2005-2009

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào Tạo vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước (8/2005)

- Một trong 6 SV của Thành phố Hồ Chí Minh dự Đại hội Tài Năng Trẻ toàn quốc lần I tại Hà Nội (11-13/9/2009)

- Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên các trường Đại học Đông Nam Á (tại Bangkok- Thái Lan tháng 9/2008), Diễn đàn Giáo dục Đông Nam Á & Cuộc thi nhà Diễn giả trẻ Đông Nam Á lần thứ 11 (tại Jakarta-Indonesia. Tháng 6/2009)

- Danh hiệu “Sinh viên 3 tốt” cấp trường, cấp ĐHQG, cấp Thành phố (2006-2009) và là một trong 10 sinh viên tiêu biểu nhất của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM 3 năm liên tiếp (2006-2009), Giải thưởng “Sao tháng giêng” của TƯ Hội Sinh Viên Việt Nam.

- Một trong 4 SV của TP.HCM nhận danh hiệu “Gương sáng học đường năm 2008”, một trong 9 SV tiêu biểu nhất ĐHQG TP.HCM năm 2007

- 1 trong 5 sinh viên của trường ĐH KHXH&NV, TP.HCM được trao danh hiệu “Trái tim hồng” vì những đóng góp nổi bật trong hoạt động công tác xã hội và tình nguyện vì cộng đồng

- Ủy viên thường trực của HĐND trẻ TP khoá I - chương trình “Sinh viên- học sinh với 1 ngày làm đại biểu HĐND TP”

- Cùng đội tuyển của trường vô địch khu vực phía Nam, giải Nhì toàn quốc cuộc thi “SV Việt Nam với diễn đàn APEC 14”, giải Ba toàn quốc cuộc thi “Rexona – Đọ sức anh tài Marketing 2007”, giải Nhì cấp Thành phố cuộc thi “Tìm hiểu ASEAN”, giải Ba cấp Thành phố cuộc thi “Chìa khóa tri thức”.

- Học bổng Lawrence S.Ting dành cho SV có thành tích học tập và hoạt động xã hội xuất sắc năm học 2005-2006 và 2006-2007

- Giải Nhất tuần cuộc thi “Hành trình văn hóa”- VTV3- Đài truyền hình Việt Nam tổ chức

Lê Trường

(Ảnh NVCC)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm