Có đúng khi "không cần bằng cấp, chỉ cần giỏi nghề sẽ thành công"?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến nói rằng, không cần bằng cấp, chỉ cần giỏi nghề là thành công. Điều này có đúng trong thị trường lao động hiện nay?
30% các em mong muốn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS
Mỗi năm ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội chỉ có khoảng 60-70% học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập. 30-40% học sinh còn lại nên chọn hướng đi nào?
Những năm gần đây, nhà nước có những chủ trương, chính sách khuyến khích học nghề, cụ thể là hỗ trợ 100% học phí. Bên cạnh đó, các trường cao đẳng, trung cấp cũng có nhiều thay đổi để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đầu ra nên nhiều phụ huynh đã mạnh dạn chọn hướng học nghề cho con em mình.
Tại chương trình tư vấn trực tuyến "Xu hướng chọn trường nghề sau THCS" do báo Thanh niên tổ chức ngày 23/5. Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cho biết, sau khi tốt nghiệp THCS có khá nhiều hướng đi cho học sinh lựa chọn.
Cụ thể, có ba hướng chủ yếu. Một là, học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để vào các trường công lập. Hai là, nộp hồ sơ vào các trường dân lập và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề. Ba là lựa chọn học nghề tại các trường trung cấp và các trường cao đẳng.
"Nếu không vào được các trường công lập thì các bạn có thể vào các trường dân lập nhưng chi phí ở đây sẽ cao và không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho con theo học. Trong bối cảnh hiện nay, học nghề cũng là một phương án tốt. Hiện nay tỉ lệ cử nhân có bằng đại học thất nghiệp vẫn cao.
Tuy nhiên trái ngược với điều này, tỷ lệ các bạn có bằng trung cấp hoặc cao đẳng thất nghiệp lại giảm mạnh. Sự trái ngược này phần nào phản ánh xu hướng nguồn lao động hiện nay. Số lượng cử nhân quay lại học nghề cũng nhiều. Hệ trung cấp và cao đẳng nghề trước đây thường ít nhận được sự quan tâm, còn bây giờ hiện đang trở thành một trong những hướng đi cho nhiều phụ huynh và học sinh cân nhắc.
Không chỉ đối với học sinh mà còn đối với những người có văn bằng hoặc đã đi làm đều có thể chọn hướng đi này", Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến cho hay.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM đồng thời là chuyên gia dự báo nguồn nhân lực cũng đánh giá, học nghề là một xu hướng rất phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Trên thực tế, có khoảng 20-30 % các em học xong THCS và có nguyện vọng không tiếp tục theo học bậc THPT, kể cả các em đã đỗ vào trường công lập.
"Điều này tôi khẳng định bởi vì trong nhiều năm tôi đi hướng nghiệp và sự các ngày hội phân luồng định hướng việc làm cùng những khảo sát phân luồng cho thấy có thực trạng như thế. Không phải vì các em học dở không vào được trường cấp ba công lập nên mới muốn đi học nghề", ông Tuấn cho hay.
"Đáng tiếc, trong xã hội chúng ta vẫn coi nặng việc phải vào bằng được trường phổ thông rồi vào bằng được trường đại học. Như vậy đã làm lãng phí một nguồn nhân lực không phù hợp. Một lượng các em vẫn vào trường phổ thông, rồi vào đại học, rồi ra trường đi làm trái ngành trái nghề. Một phần vì lựa chọn không phù hợp ngay từ đầu chứ không phải vì các em vào đại học mà thất nghiệp", chuyên gia dự báo nguồn nhân lực này nói thêm.
Theo ông Tuấn, sau THPT sẽ có bốn cấp: đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp cho học sinh lựa chọn. Hệ thống này phân loại để phù hợp với năng lực của các em. Mỗi em sẽ phù hợp với một hướng đi, do vậy Đảng và Nhà nước mới khuyến khích chúng ta học tập suốt đời... Không có điểm dừng trong học tập.
Như vậy cùng với giáo dục đại học, hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề đang được quốc gia coi trọng và dần trở thành một quốc sách.
Đề án giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh THPT đã được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2018 -2025 đã xác định chính sách phân luồng trong THCS có vai trò quan trọng. Nhằm giúp các em chọn được ngành nghề yêu thích, đúng sở trường, đúng đam mê của mình. Có vậy mới giảm thiểu lãng phí về tiền bạc, công sức học tập không đúng, để các em hội nhập vào thị trường lao động.
Đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM, khi gia nhập thị trường lao động, tiêu chí quan trọng nhất là giá trị nghề nghiệp, giá trị hành nghề.
Bắt đầu từ năm 2020-2021 có quy định mới của Bộ LĐ-TB&XH dựa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh sau THCS cùng với hệ trung cấp có thể bước thẳng vào hệ cao đẳng.
Theo đó, học sinh có thể đăng ký học thẳng vào một ngành nghề nào đó ở trường cao đẳng bằng hai giai đoạn. Một giai đoạn học Trung cấp với 4 môn phổ thông. Với khoảng 1,5-2 năm, các em sẽ tốt nghiệp trung cấp nghề. Sau đó, có thể tiếp tục học bậc cao đẳng khoảng 1 năm nữa.
Như vậy, trong khoảng 3 năm, tối đa 3,5-4 năm các em sẽ hoàn thành được bậc cao đẳng nếu các em đi theo phân luồng này. Như vậy, khi học xong cao đẳng, các em sẽ khoảng 18-19 tuổi.
Lúc này, các em có thể bước vào thị trường lao động làm việc. Các em cũng có thể học tiếp, liên thông lên đại học (chỉ mất 1,5-2 năm để học xong đại học). Như vậy, thời gian học nhanh, gọn, theo hướng mở, linh hoạt trong nghề nghiệp.
"Dù học cấp, bậc nào, tất cả các em đều sẽ phải bước vào thị trường lao động. Muốn vậy, vấn đề đặt ra là phải chọn cho mình ngành nghề đúng, phù hợp với bản thân mình, phù hợp với sở thích, điều kiện, năng lực, dựa vào xu thế của thị trường lao động. Mỗi người phải làm sao học thật giỏi để có một giá trị hành nghề, giá trị năng lực thì mới thành công trong xu thế hội nhập, tiến đến CMCN 4.0.
Và đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 đi qua, nguồn nhân lực sẽ được tái tạo lại. Lúc đó thị trường sẽ cần nguồn nhân lực hết sức lớn. Đó không phải chỉ là nguồn nhân lực có bằng cấp.
Ông Tuấn cho rằng, bằng cấp là một yếu tố quyết định thành công nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Yếu tố quyết định thành công của con người trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp.
"Tôi nghe nhiều ý kiến nói rằng, không cần bằng cấp, chỉ cần giỏi nghề là thành công. Điều này không còn đúng trong thị trường lao động hiện nay nữa. Trước đây, chúng ta học các ngành nghề lặt vặt, truyền nghề thì có thể thành công.
Còn bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn cao hơn, một giai đoạn tiếp cận công nghệ, tiếp cận tri thức, bắt buộc chúng ta muốn thành công thì phải bước qua hệ đào tạo của các trường, phải tiếp cận được tri thức của nhân loại, tri thức của ngành nghề đó rồi mới chuyển đổi thành kỹ năng để đi đến thành công".
"Đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp, đừng hiểu sai giữa bằng cấp và giá trị thị trường lao động. Đó là hai yếu tố kết hợp, hòa quyện. Và mỗi người chúng ta hãy chọn một ngành nghề, chương trình học phù hợp với chính mình", ông Tuấn nhấn mạnh.
Chuyên gia này mong rằng phụ huynh hãy quan tâm, chú ý, tìm được tiềm năng của con mình giúp con có sự lựa chọn phù hợp trong tương lai.
Lệ Thu
Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!