"Chuyện tình" mặn chát của cô giáo ở đèo Khau Phạ

(Dân trí) - Điều gì níu kéo một cô gái miền xuôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh đến với mảnh đất “nắng thì nắng quá thể, mưa thì mưa tầm tã” - Đó chính là tình yêu. Tình yêu với mảnh đất Nậm Khắt, tình yêu với nghề giáo viên cao quý, thiêng liêng và trên hết là tình yêu với con trẻ.

Yêu thương và khát khao

Điểm lẻ Lìm Thái thuộc trường mầm non Khau Phạ thuộc huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái nằm trên ngọn đồi cao nhìn xuống thôn bản, nơi sinh sống của đại đa số bà con là người dân tộc Thái (phân biệt với bản Lìm Mông của dân tộc Mông).

Điểm trường là nơi học tập của gần 60 em chia làm hai lớp (lớp 4 tuổi và lớp 5 tuổi). Cách đây 3 năm nhờ sự chung tay của các mạnh thường quân và các phụ huynh Lìm Thái mới có một diện mạo mới chỉnh trang hơn một chút. Tuy vậy cơ sở vật chất ở điểm trường này vô cùng thiếu thốn và khó khăn.

Trong lớp học 4 tuổi, những đứa trẻ người Thái xinh xắn, trắng trẻo đang ê a bài học vỡ lòng. Cô Phượng, một giáo viên cắm bản đã có 2 năm giảng dạy ở nơi đây phụ trách lớp học này. Những đứa trẻ khoanh tay lễ phép, chiếc miệng nhỏ chúm chím tập đọc theo tiếng đọc của cô. Thi thoảng chúng cười khúc khích như những chú chim vành khuyên.

Âm thanh đó vọt lên trong không gian, len lỏi trên những miếng tôn lợp mái, thổi bần bật vào tấm liếp, tấm bạt. Ấy là để miêu tả sự “trống rỗng” của các lớp học.

Trên mái nhà, gió rít lùa vào trong căn phòng với 25 em học sinh và hai cô giáo. Người lớn cũng như trẻ nhỏ gắng gượng để không co ro, buốt rét cho đúng tác phong một buổi học.


Sự hồn nhiên và đáng yêu của các em mẫu giáo ở điểm trường Lìm Thái

Sự hồn nhiên và đáng yêu của các em mẫu giáo ở điểm trường Lìm Thái

Từ Văn Chấn lên Mù Cang Chải, cô Phượng vẫn chưa quen được cái rét cắt da thịt của sương, gió đèo Khau Phạ. Phượng là một cô giáo trẻ và đầy nhiệt huyết quyết tâm cắm bản.

Điểm trường này có tất cả 5 cô giáo phụ trách hai lớp. Giữa hai gian nhà gỗ dùng để làm phòng học cho các cháu. Gian ở giữa vừa là nhà kho, nơi để cơm, để quần áo cho các cháu vừa là nơi ăn nghỉ của các cô. Căn phòng lạnh buốt được tận dụng mọi khoảng không để chứa đồ đạc. Ba chiếc phản to đùng dựa một góc tường được kê xuống sàn nhà làm nơi nghỉ ngơi cho các cô và các bé.

Cô Phương chật vật mãi mới vần được tấm phản xuống. Cô hóm hỉnh: “Bọn em chỉ mong làm sao nếu ai tài trợ phản thì cho tấm nhỏ thôi vì ở đây chỉ toàn các cô mà các cháu thì sức còn yếu. Tấm phản này vừa to vừa nặng vất vả lắm mới kê được”.

Có phản rồi các cô chỉ mong có thêm chăn và áo ấm cho các bé. Đôi bàn chân đỏ tấy và sưng phù của bé Nhà vì trời lạnh mà không đi dép lê. Bố mẹ Nhà là người dân ở thôn Lìm Thái kinh tế chủ yếu trông vào nương rẫy vì thế đời sống vô cùng khó khăn.

Để vận động được các gia đình cho con em đi học là một nhiệm vụ vất vả và khó khăn của các cô giáo cắm bản bởi không phải ai cũng nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc học. Tuy vậy điều đáng mừng là trong 10 năm cô Lụa cắm bản tại Lìm Thái thì có hơn 90% các gia đình cho con em đi học.


Cô Phương “khoe” với phóng viên khẩu phần ăn của một cháu bé chỉ có cơm trắng và chút đường

Cô Phương “khoe” với phóng viên khẩu phần ăn của một cháu bé chỉ có cơm trắng và chút đường

Cô Lụa nhớ lại quãng thời gian 10 năm trước từ khi bắt đầu đi dạy ở Lìm Thái cho đến nay. Nhiều khi nhớ nhà nhưng phải nửa năm cô Lụa mới có điều kiện về nhà một lần. Nhà cô ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Một thân một mình nơi đất khách quê người chống chọi với khí hậu khắc nghiệt và công việc vất vả nhưng những giáo viên như cô Lụa thu nhập cũng không đáng là bao. Ngoài lương cơ bản thì các cô được nhận phụ cấp 70%/ một tháng.

Nhưng trên hết lòng yêu nghề và khát khao đem con chữ về bản là lý do chính khiến những người như cô Lụa quyết tâm cắm bản.

Hai lớp học bỗng chốc trở nên ồn ào. Những đứa trẻ như chim vỡ tổ ùa ra khỏi lớp. Giờ ăn đến rồi! Bữa trưa của những đứa trẻ dân tộc Thái chẳng nhiều nhặn gì ngoài chút cơm nguội, xôi và ít thức ăn.

Cô Phương “khoe” với phóng viên những suất cơm gia đình chuẩn bị cho các bé thật quá sức tưởng tượng. Một chút đường, một chút muối hay một chút măng cay đều có thể là “món chính” trong bữa trưa nay.

Vậy mà khuôn mặt của đứa nào đứa đấy đều vô cùng sung sướng. Bọn trẻ tay bốc cơm nguội, bốc đường, bốc mì tôm sống ăn ngon lành. Nhà nào khá hơn thì có miếng trứng, miếng thịt.


Chân của Nhà bị đỏ và sưng phù lên vì rét

Chân của Nhà bị đỏ và sưng phù lên vì rét

Nhà loay hoay lục tủ đựng đồ. Khuôn mặt cậu dần dần tỏ vẻ sốt ruột và lo lắng. Không thấy âu cơm! tức là trưa nay phải nhịn đói. Cậu chực khóc. Cô Phương ra dỗ Nhà. Nghẹn ngào cô điện cho bố của Nhà nhưng không ai nghe máy.

Thương cậu học trò nhỏ cô Phương kêu gọi cả lớp…quyên góp cho Nhà một bữa cơm trưa. Bạn thì cho ít cơm, bạn ít rau, bạn thì miếng đậu, miếng thịt.

Thấm thía cảnh này cô Phương không giấu nổi xúc động: “Đời sống người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn cho nên các cháu đi học chịu nhiều thiệt thòi. Nhìn cặp lồng cơm các cháu mang đi các anh cũng biết được hoàn cảnh gia đình các cháu như thế nào. Có cháu chỉ có cơm nguội với một dúm măng cay là xong một bữa. Vì thế nên bọn em rất mong được sự quan tâm hơn nữa từ xã hội để cho các cháu có những bữa ăn đầy đủ hơn, manh áo ấm mặc đi học”.


Các cô giáo tại điểm trường Lìm Thái, Khau Phạ

Các cô giáo tại điểm trường Lìm Thái, Khau Phạ

Vì yêu nên gạt phắt mọi lời khuyên

Trong không gian thoáng đãng của thư viện sách ngoài trời thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Khắt (xã Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải) có một cô giáo nhỏ nhắn đang tỉ mẩn cầm tay chỉ dạy cho các em học sinh tiểu học. Ấy là cô Hoa, một trong những tấm gương tiêu biêu của giáo dục tỉnh Yên Bái.

Đôi mắt trong ngần của cô Hoa ánh lên sự mẫn tiệp và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Cô Hoa đến nay đã có 7 năm công tác tại trường Nậm Khắt. Bảy năm trước khi cô Hoa đặt chân đến đây, hai vợ chồng cũng là hai giáo viên trẻ đã từng muốn khóc vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn.

Điều gì níu kéo một cô gái miền xuôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh đến với mảnh đất “nắng thì nắng quá thể, mưa thì mưa tầm tã”. Sau cuộc hành trình bảy năm cô Hoa cùng người chồng của mình (là bạn học và cũng là một giáo viên cắm bản) đã có được câu trả lời. Đó chính là tình yêu. Tình yêu với mảnh đất Nậm Khắt, tình yêu với nghề giáo viên cao quý, thiêng liêng và trên hết là tình yêu với con trẻ.

Cô Hoa nhớ những ngày đầu hai vợ chồng đi dạy, cắm điểm lẻ. Hai vợ chồng phải mang đi chút muối, chút gừng để giữ thân nhiệt, đi bộ cả chục cây số để đến điểm trường, đến nhà từng người dân vận động cho con em đi học.

Gia đình nội ngoại hai bên không ít lần giục hai vợ chồng về giảng dạy tại thành phố Yên Bái hay quê cô ở Quảng Ninh. Bạn đồng môn của cô giờ đều đã có vị trí tại các trường danh tiếng đều khuyên cô “bỏ phắt trên đây đi” mà về xuôi công tác. Nhưng lần nào cô Hoa cũng gạt phắt đi.

Cô lý luận:“Vì em yêu mảnh đất này anh ạ, yêu những đứa trẻ nơi đây. Em ở Quảng Ninh mãi rồi, ở nhà chồng cũng nhiều rồi. Hai vợ chồng em nảy sinh ý định lên đây để khám phá và tìm hiểu cuộc sống ở nơi đây khác với miền xuôi như thế nào. Trên hết là đem con chữ đến với các em học sinh nơi đây. Đến bây giờ em chưa có ý định đi đâu cả”.

Chia sẻ về những khó khăn của học sinh vùng cao, cô Hoa cho biết khó khăn lớn nhất vẫn chính là cơ sở vật chất. Mặc dù đã được nhà nước đầu tư nhiều nhưng cô Hoa cho rằng các em ở đây vẫn còn thiệt thòi rất nhiều so với các bạn miền xuôi đặc biệt là thiếu sách. Cô cũng bày tỏ mong muốn sẽ có một thư viện khang trang hơn và có nhiều đầu sách hơn phục vụ nhu cầu đọc của các em.

Chia tay những cô giáo cắm bản: cô Hoa, cô Phương, cô Lụa chúng tôi trở về xuôi trong màn sương khói bảng lảng của Khau Phạ bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng trẻ đọc sách ê a. Sương mù kéo đến rồi bỗng chốc bị nắng đuổi đến nơi tan vào trong núi rừng. Bầu trời Mù Cang Chải lại trong xanh như đôi mắt đầy tình yêu và mơ mộng của những cô giáo đặc biệt, cô giáo cắm bản./.

Ninh Vũ - Hà Cường

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục