Thanh Hóa:
Chuyện gieo chữ nơi biên cương của những người lính quân hàm xanh
(Dân trí) - Không chỉ cầm súng canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, những người lính đồn biên phòng Quang Chiểu (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) còn tình nguyện đứng lớp dạy học, mang tri thức đến với những bản làng nơi biên cương.
Đến từng nhà “tìm” học sinh
Có mặt ở bản Lách (xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) vào một tối mùa đông giá lạnh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe những tiếng đồng thanh đánh vần ê a phát ra từ lớp học với những học sinh từ độ tuổi 20-40 tuổi.
Lớp có 38 học viên, chủ yếu là chị em phụ nữ người Khơ Mú ở bản Lách và số ít ở bản Chanh. Hàng ngày, lớp học bắt đầu lúc 19h đến 21h, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. Sau những ngày làm việc vất vả trên nương rẫy, cứ đến giờ, chị em trong bản ới nhau cắp sách vở đi học.
Trong khi lũ trẻ, con cháu của các học viên chơi đùa ngoài sân, trong lớp các “học sinh đặc biệt” chăm chú nghe giáo viên dạy tập đánh vần từng con chữ. Những bàn tay thô sần vì đã quen cầm cái cuốc, con dao, giờ đây họ tập cầm bút, học cách viết tên mình.
Ở lớp học đó, giáo viên là những thầy giáo mang quân hàm xanh của đồn biên phòng Quang Chiểu. Mỗi ngày, các chiến sỹ phải lặn lội hơn 12 km đường rừng tối tăm, hiểm trở không quản trời gió mưa, giá rét hay nóng nực để đến lớp.
Đại úy Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng đội Hoạt động quần chúng đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát chia sẻ: “Lúc đầu người dân chưa nhận thức được ý nghĩa của việc học chữ, hơn nữa với tâm lý e ngại, mặc cảm nên chúng tôi rất khó vận động họ học chữ . Để có học viên, hàng ngày, cùng với nhiệm vụ tuần tra biên giới, các chiến sỹ biên phòng còn đến tận nhà, lên tận nương rẫy để trò chuyện, lựa lời thuyết phục.
Chúng tôi chọn ra những ví dụ gần gũi đời sống, để bà con dễ hiểu, như biết chữ có thể biết đường đi mà không cần hỏi thăm, biết chữ thì vào bệnh viện còn biết chỗ nào thăm khám, dùng điện thoại di động cũng cần biết chữ mới có thể gọi, nhắn tin”.
“Thầy giáo” ở đây phải chiều theo lịch sinh hoạt của “học sinh”. Họ là lao động chính nên ban ngày đi nương làm rẫy, tối về có người phải lo cơm nước cho gia đình. Thầy giáo muốn dạy sớm cũng không được, lớp học thường bắt đầu sau giờ ăn cơm tối, học vào ban đêm để có đông đủ học viên” - Đại úy Cường cho biết thêm.
Nhờ đó, lớp học ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đến nay, ngoài 26 học viên tại bản Lách đăng ký tham gia lớp học, đã có thêm 4 học viên ở các bản khác đăng ký. Nhiều chị em đã vận động chồng, bố mẹ, anh chị em cùng tham gia lớp học… Sau một thời gian, lớp học đã duy trì ổn định 38 học sinh. Mặc dù ban ngày, các “học sinh đặc biệt” đều phải lao động vất vả trên nương rẫy, nhiều người cách xa hàng chục km, nhưng đúng 19h hàng ngày, học viên đều đặn tới lớp học.
Dạy chữ và tuyên truyền đường lối của Đảng
Những thầy giáo quân hàm xanh này cũng chia sẻ, do không phải chuyên ngành Sư phạm nên ban đầu cũng có chút bỡ ngỡ. Nhưng sau đó, các anh phải tự tìm tòi tài liệu giảng dạy và học hỏi từ các thầy cô giáo kĩ năng truyền đạt sao cho phù hợp với các học viên của mình. Ngoài việc dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, lối sống văn hóa hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu…
“Điều khó khăn nhất trong việc dạy lớp xóa mù chữ là khác biệt ngôn ngữ, khi đa phần các học viên không nói được tiếng Kinh, những lời giáo viên truyền đạt người học không hiểu được hết. Những ngày đầu, việc tập trung các học viên đến lớp còn khó khăn vì nhiều người đi nương rẫy, nhưng một thời gian làm quen lớp học, các chị em đã tự giác đến lớp đúng giờ, các giờ học cũng chăm chú và tập trung nghe giảng. Hiện tại nhiều học viên đã có thể đánh vần được mặt chữ và tự viết được tên mình” - thầy giáo Cường nói.
Nỗ lực uốn nắn những nét chữ đầu tiên, chị Cút Thị Bao (38 tuổi) - học viên lớn tuổi nhất lớp vui vẻ chia sẻ: “Nhiều lúc nghĩ mình không biết chữ thì thiệt thòi quá, không viết được tên mình mà cũng không biết tính toán làm ăn. Ngoài giờ học trên lớp, về nhà, tôi còn học chữ cùng với cháu nội đang học tiểu học. Các thầy dạy rất nhiệt tình và dễ hiểu, giờ tôi đã đánh vần, ghép chữ được rồi”
Với vai trò là phiên dịch “đặc biệt” của lớp học, ông Trịnh Văn Xôm, Trưởng bản Lách cho biết, hàng ngày ông cũng lên lớp với vai trò là trưởng lớp, theo dõi, đôn đốc các chị em học tập. Nhiều khi ông còn làm phiên dịch, cầu nối giữa học viên và giáo viên.
Hầu hết người dân trong bản, nhất là các chị em phụ nữ đều không biết chữ, vì vậy, mỗi lần ra UBND xã, người dân không thể tự viết tên mình mà phải điểm chỉ. Không có chữ, đồng bào cũng không biết tính toán làm ăn nên đói nghèo cứ mãi đeo bám. Lớp học này thực sự rất bổ ích. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các chiến sỹ đồn Biên phòng Quang Chiểu, Trưởng bản Xôm chia sẻ.
Được biết, đây là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, sau khi rà soát tỷ lệ tái mù chữ tại các địa bàn, xác định bản Lách có tỉ lệ mù chữ cao, đồn Biên phòng Quang Chiểu đã tham mưu và được cấp trên cho phép triển khai lớp học xóa mù chữ tại bản này.
Trong thời gian 3 tháng, các học sinh sẽ được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về: nghe, nói, đọc, viết chữ quốc ngữ và một số phép tính cơ bản.
Kết thúc khóa học, đảm bảo 100% học viên biết đọc, biết viết, biết sử dụng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản… Qua đó, giúp đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống phục vụ trong lao động sản xuất, góp phần tích cực trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Bình Minh