Đắc Lắc:

Chuyện chưa kể về một bản Mông nghèo hiếu học

(Dân trí) - Nằm trơ trọi giữa núi rừng Đắk Nuê bốn bề bao phủ, cuộc sống của hàng trăm đồng bào ở đây còn lắm khó khăn nhưng buôn Đắk Sar luôn được biết đến là bản Mông nghèo hiếu học tại Đắc Lắc.

GV vã mồ hôi trên cung đường lầy lội

Mùa mưa Tây Nguyên trút nước thực sự là “cơn ác mộng” đối với các giáo viên (GV) cắm bản dạy học tại buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắc. Bởi sau mỗi cơn mưa lại thảm lên cung đường một “lớp nhựa” thách thức nghị lực cắm bản gieo chữ của GV vùng khó.

Quang cảnh lớp học tại buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắc.
Quang cảnh lớp học tại buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lắc.

Chúng tôi quay lại buôn Đắk Sar vào một ngày giữa mùa mưa Tây Nguyên để tận mắt chứng kiến sự “gian khổ” của các GV tuổi đôi mươi tình nguyện vào buôn giảng dạy. Tại đây đang tồn tại một lớp học tranh tre nứa lá hết sức tuềnh toàng.

Đắk Sar lọt thỏm như một ốc đảo dưới chân đèo Đắk Nuê dựng đứng, bốn bề bát ngát xanh thẳm núi rừng trập trùng. Ở đây có hơn 300 nóc nhà của người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó chủ yếu là người H’mông, Tày, một số ít người dân tộc thiểu số Ê-đê, M’nông tại chỗ. Người đồng bào H’mông đặt chân đến vùng đất này cư trú sớm nhất nên Đắk Sar thường được người bản địa gọi với cái tên thật dễ nhớ và dân dã - “buôn Mông”. Hầu như “buôn Mông” - Đắk Sar tách biệt đối với thế giới xung quanh bởi ở đây không điện, không nước, không chợ búa, sóng điện thoại chập chờn, chỉ duy nhất nghe được bản tin radio của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cung đường bầm dập dẫn vào buôn Đắk Sar.
Cung đường "bầm dập" dẫn vào buôn Đắk Sar.
 
Cung đường bầm dập dẫn vào buôn Đắk Sar.
Mùa mưa, để vào được buôn Mông dạy chữ cho con em người đồng bào, thầy giáo trẻ Đặng Hữu Giang phải nhọc nhằn chinh phục từng cm đường lầy lội.

Từ sáng sớm, tiếng xe máy nổ inh ỏi “hon, hon, hon…” trên cung đường lầy lội của thầy giáo trẻ Đặng Hữu Giang (mới được ký hợp đồng vào buôn giảng dạy) đã làm xáo động cả buôn Mông. Theo chân thầy giáo Giang, sau khi chinh phục đỉnh đèo Đắk Nuê nằm cheo leo trên quốc lộ 27, bỏ xa trung tâm xã Đắk Nuê hơn 30 km đường bộ, vượt qua 2 buôn Pai Pi và Đlei ở vùng rìa, chúng tôi chính thức đặt chân lên cung đường lầy lội hơn 10 km dẫn vào buôn Mông.

Thật không tưởng, chỉ những ai từng đi qua đoạn đường này mới thấu hiểu phần nào sự gian khó của các GV vào công tác tại đây. Nói thật, mùa mưa, để vào được buôn Mông dạy chữ cho con em người đồng bào, đúng là phải nhọc nhằn chinh phục từng cm đường lầy lội.

Trên hành trình gieo chữ, vượt qua cung đường bầm dập ấy, có khoảng 7 đến 8 đoạn sụt lún dài cả trăm mét, ngắn thì ít nhất cũng vài chục mét, cứ tuần nào mùa mưa cũng thách thức sự kiên nhẫn cắm bản gieo chữ của các GV vùng khó. Thực ra cung đường này chỉ toàn đất sét với sét. Khi mưa dầm, chúng trở nên vô cùng đáng sợ bởi khiến không ít người trượt ngã vì trơn.

Thầy giáo Giang cùng 3 GV nữ đầu tuần vào công tác phải săn ống quần lên đến đầu gối, chân thì đeo giày ủng lê từng bước như muốn trượt ngã vì đường hầu như không ma sát. Khi xe máy đi qua mỗi đoạn đường lầy, chỉ có cách một người dắt, người phía sau gồng hết sức đẩy thật mạnh vì bánh xe hầu như nằm trọn dưới vũng lầy. Vừa vượt qua được một đoạn vũng lầy bầm dập, thầy Giang vừa thở hổn hển vừa kể có hôm vì sa lầy trên đường vào buôn, đến lớp chậm, HS tưởng rằng thầy cô nghỉ dạy nên rủ nhau ra về, thế là cuối tuần phải dạy bù.

Một trong 7 đến 8 đoạn sụt lún con đường dẫn vào buôn Mông.
Một trong 7 đến 8 đoạn sụt lún con đường dẫn vào buôn Mông.

Dù đường sá như muốn thách thức sự chịu đựng của con người, tuy nhiên, trên khuôn mặt của cô giáo trẻ Triệu Thị Hằng chúng tôi vẫn thấy lóe lên một nụ cười thật tươi sau khi cô “cưỡi” xe máy vượt qua được một đoạn đường lầy lội. Dù đang thở dốc vì mệt nhưng cô vẫn cố kể, từ hôm tựu trường đi học đến nay, cô đã 3 lần ngã chổng khoèo trên vũng lầy. “Mưa to, té ngã, áo quần ướt sũng nhuốm toàn đất đỏ là chuyện thường thôi anh ơi! Những hôm mưa dầm không tài nào đi nổi”, cô Hằng chân tình.

Đúng như lời thầy hiệu trưởng La Trọng Chương, vì đường sá quá khó khăn, lại cách xa điểm trường chính hơn 30km đường rừng, để động viên các GV trong bản, mỗi tháng các thầy cô giáo trong trường đóng góp mỗi người 10 nghìn đồng để hỗ trợ các GV buôn Mông tiền xăng xe.

“Các GV vào buôn Đắk Sar dạy học là những người tự nguyện xung phong đi công tác vùng xa. Họ biết ở đó sẽ khổ nhưng chấp nhận đi vào chỗ khổ. Điều đó chứng tỏ họ rất yêu nghề, yêu trẻ. Tôi cho rằng, với những GV cắm bản tại Đắk Sar, nhất là đối với những GV chế độ hợp đồng, các cấp nên xem xét cho họ được vào biên chế để yên tâm cắm bản công tác”, thầy Chương bày tỏ.

Cung đường lầy lội, nhưng các GV vẫn cố gắng đến đúng giờ.
Cung đường lầy lội, nhưng các GV vẫn cố gắng đến đúng giờ.

HS nhịn đói hoặc ăn bắp cải đi học

Điểm trường buôn Đắk Sar có 110 HS là con em người đồng bào dân tộc thiểu số đang trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 2. Điều đáng nói, dù phải ngồi học trong căn phòng tranh hết sức tuềnh toàng, thiếu thốn cơ sở vật chất, gia đình lại nghèo nhưng các GV cho biết các em điều rất chăm ngoan và hiếu học. Chỉ trừ những trường hợp em nào đau ốm nặng mới nghỉ học, còn hầu như các em đều đi học đều đặn bất chấp có hôm trời mưa to, nước dâng cao. “Hôm đó trời mưa to, em Vàng A Tú (lớp 1M3) vẫn vắt ngang cái áo mưa quàng qua cổ. Đến được trường ngồi học nhưng ướt sũng, tay thì run run cầm viết. Cho em về nhưng em nhất quyết không chịu về. Chúng tôi phải lấy áo khoác thay cho em để bớt lạnh”, cô Hằng kể.

Dù khó khăn nhưng HS buôn Mông đều chăm học.
Dù khó khăn nhưng HS buôn Mông đều chăm học.

Trong khi cô giáo Ngô Thị Thương (lớp 2M2) đang hướng dẫn HS tập viết chữ “D”, cô giảng to: “Đặt bút ở đường kẻ 6, viết nét lượn 2 đầu theo chiều dọc rồi chuyển hướng viết tiếp nét cong phải…”. Từ ngoài cửa lớp nhìn vào, không ít em khi đang ngồi học nhưng khuôn mặt phờ phạc, rũ rượi trông thật tội nghiệp. Điều này theo các GV cắm bản tại Đắk Sar, HS ở bản Mông gia đình vô cùng khốn khó. Buổi sáng các em thức dậy từ tinh mơ cầm theo một nắm cơm trắng rồi đi học. Nhiều em thậm chí không có gì để ăn những vẫn đến trường nên HS phần lớn xanh xao, gầy gò, nhiều em suy dinh dưỡng.

Hôm đến thăm điểm trường, em Ma Văn Sơn (lớp 2M2) trong khi đang ngồi học vẫn kè kè trên tay một quả dưa leo xanh ngắt (theo cách em gọi là bắp cải) khiến chúng tôi vô cùng khó hiểu. Thật ngỡ ngàng, khi được hỏi chuyện, Sơn cho biết gia đình nghèo, lại cách xa điểm trường 5km đường rừng, buổi sáng mang theo “bắp cải” đến trường ăn chống đói. “Buổi sáng có hôm nhịn đói đi học, hoặc là ăn bắp cải để lót cái bụng thôi! Chứ buổi sáng có cơm mà ăn thì sướng lắm…”, Sơn ấp úng nói.

Dù khó khăn nhưng HS buôn Mông đều chăm học.
Em Ma Văn Sơn (lớp 2M2) trong khi đang ngồi học vẫn kè kè một quả dưa leo xanh ngắt (theo cách em gọi là bắp cải) để ăn chống đói.

Khi cô giáo hỏi to giữa lớp: “Sáng nay có em nào nhịn đói đi học không?”, thấy có người lạ nên cả lớp ngồi im lặng. Bất ngờ cánh tay của em Dương Thị Vân rụt rè đưa lên. Khuôn mặt xanh xao, Vân hồn nhiên nói: “Nhà cháu không có gì ăn để đi học! Cháu quen rồi!”.

Dù khó khăn nhưng HS buôn Mông đều chăm học.
Em Dương Thị Vân - một trong những HS “dũng cảm” đưa tay lên hồn nhiên nói: “Nhà cháu không có gì ăn để đi học! Cháu quen rồi!”.

HS ở buôn Đắk Sar ăn uống thiếu thốn là vậy, cho nên ông Nông Văn Du - trưởng buôn Đắk Sar không giấu giếm nói: “Người dân buôn Mông ở đây rất nghèo. Quanh ăn họ lam lũ lo kiếm cái ăn đã xanh mặt chứ đừng nói gì đến chế độ dinh dưỡng cho các cháu. Cơm chỉ có măng rừng, rau lá, muối trắng là chính. Thậm chí nhiều hộ chỉ có toàn sắn mì với bo bo”.

Hôm chia tay Đắk Sar, tâm trạng chúng tôi vẫn thấy thật là buồn bởi vẫn văng vẳng bên tai lời tâm sự thật nặng trĩu của cô Hằng: “GV cắm bản chúng tôi dù khó khăn, vất vả đến mấy cũng gắng sức chịu được. Chỉ thương cho các em HS ở đây nhà quá nghèo, thiếu ăn, thiếu uống không đủ sức mà học”.
 

Hiện buôn Đắk Sar đã được đầu tư xây dựng trường học mới cách điểm trường cũ khoảng 4km. Bà Bùi Thị Trí Huệ - Phó phòng GD-ĐT huyện Lắk cho hay, trường học mới tại buôn Đắk Sar được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012, dự kiến điểm trường có 6 phòng học. Tuy nhiên, bà Huệ không biết chính xác thời điểm trường học này hoàn thành và đưa vào phục vụ.

Viết Hảo