Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối bổ sung nhân tài CNTT cho Nhật Bản

Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối (BrSE - Bridge Software Engineer) là chương trình hay, qua đó bổ sung nhân tài Việt Nam cho ngành CNTT Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada, nhận định.

Đây là thông tin được ông Hiroshi Fukada đưa ra trong buổi làm việc mới đây với Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình về việc thúc đẩy hợp tác giữa FPT và các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc cung cấp nguồn nhân lực IT.

 
Ông Hiroshi Fukada cũng khẳng định, Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối là một chiến lược rất tốt, đặc biệt trong bối cảnh nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao của Nhật đang thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, ông Hiroshi Fukada cũng lưu ý, FPT phải nghiên cứu kỹ nhu cầu của các công ty Nhật Bản.
 
Ông Hiroshi Fukada Đại sứ Nhật Bản (
Ông Hiroshi Fukada Đại sứ Nhật Bản (ngoài cùng bên phải) khẳng định, Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối là một chiến lược rất tốt.
 
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso tại Nhật Bản, ông Trương Gia Bình đã đề xuất Phó Thủ tướng bảo trợ cho việc phát triển Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối của FPT Software (đơn vị thành viên của FPT) và phát triển hợp tác về ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) với Nhật Bản.

Ông Taro Aso đã đồng ý với các đề xuất của Chủ tịch HĐQT FPT và cử người phụ trách theo dõi việc hợp tác với FPT. Ông Taro Aso cũng rất ấn tượng về các thành tựu mà FPT đã đạt được và mong muốn FPT sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đại diện Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp và một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.
 
Ông Miyamoto Akihiko - Đại diện Cục chính sách Thương Mại và Công Nghệ, Bộ Kinh tế Thương Mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, Chính phủ Nhật Bản rất hoan nghênh tiếp nhận các kỹ sư CNTT xuất sắc đến từ Việt Nam nói chung và các kỹ sư của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối nói riêng, đồng thời mong muốn các kỹ sư cầu nối của Việt Nam có thể trở thành sợi dây kết nối tình hữu nghị giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong tương lai.
 

Hiện nay mặc dù các học viên của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối mới đang trong giai đoạn đào tạo, dự kiến phải đến tháng 6/2016 mới có khóa học viên đầu tiên của Chương trình chính thức tốt nghiệp, nhưng hiện đã có các DN lớn của Nhật Bản sẵn sàng tiếp nhận những học viên này.

 
Ông Ichiba Nobuyuki, Tổng giám đốc Nissen Holdings (Nhật Bản), một trong những khách hàng lâu năm của FPT Software khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các học viên của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối vì các học viên này có thể giúp nâng cao hiệu quả và tốc độ xử lý công việc so với việc dùng “liên lạc viên tiếng Nhật” (Japanese Communicator) như hiện nay. Một công ty khác là Recruit Solutions, cũng đang hy vọng có cơ hội được tiếp nhận các học viên sau khi tốt nghiệp Chương trình.
 
Đầu tháng 4/2015 đã có gần 50 học viên đầu tiên của Chương trình nhập học tại trường Meros Nhật Bản với thời gian theo học là 12 tháng. Hiện tất cả các học viên đã thích nghi với môi trường học tập và cuộc sống sinh hoạt tại Nhật và đã có hơn 30 học viên được bố trí việc làm thêm phù hợp với năng lực tiếng Nhật của học viên. Trong đó, có một số học viên được bố trí việc làm thêm trong lĩnh vực CNTT, đúng theo chuyên ngành các học viên đã được đào tạo. Trong 3 ngày 8, 9, 10 tháng 6 vừa qua, FPT Software cũng đã tổ chức Lễ ra quân cho các học viên khóa hai của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối. Những học viên này sẽ chính thức nhập học tại Nhật Bản vào tháng 7 tới.
 
Ông Hiroshi Fukada Đại sứ Nhật Bản (
Các học viên khóa hai của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối trong Lễ ra quân ngày 8/6 tại TP Hồ Chí Minh.
 
Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối là giúp các DN Nhật Bản giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT trẻ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam được học tập, tìm kiếm một công việc tốt và xây dựng sự nghiệp của mình trong tương lai.
 

Hiện Nhật Bản đang triển khai nhiều dự án lớn như My Number; dự án nâng cấp công nghệ của các hãng công nghệ, ngân hàng lớn của Nhật; các dự án liên quan đến công nghệ cho phục vụ cho sự kiện Olympic năm 2020 tại Nhật…, đây là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam.

 

Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối được FPT Software công bố tại Nhật Bản vào tháng 11/2014. Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Mục tiêu nhằm giúp FPT nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ. Ứng viên quan tâm có thể truy cập vào địa chỉ: http://www.kysucaunoi.vn/dang-ky/form-dang-ky.html để đăng ký tham gia.